Sự việc xảy ra đối với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột cần phải được nhìn nhận một cách cẩn trọng, đánh giá chính xác để tránh gây ra những quan ngại quá mức, đặc biệt, có thể gây ảnh hưởng không lợi cho việc “lấy lại” các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã bị nước ngoài đăng ký chiếm đoạt.
Đây là ý kiến của TS Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ tại hội thảo: “Các nhà khoa học với việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam” do Liên hiệp hội các Hội KH&KT Việt Nam (Vusta), CLB báo chí Vusta và CLB nhà báo KH&CN tổ chức ngày 8/11.
Đã có nhiều ý kiến của các cơ quan quản lý khi vụ việc này bắt đầu nóng lên. Có ý kiến cho rằng, giới truyền thông có vẻ như đang "gắp lửa" vào tay các nhà quản lý và đẩy vụ mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột thêm rắc rối. Sự quan tâm thái quá của truyền thông đã đẩy “đối phương” nhìn nhận giá trị thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tăng lên gấp nhiều lần, gây khó khăn trong quá trình thương thảo lấy lại thương hiệu.
|
Logo nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng kí bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc. Ảnh: CAND Online |
Ông Nguyễn Văn Bảy - Cục Sở hữu trí tuệ đã so sánh vụ việc mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột với việc một vụ điều tra đang được cơ quan công an thụ lý thì những tình tiết liên quan đến vụ án cần được giữ bí mật để đảm bảo tính khách quan cũng như tránh đánh động cho đối tượng biết cách đối phó.
Ông cho rằng, sự tiết chế liều lượng, cách đưa tin của các phương tiện thông tin đại chúng cần được kiểm soát, nhất là đối với những vụ việc nóng.
Tuy nhiên, TS Tạ Quang Minh thông tin, vẫn có khả năng “lấy lại” nhãn hiệu này dựa trên những căn cứ pháp lý để tiến hành các thủ tục yêu cầu đình chỉ/hủy bỏ hiệu lực đăng ký nhãn hiệu là quy định của các điều ước quốc tế và quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ của nước sở tại và tình trạng nhãn hiệu đó ở Việt Nam.
Theo quy định của TRIPs (Hiệp định Bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới), các nước thành viên phải bảo hộ chỉ dẫn địa lý của các nước thành viên khác, do đó, nên tập trung vào nội dung này để yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý Buôn Mê Thuột cho Việt Nam.
Điều 22 của TRIPs quy định những yêu cầu tối thiểu mà các quốc gia thành viên phải thực hiện để bảo hộ chỉ dẫn địa lý của các nước thành viên khác, đồng thời cũng đòi hỏi một đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu hoặc một đăng ký nhãn hiệu phải bị từ chối hoặc hủy bỏ nếu một nhãn hiệu có chứa chỉ dẫn địa lý dùng cho hàng hóa không có nguồn gốc từ lãnh thổ được chỉ tới đó và gây nhầm lẫn cho công chúng.
Theo Điều 10 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc thì những tên địa danh như các đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố hoặc cao hơn và tên địa danh nước ngoài được biết đến rộng rãi đối với công chúng sẽ không được sử dụng làm nhãn hiệu, nhưng các thuật ngữ địa danh này khi có nghĩa khác hoặc là một phần của nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận sẽ được độc quyền.
Theo Điều 16 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc thì khi một nhãn hiệu có chứa chỉ dẫn địa lý của hàng hoá mà hàng hoá sử dụng nhãn hiệu đó lại không xuất xứ từ vùng địa lý được chỉ dẫn và nhãn hiệu gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, nhãn hiệu sẽ bị từ chối đăng ký và bị cấm sử dụng...;
Cơ quan giải quyết yêu cầu huỷ bỏ đăng ký nhãn hiệu của Trung Quốc là Cơ quan giải quyết khiếu nại (TRAB). Việc yêu cầu huỷ bỏ phải được thực hiện trong vòng 5 năm kể từ ngày nhãn hiệu là đối tượng của yêu cầu hủy bỏ được đăng ký. Riêng với trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng bị đăng ký với mục đích không lành mạnh (bad faith), chủ đích thực của nhãn hiệu đó sẽ không bị hạn chế bởi thời hạn 5 năm.
Các cách có thể lấy lại thương hiệu
|
- Tiến hành các thủ tục để có thể đình chỉ (với căn cứ là nhãn hiệu của họ không thoả mãn tiêu chuẩn bảo hộ hoặc chủ nhãn hiệu thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu với mục đích không lành mạnh) hoặc hủy bỏ (với căn cứ là nhãn hiệu đó không được sử dụng liên tục trong mọt khoảng thời gian luật định) hiệu lực nhãn hiệu đã được đăng ký của người khác và đăng ký nhãn hiệu của minh. Nếu thủ tục đình chỉ/hủy bỏ nói trên thành công thì khả năng nhãn hiệu của mình được đăng ký (được “lấy lại”) là có;
- Thoả thuận mua lại nhãn hiệu với chủ nhãn hiệu;
- Ngoại giao để chủ nhãn hiệu xin từ bỏ nhãn hiệu, mở đường cho ta đăng ký nhãn hiệu theo thủ tục quy định: Phương án này cần phải có sự tham gia của nhiều cơ quan, thủ tục phức tạp. Hơn nữa liên quan đến quyền dân sự mà yêu cầu sự tham gia của các cơ quan nhà nước thì không phù hợp với bản chất quan hệ. Thực tiễn cũng cho thấy một số nhãn hiệu của Việt Nam đã bị đăng ký trước ở thị trường nước ngoài, nhưng giải pháp sử dụng biện pháp ngoại giao để đòi lại cũng không dễ dàng thực hiện
Việc lựa chọn cách nào phụ thuộc vào việc phân tích, đánh giá tình hình cụ thể và do doanh nghiệp, tổ chức “bị mất’ nhãn hiệu thực hiện với sự trợ giúp của cơ quan quản lý nhà nước và với việc sử dụng dịch vụ của các công ty, văn phòng đại diện sở hữu trí tuệ có kinh nghiệm. |
Liên Cơ