Không kể các đơn vị chức năng và một số doanh nghiệp, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KH-CNVN) hiện có 24 Viện nghiên cứu quốc gia với gần 250 giáo sư, phó giáo sư, khoảng 700 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học. Hơn 35 năm qua, Viện KH-CNVN triển khai, thực hiện khá nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong nước và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, để giữ vai trò là đơn vị "đầu tàu" trong nghiên cứu khoa học của cả nước, viện còn phải giải quyết không ít hạn chế, khó khăn.
Triển khai, thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học
Viện KH-CNVN là nơi tập trung đông nhất số người làm công tác khoa học của cả nước. Hơn mười năm qua, nhất là năm năm trở lại đây, viện đã từng bước chuyển hoạt động từ Viện Hàn lâm (chuyên về nghiên cứu cơ bản và lý thuyết) sang một trung tâm KH-CN quy mô quốc gia; thực hiện các nghiên cứu khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất kinh tế hàng hóa. Theo một cán bộ lãnh đạo viện cho biết: Thời gian qua, Viện KH-CNVN xác định chín hướng khoa học ưu tiên phát triển. Ðó là công nghệ thông tin và tự động hóa; công nghệ sinh học và sinh thái nông nghiệp bền vững; khoa học và công nghệ vật liệu; sinh thái và tài nguyên sinh vật; các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học; công nghệ môi trường; điện tử và chế tạo thiết bị khoa học; khoa học công nghệ biển; phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Theo đó, hằng năm, đội ngũ cán bộ của đơn vị đã triển khai hàng trăm đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ các cấp. Ðáng chú ý, số lượng các đề tài nghiên cứu cơ bản của viện thường xuyên chiếm 45% tổng số đề tài và kinh phí nghiên cứu về lĩnh vực khoa học tự nhiên của cả nước. Viện cũng là nơi được giao thực hiện một khối lượng khá lớn các đề tài thuộc chương trình KH-CN trọng điểm cấp Nhà nước (năm năm gần đây là khoảng 50 đề tài). Ðáng chú ý trong đó có một số đề tài tiêu biểu như 'Nghiên cứu đánh giá hiệu lực của Interleukin - 2 tái tổ hợp sản xuất tại Việt Nam dùng hỗ trợ điều trị ung thư' của PGS Trương Nam Hải (Viện Công nghệ sinh học), 'Hoàn thiện công nghệ dự báo lũ cho hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình' của PGS Hoàng Văn Lai (Viện Cơ học), 'Nghiên cứu sàng lọc một số dược liệu để phân lập một số chất mới có tác dụng diệt tế bào ung thư' của PGS Hoàng Thanh Hương (Viện Hóa học, các hợp chất thiên nhiên), 'Ô nhiễm dầu trên vùng biển Việt Nam và Biển Ðông' của PGS Nguyễn Ðinh Dương (Viện Ðịa lý). Ở các mức độ khác nhau, viện đã có một số kết quả nghiên cứu KH-CN có giá trị. Chẳng hạn như điều tra, nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường, thiên tai tại các vùng lãnh thổ và vùng biển đảo; công nghệ gien, công nghệ tế bào động vật - thực vật, mà nổi bật là ứng dụng công nghệ gien để định danh hài cốt liệt sĩ, công nghệ vi sinh; công nghệ vật liệu mới, vật liệu tiên tiến được áp dụng trong công nghiệp, nông nghiệp; các công trình toán học hiện đại và phần mềm chuyên sâu phục vụ công tác tài chính, ngân hàng; quy trình sản xuất vắc-xin thành phẩm và hoàn tất khâu thử nghiệm cho vắc-xin cúm gia cầm, dịch cúm ở người (H5N1). Với ý thức gắn khoa học với phát triển kinh tế - xã hội, hằng năm, Viện KH-CNVN nỗ lực chuyển giao công nghệ vào sản xuất, kinh doanh cho các ngành và địa phương bằng hàng trăm hợp đồng kinh tế; góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và nâng cao năng lực sản xuất của một số doanh nghiệp...
