Nguyên Viện trưởng Vật lý địa cầu (Viện KH và CN Việt Nam) PGS, TS Hà Duyên Châu cho biết: Trên bề mặt mặt trời thường xuất hiện những vết đen và các vụ nổ sắc cầu mà các thiết bị, máy móc từ trái đất có thể quan sát được. Các vụ nổ sắc cầu lớn bắn vào khoảng không vũ trụ hàng tỷ tấn plasma, trong đó một phần bay về trái đất và gây ra sự biến thiên từ trường rất mạnh, các nhà khoa học quen gọi là bão từ (hay bão mặt trời).
Cường độ của bão từ được chia làm năm cấp. Trong đó cấp G1 (nhỏ nhất) tương ứng với 50 đến 100 nanoTesla (nT), cấp G3 khoảng từ 200 đến 300 nT, cấp mạnh nhất là G5 tương ứng từ khoảng 500 nT trở lên. Ở nước ta, năm 1989, tại trạm Phú Thụy (Hà Nội) đã ghi nhận một trận bão từ cực đại, đạt 700 nT; đến năm 2001, xảy ra hàng chục trận bão từ khác nhau, trong đó có trận cường độ lên đến hơn 600 nT. Các nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu cho thấy trong các năm từ 2006 đến 2011, mỗi năm xảy ra 15 đến 20 trận bão từ ở cường độ nhỏ. Song, sang năm 2012 - 2013, theo chu kỳ hoạt động mới của mặt trời thì số trận bão từ sẽ nhiều hơn (30 đến 40 trận/năm) và có trận đạt cực đại. Trong các ngày 7 và 8-3-2012, các thiết bị của Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận một trận bão từ có cường độ tương ứng cấp G3.
Khảo sát, phân tích của các nhà chuyên môn xác định: Khi bão từ xảy ra ở mức độ mạnh sẽ xuất hiện dòng điện cảm ứng rất lớn song song với từ trường của dòng điện 500 kV. Dòng điện cảm ứng này sẽ làm hỏng rơ-le tự động của trạm biến áp, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các trạm cấp điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Bão từ cũng gây ảnh hưởng đến vệ tinh truyền thông, làm nhiễu sóng các thiết bị điện tử thu, phát tín hiệu; ăn mòn kim loại đối với hệ thống đường ống dẫn dầu khí. Nhất là ảnh hưởng tới sức khỏe con người, mà trực tiếp là các trường hợp bị bệnh tim mạch, cao huyết áp, thần kinh và xương khớp.
Các quốc gia ở vĩ độ cao (50 đến 60 độ), hay chịu tác động của bão từ, cho nên người ta có sự đầu tư lớn về con người và trang thiết bị cho công tác nghiên cứu, dự báo để phòng, chống bão từ. Lâu nay, có nhiều mô hình dự báo bão từ như dự báo dài hạn theo chu trình 10 đến 11 năm, dự báo theo chu trình một tháng hoặc dự báo trước hai, ba ngày. Các dự báo này dựa vào quan trắc về sự bùng nổ sắc cầu trên mặt trời; tính toán độ lớn của vụ nổ để tính thời gian tác động của nó xuống trái đất nhằm tìm cách ứng phó, phòng tránh.
Ở nước ta, hiện có bốn đài địa từ có thể quan sát được bão từ: Ðài Sa Pa (Lào Cai) xây dựng năm 1957, đài Phú Thụy (Gia Lâm) xây dựng năm 1961, đài Ðà Lạt xây dựng năm 1981 và đài Bạc Liêu đi vào hoạt động năm 1988. Trong đó, hai đài Phú Thụy và Bạc Liêu đạt trình độ quốc tế, số liệu được truyền trực tiếp lên mạng in-tơ-nét đến hơn 40 quốc gia trên thế giới. Còn các đài Sa Pa và Ðà Lạt từ chỗ sử dụng máy ghi từ quang cơ (dùng giấy ảnh) đang từng bước được hiện đại hóa bằng máy ghi từ hiện số GEO MAG. Với sự đầu tư của Nhà nước và hợp tác quốc tế, Viện Vật lý địa cầu đang có kế hoạch nâng cấp các đài, trạm thu thập số liệu địa từ, điện ly bằng các thiết bị hiện đại ghi từ hiện số, nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu trường địa từ và dự báo bão từ.
Các nhà khoa học thiên văn quốc tế cũng như trong nước cho biết, chu kỳ hoạt động mới của mặt trời (chu trình thứ 24) đạt tới cao trào vào các năm 2012 - 2013, thời kỳ này trên bề mặt mặt trời sẽ xuất hiện nhiều vết đen khiến các vụ bùng nổ sắc cầu phun trào vật chất xảy ra nhiều hơn với cường độ cao và tần suất lớn. Khi đó, các dạng bức xạ như hồng ngoại, tử ngoại, ga-ma, rơn-ghen... hoạt động mạnh trong bầu khí quyển sẽ gây ra nhiều trận bão từ, cường độ lớn. Ðiều đó đòi hỏi chúng ta cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu, dự báo và có các biện pháp phòng, chống tác hại của bão từ. Các ngành điện lực, viễn thông, hàng không... cần sớm có kế hoạch nghiên cứu, tìm ra giải pháp phòng, chống hữu hiệu khi có bão từ lớn xảy ra. Riêng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trong điều kiện nước ta chưa sản xuất được các tấm lưới kim loại để che chắn tác động của bão từ (như một số nước phát triển); đối với người bị tim mạch, thần kinh, xương khớp, cao huyết áp, lời khuyên của thầy thuốc là không nên đi ra ngoài khi có bão từ lớn xảy ra. Mặt khác, người bệnh có chế độ dinh dưỡng phù hợp, uống nước và ăn nhiều hoa quả để cân bằng lượng nước trong cơ thể. Nếu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu hơn cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị có hiệu quả.