Để đảm bảo chất lượng các đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) yêu cầu các công trình phải công bố trên các “tạp chí ISI” (phương thức phân loại và xếp hạng tạp chí khoa học được thừa nhận và sử dụng rộng rãi khi bàn luận về chất lượng khoa học), đồng thời yêu cầu chủ nhiệm đề tài phải có công bố ISI trong khoảng thời gian không quá 5 năm nhằm đảm bảo người đứng đầu các dự án nghiên cứu đang thực sự thực hiện các nghiên cứu khoa học.
Nhưng cần thấy rằng việc đáp ứng yêu cầu về số lượng công bố trên tạp chí ISI không có nghĩa là các đề tài nghiễm nhiên được coi là hoàn thành kết quả nghiên cứu mà quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Hội đồng khoa học và các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn sau khi đánh giá các kết quả nghiên cứu so với mục tiêu đặt ra trong thuyết minh đề tài.
Đối với các ý kiến cho rằng yêu cầu công bố quốc tế đối với các đề tài khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên làm giảm các bài viết chất lượng đối với các tạp chí khoa học của Việt Nam, chúng tôi cho rằng với số lượng các công trình công bố từ các nhóm thực hiện đề tài của Quỹ 300-500 công trình đăng trên tạp chí ISI mỗi năm như hiện nay chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng các nhà khoa học trong nước, số lượng các công trình công bố hằng năm. Như vậy, khó có thể nói các công bố này ảnh hưởng đến chất lượng các tạp chí trong nước.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng ghi nhận thực tế là việc đòi hỏi công bố quốc tế cho các đề tài khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (KHTN) đã dẫn tới một số khó khăn, vướng mắc ngoài mong muốn, trong đó có những vấn đề mà một số nhà khoa học trong và ngoài nước đã lên tiếng, như xu hướng chia nhỏ các kết quả nghiên cứu để đảm bảo đủ bài ISI, dẫn đến thiếu các công trình thực sự chất lượng, đòi hỏi nỗ lực công phu và thời gian nghiên cứu lâu dài của nhà khoa học. Sức ép công bố quốc tế nếu quá lớn cũng có thể dẫn đến gian lận khoa học. Đây là những vấn đề mà các nhà quản lý và giới khoa học sẽ phải cùng cân nhắc, tìm giải pháp thỏa đáng.
Ngoài ra, ở Việt Nam có thực tế là do yêu cầu có công bố quốc tế nên tỷ lệ không đạt khi nghiệm thu thường cao hơn so với các chương trình KH&CN khác, mà nếu áp dụng quy định hiện hành về xử lý đề tài không đạt của Bộ KH&CN dẫn đến việc hoàn lại kinh phí đối với các nghiên cứu thì sẽ chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và gây khó khăn cho nhà khoa học đã dành hết chi phí cho công tác nghiên cứu, thử nghiệm.
Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng những chuẩn mực về chất lượng đặt ra như hiện nay không phải là quá khắt khe. Bằng chứng là số các hồ sơ đăng ký và được tài trợ vẫn tăng bền vững giai đoạn 2010-20131. Chương trình nghiên cứu cơ bản trong KHTN chiếm trên 70% số lượng các đề tài và trên 60% kinh phí được cấp cho Quỹ trong giai đoạn. Các con số trên đấy cho thấy tiêu chí đặt ra đối với chương trình là phù hợp, đảm bảo hỗ trợ được số lượng phù hợp các nhà khoa học (theo nghuồn kinh phí được cấp của Quỹ) có trình độ, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng nghiên cứu của Việt Nam nói chung.