Ðội ngũ đông nhưng chưa mạnh
Ðến thời điểm này, Viện KH-CNVN có 24 viện nghiên cứu cấp quốc gia, bảy đơn vị chức năng và ba đơn vị sự nghiệp do Chính phủ thành lập theo Nghị định số 62/2008; chưa kể chín doanh nghiệp nhà nước và hơn 20 liên hiệp sản xuất và Công ty 35 thuộc các viện chuyên ngành, với hơn 2.500 cán bộ trong biên chế. Nhờ vậy, viện có một đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao: gần 250 GS, PGS, khoảng 700 TSKH và TS, hàng trăm nghiên cứu viên cao cấp. Gần mười năm trở lại đây, viện được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng bốn phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại các viện chuyên ngành, bước đầu đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác nghiên cứu; ngân sách cho hoạt động khoa học không ngừng được tăng lên... Tuy nhiên, nhìn một cách nghiêm túc thì chất lượng và hiệu quả của nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tế cuộc sống ở Viện KH-CNVN vẫn còn những hạn chế, bất cập. Mà điều dễ thấy là viện chưa có những kết quả nghiên cứu thật sự nổi trội, mang tính đột phá, số lượng phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích còn quá khiêm tốn so với tiềm năng của đơn vị. Ðây là trung tâm lớn nhất cả nước về nghiên cứu cơ bản, song hằng năm số lượng công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín còn ít. Một vài năm trở lại đây, Viện KH-CNVN đã có sự nỗ lực trong việc gắn kết công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ vào thực tế cuộc sống, đưa các kết quả nghiên cứu vào triển khai ứng dụng. Song với một đội ngũ đông cán bộ có trình độ cao, đến nay viện mới chỉ liên kết, hợp tác chuyển giao công nghệ tới khoảng 15 tỉnh, thành phố và một số bộ, ngành trong cả nước; mặt khác chưa có nhiều sản phẩm mới, công nghệ mới thật sự nổi bật đem lại hiệu quả cao cho nền kinh tế - xã hội đất nước. Thậm chí có một số đề tài, dự án được đầu tư kinh phí khá lớn nhưng việc phát huy tác dụng vào đời sống còn khó khăn, hạn chế.
Tập trung triển khai một số nhiệm vụ, chương trình có tầm chiến lược
Trước mắt và trong thời gian tới, Viện KH - CNVN sẽ triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ, chương trình lớn có tầm chiến lược. Ðó là 'Ðề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển từ năm 2010 và tầm nhìn 2020' đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong chiến lược nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng và phóng vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất và môi trường (với gói thầu chính 55,2 triệu ơ-rô). Một loạt các đề tài, nhiệm vụ KH-CN cấp Nhà nước, chương trình KH-CN trọng điểm cấp Nhà nước (nhất là toán học, công nghệ sinh học); dự án hợp tác nghiên cứu theo Nghị định thư với nước ngoài; các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản do Quỹ NaFosted giao hằng năm... Thực hiện một khối lượng công việc lớn lao như vậy, dĩ nhiên phải có giải pháp đồng bộ, nhưng có lẽ cần tập trung vào các vấn đề chính như Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ Viện KH-CNVN lần thứ sáu (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã đề ra. Chẳng hạn trong việc xây dựng quy hoạch phát triển của viện đến năm 2020, tầm nhìn 2030, cần cụ thể hóa chiến lược phát triển các hướng khoa học và công nghệ ưu tiên một cách phù hợp cho từng giai đoạn, mà trước mắt là từ 2011 đến 2015. Khơi dậy tính chủ động, sáng tạo trong việc xác định kế hoạch đầu tư phát triển tiềm lực về mọi mặt từ các viện chuyên ngành và đơn vị chức năng. Trong đó cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức và sử dụng có hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm đã được xây dựng, vừa phục vụ cho công tác nghiên cứu, vừa góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðội ngũ cán bộ khoa học của viện, tuy mấy năm gần đây đã được bổ sung, nhưng nguy cơ hẫng hụt chuyên gia đầu ngành đang hiện hữu; trong khi cán bộ trẻ có năng lực, trình độ ngày càng thiếu, vắng do chưa có một cơ chế, chính sách thích hợp để thu hút, đãi ngộ. Một vài năm trở lại đây, các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành có tính ứng dụng cao đã tích cực đưa các kết quả nghiên cứu, triển khai vào thực tiễn đời sống. Song, so tiềm năng đội ngũ của viện việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học còn ở mức độ thấp, mà trong nhiều nguyên nhân có phần thiếu chủ động, linh hoạt, sáng tạo của một bộ phận cán bộ quản lý và nhà khoa học. Mạnh dạn hơn trong việc thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ về tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm trong đơn vị nghiên cứu khoa học công lập; khẩn trương và quyết liệt hơn trong việc sắp xếp lại, giải thể các liên hiệp sản xuất và Công ty 35 hoạt động kém hiệu quả trong số hơn 20 đơn vị được thành lập cách đây hàng chục năm, cũng là điều mà Viện KH-CNVN cần làm dứt điểm...
(Theo Nhân dân online)