Vụ vải thiều 2016 đã chính thức bắt đầu. Tuy sản lượng vải năm nay có giảm do thời tiết bất thường nhưng chất lượng quả vải lại tăng cao, giúp cho giá tăng bình quân từ 25-30% so với các năm trước và hứa hẹn một năm được giá của người trồng vải. Không chỉ có các thị trường truyền thống, năm nay vải Việt Nam lại có thêm một số thị trường mới, hứa hẹn không chỉ cho vải thiều mà còn là hàng loạt các nông sản khác của Việt Nam.
Tiềm năng xuất khẩu vải thiều
Vải thiều là cây ăn quả được trồng phổ biến ở vùng đất đồi trung du miền Bắc nước ta. Diện tích trồng vải thiều đã không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, trong đó Bắc Giang là vùng trồng vải lớn nhất cả nước. Năm nay, diện tích trồng vải của Bắc Giang là 30.000 ha, với tổng sản lượng là 130.000 tấn. Bắc Giang dự kiến có 60% sản lượng sẽ tiêu thụ ở thị trường nội địa, 40% tiêu thụ ở thị trường quốc tế. Thời điểm hiện tại, người dân ở huyện Lục Ngạn cho biết họ bán vải thiều với giá dao động từ 27.000 đồng đến 30.000 đồng/1kg. Trung bình một ngày họ bán 6 đến 7 tạ vải cho các thương lái thu mua.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết, do thời gian thu hoạch ngắn, vải thường chín rộ vào cuối tháng 5 đến đầu tháng 7 nên việc bảo quản và tiêu thụ vải thiều là vấn đề vô cùng cấp thiết đối với người nông dân cũng như các nhà quản lý. Do vậy, năm nay Bắc Giang chuẩn bị sớm cho quá trình xúc tiến, quảng bá thương mại vải thiều từ giữa tháng 5/2016 ngay tại tỉnh Bắc Giang thu hút sự tham gia tích cực của chính quyền và doanh nghiệp. Trong xúc tiến khuyến cáo rất rõ đối với cả người trồng vải và đối với các doanh nghiệp đến giám sát và tiêu thụ vải thiều tại Bắc Giang về việc sớm cung cấp thông tin của các loại thị trường, dự báo và phân khúc các loại thị trường. Do đó đã có sự “bắt tay” giữa các doanh nghiệp, các hợp tác xã trên địa bàn của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, doanh nhân, các thương nhân đến giám sát và thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho biết, mặc dù công tác xúc tiến, quảng bá thương mại đã được chú trọng để tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho quả vải tươi, nhưng đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất. Hơn nữa, do việc buôn bán tiểu ngạch qua biên giới thường không tuân thủ các quy định kiểm dịch, làm cho nhiều hộ dân đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất để tạo màu làm đẹp vỏ quả, dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm chất lượng quả, ảnh hưởng đến thương hiệu, thậm chí là tới sức khỏe người tiêu dùng. Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng quả, hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học nhằm sản xuất quả vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, Bắc Giang đã xây dựng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để sớm đưa quả vải vào thị trường các quốc gia phát triển trên thế giới, yêu cầu đặt ra là quả vải phải được xử lý để đảm bảo chất lượng và không làm phát tán côn trùng, dịch bệnh.Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp nhằm kiểm dịch hiệu quả hơn như chiếu xạ để diệt côn trùng, sâu bệnh hại nhằm đáp ứng các quy định về kiểm dịch thực vật của các quốc gia nhập khẩu là một yêu cầu thiết yếu.
Chiếu xạ kiểm dịch vải thiều
Xử lý chiếu xạ đã được biết đến như một biện pháp kiểm dịch hiệu quả đối với nhiều loại côn trùng khác nhau. Xử lý chiếu xạ không chỉ có khả năng duy trì chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản quả tươi mà còn là biện pháp hiệu quả trong việc kiểm soát sự sinh sản và phát tán côn trùng, và được xem là biện pháp kiểm dịch bắt buộc đối với một số nông sản xuất khẩu ở một số nước phát triển.
