Chiều 4/10, tại Hà Nội, tiểu ban Thực phẩm, nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản (FAASC) Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức tọa đàm về an toàn thực phẩm: tầm quan trọng của phòng thí nghiệm và xét nghiệm đối với hoạt động xuất nhập khẩu.
Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đối với các quốc gia, các nhà sản xuất và các công ty xuất khẩu cần nhận thức rằng an toàn thực phẩm ngày càng có vai trò quan trọng. Đối với an toàn thực phẩm, việc có được một hệ thống kiểm tra nguồn gốc tại chỗ là rất quan trọng; cụ thể là các phòng thí nghiệm và các phương pháp kiểm tra phải đạt trình độ quốc tế; các quy định hiện hành được thực thi.
Tại buổi tọa đàm, ông Jean Jacques Bouflet, cựu Tham tán công sứ, Trưởng ban kinh tế và Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã được thỏa thuận Hiệp định tự do Thương mại. Eu có những yêu cầu cao về chất lượng, đặc biệt là đối với các sản phẩm thực phẩm và doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuyển biến nhằm đáp ứng những yêu cầu đó. Các công ty cần phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với ở Việt Nam. Khi áp dụng hiệp định này, dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu nhiều hơn nữa, góp phần thực hiện được các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh: thử nghiệm là công cụ hữu hiệu để giúp cho chất lượng hàng hóa Việt Nam tham gia vào thế giới hữu hiệu hơn. Ngoài ra, thử nghiệm còn giúp kiểm soát được hoạt động nhập khẩu, đánh giá, giám định, qua đó người sản xuất có thể kiểm soát được chất lượng tốt hơn. Đặc biệt, hoạt động kiểm nghiệm còn giúp cho hàng hóa của Việt Nam vượt qua hàng rào thương mại.
Việt Nam đang duy trì chương trình công nhận đạt tiêu chuẩn VILAS, tuy nhiên chương trình này chưa được tất các các bộ, ngành thừa nhận và chưa được biết đến rộng rãi. Mặt khác, các công ty nước ngoài chưa thực sự tin tưởng vào hệ thống công nhận của Việt Nam do không phải tất cả các yêu cầu đều được tuân theo. Ngoài ra, do các phòng thí nghiệm không thường xuyên tham gia vào các chương trình kiểm tra năng lực và sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế nên không thực sự rõ ràng về chất lượng của kiểm tra. Do vậy, trong thời gian tới các phòng thí nghiệm của Việt Nam cần sử dụng phương pháp kiểm tra quốc tế công nhận, nâng cao chất lượng của các phương pháp kiểm tra có sắc tại Việt Nam để đáp ứng được các yêu cầu của quốc tế khi tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu.
Tin, ảnh: Bùi Hiếu