TS. Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho biết, vải thiều là một trong những loại quả dễ bị nhiễm côn trùng, sâu bệnh hại, cần phải kiểm soát để đảm bảo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Mới đây, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành Dự án nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội phục vụ chiếu xạ kiểm dịch quả tươi xuất khẩu, góp phần hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp mở rộng thị trường và nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu nói chung, quả vải thiều nói riêng. Hiện, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội có thể đáp ứng chiếu xạ được với công suất tối đa là 20 tấn/1 ngày.
Cần phải kiểm soát để đảm bảo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Úc đã công nhận Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội được phép xử lý chiếu xạ quả vải tươi xuất khẩu sang Úc, góp phần giảm chi phí chiếu xạ vải thiều xuất khẩu và tiết kiệm thời gian vận chuyển. Vải được chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đang được nhận sự hỗ trợ của Nhà nước nên chỉ mất 6.000 đồng/1kg bằng ½ chi phí khi chiếu xạ tại các tỉnh phía Nam. Theo tính toán của các đơn vị xuất khẩu, chiếu xạ tại phía Bắc cũng sẽ tiết kiệm cho mỗi doanh nghiệp 15.000 đồng/1 kg vải .
Vừa qua, Công ty TNHH Rồng Đỏ và Tổng Công ty TNHH Agricare Việt Nam đã thu mua để xuất khẩu sang thị trường Úc. Để vào được thị trường khó tính này, quả vải phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về vùng trồng, bao bì, cơ sở đóng gói, ghi nhãn và kiểm dịch. Việc có thêm thị trường mới đã giúp nâng giá trị cho quả vải Việt Nam và đặc biệt tránh phụ thuộc vào một thị trường dễ gây rủi ro, ế thừa khi có biến động. Ngoài ra, hướng quả vải xuất khẩu vào thị trường khó tính còn giúp cho huyện Lục Ngạn có gần 160 ha vải trồng theo mô hình Global Gap.
Ông Giáp Văn Thành, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang sau 20 năm trồng vải thiều đến năm nay gia đình ông quyết định chuyển 100% diện tích trồng vải sang mô hình Global Gap. Theo ông trồng theo mô hình này nhàn và kinh tế hơn rất nhiều. Chỉ cần phun thuốc sâu một tháng một lần. Trong khi, trước đây không làm theo khoa học kỹ thuật, không theo hướng dẫn, chỉ dẫn thì một tháng phải ba lần phun thuốc, vừa tốn tiền, vừa tốn công.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng là đơn vị sát sao cử cán bộ làm việc với nông dân, doanh nghiệp để hướng dẫn và kiểm tra đầy đủ các yêu cầu về mặt kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, không quên các thị trường truyền thống, để chuẩn bị cho mùa vụ vài thiều 2016 đại diện của tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hải Dương cũng đã ký kết hợp tác hỗ trợ xúc tiến đầu tư vải thiều với 13 tỉnh thành phía Nam, kết nối được với hệ thống các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và chợ đầu mối .
Việc nỗ lực của các đơn vị liên quan không chỉ giúp vải thiều tiêu thụ tốt hơn tại các thị trường truyền thống mà còn mở ra các thị trường quốc tế mới, phân tán sự rủi ro của một thị trường tiêu thụ quả vải - một trong những loại nông sản đặc sản của Việt Nam.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, để quả vải thiều đạt tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu sang thị trường khó tính, đầu tiên đối với Bắc Giang là rà soát lại quy hoạch, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, thực hiện tốt quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, ứng dụng KH&CN trong chăm sóc thu hoạch bảo quản và tiêu thụ. Liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu hoạch, tiêu thụ, gắn sản xuất với thị trường là yếu tố quan trọng nhất tạo điều kiện thuận lợi giảm giá thành và thúc đẩy xuất khẩu vải thiều sang thi trường khó tính ở xa và giá trị cao như hiện nay.
Như vậy, chiếu xạ kiểm dịch quả vải nói riêng, nông sản nói chung sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam trong những năm tới. Sản phẩm quả vải được chiếu xạ sẽ giúp người tiêu dùng hiểu rõ thêm về lợi ích của chiếu xạ thực phẩm trong việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chiếu xạ thực phẩm ở Việt Nam.
Bảo Chi