Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 05:19 pm
Cập nhật : 27/02/2013 , 14:02(GMT +7)
Xử lý rác thải: Sớm lựa chọn công nghệ tối ưu
Dây chuyền xử lý rác bằng công nghệ đốt tại nhà máy xử lý rác thải tại phường Bắc Sơn (Uông Bí, QN)
Công nghệ xử lý rác thải hiện nay đang trăm hoa đua nở: nội có ngoại có nhưng thực tế, để áp dụng đại trà công nghệ xử lý rác lại là bài toán khó đặt ra cho các nhà quản lý.

Dự báo của Bộ TN&MT đến năm 2015, tổng lượng chất thải phát sinh lên đến 35 triệu tấn, một con số cần một hệ thống thu gom và xử lý lớn, triệt để nhằm bảo vệ môi trường sống của con người. Vì vậy, khi xử lý chất thải rắn nguy hại lẫn không nguy hại, cơ sở xử lý phải có đầy đủ các giải pháp kỹ thuật thay thế khi cần thiết để đối phó với những tình huống bất trắc có thể xảy ra, đặc biệt là đối với các khía cạnh môi trường liên quan đến khu xử lý rác. Trong đó ưu tiên đối với công nghệ tái chế, công nghệ xử lý được chọn phải đảm bảo tính thích hợp và chắc chắn với diễn biến thành phần và tính chất rác thải, trong bất kì điều kiện khí hậu, thời tiết hay các chế độ thủy văn nào của khu vực xử lý rác, đảm bảo an toàn và hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, tác hại đối với sức khỏe con người.

Công nghệ nhiều nhưng khó lựa chọn

Song, thực tế cho thấy hầu hết các địa phương, hầu như nhiều cơ sở xử lý rác hiện đang sử dụng biện pháp chôn lấp. Số liệu thống kê của Bộ KH&CN cho thấy, trung bình một đô thị có một bãi chôn lấp, trong đó chiếm tới 85-90% là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao bởi mùi và nước rỉ rác.

Các chuyên gia đánh giá chung, công nghệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp tuy giá thành rẻ nhưng đòi hỏi nhiều diện tích đất, trong lúc quỹ đất hiện nay rất hạn chế. Mặt khác, phương pháp này không có khả năng thu hồi, tái chế, sử dụng lại nguồn nguyên liệu từ rác thải và lại nảy sinh một vấn đề là phải xử lý nước rỉ rác đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường - đây là công việc khó khăn, phức tạp không kém việc xử lý rác. Bên cạnh đó, cũng có nhiều loại công nghệ khác nhằm để xử lý rác thải nhưng mỗi công nghệ chỉ có khả năng ứng dụng tốt trong một phạm vi nhất định, chứ không được áp dụng một cách đại trà, rộng rãi.

Điều đó thể hiện rõ khi hiện tại, chúng ta đã có một số công nghệ trong nước với nhiều ưu điểm như khả năng phân loại rác thải tốt hơn, đặc biệt là đã tái chế, tái sử dụng được phần lớn lượng chất thải, đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường như công nghệ SERAPHIN, ANSINH - ASC, MBT-CD.08 với sản phẩm là phân hữu cơ, các sản phẩm nhựa tái chế và viên nhiên liệu. Các công nghệ này đã được triển khai áp dụng tại các nhà máy xử lý rác ở TP. Vinh, TP. Huế, huyện Đồng Văn – Hà Nam… bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Song, để áp dụng đại trà công nghệ xử lý rác lại là bài toán khó đặt ra cho các nhà quản lý.

Cần có sự lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng địa phương

Trước tiên cần khẳng định, việc sử dụng công nghệ trong xử lý rác thải là cần thiết, tuy nhiên để sử dụng hiệu quả cần có sự lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng địa phương.

Ví dụ như đối với đặc thù kinh tế- xã hội tại Quảng Ninh, việc xử lý rác nên tập trung vào việc làm sao biến rác thải thành sản phẩm công nghệ sinh học có tác dụng cải tạo đất mỏ sau khai thác. Đây cũng là hướng phát triển công nghệ mà TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN&MT khuyến cáo cho Quảng Ninh sau chuyến khảo sát liên ngành công nghệ xử lý rác tại nhà máy xử lý rác thải tại phường Bắc Sơn (TP Uông Bí, Quảng Ninh) do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Long làm chủ đầu tư.

TS Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ KH&CN đang xem sản phẩm viên đốt sau xử lý rác tại công ty TNHH Máy Thủy lực (Hà Nam).

Hoặc đối với công nghệ xử lý, tái chế rác thải thành viên nhiên liệu và không chôn lấp của công ty TNHH Thủy lực máy (Hà Nam)- công nghệ được đánh giá cao công nghệ bởi hệ thống gần như hạn chế tối đa việc cho công nhân tiếp xúc với rác thải. Bên cạnh đó, dây chuyền được tự động hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, như ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH Thủy lực máy trăn trở thì công nghệ không chỉ dừng ở xử lý được rác mà phải biến rác thành sản phẩm hữu ích, từ đó mới có khả năng “nuôi” được công nghệ. Thực tế cũng cho thấy, khá nhiều công nghệ xử lý rác đã nghiên cứu thành công nhưng chỉ sau khi chuyển giao một thời gian, dứt bỏ bầu sữa đầu tư của Nhà nước thì công nghệ gần như chết yểu không thể tồn tại được. Sở dĩ các công nghệ này thất bại bởi chúng ta quên đi bài toán sơ đẳng về kinh tế: Lấy thu bù chi.

Được biết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Xây dựng gấp rút xây dựng Chương trình tổng thể xử lý chất thải rắn sinh hoạt, áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp giai đoạn 2010-2020, khắc phục tình trạng hết sức bức xúc về rác thải hiện nay. Mục tiêu là đến năm 2020 sẽ áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp xử lý được đa số lượng rác phát sinh. Theo đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng giao cho Bộ KH&CN là đầu mối xem xét và đề xuất công nghệ xử lý rác thải phù hợp để áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Để mục tiêu này khả thi, sắp tới Bộ KH&CN sẽ sớm phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng để thành lập Tổ làm việc liên ngành liên quan để lựa chọn được công nghệ lò đốt rác tối ưu nhất nhằm áp dụng rộng rãi.

Bên cạnh đó sẽ có hàng loạt các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, nghiên cứu khoa học công nghệ và đặc biệt là khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Các địa phương căn cứ vào hệ thống chính sách chung để chủ động huy động các nguồn lực xã hội đầu tư, xây dựng các nhà máy hoặc giải pháp xử lý chất thải với quy mô, tính chất tùy thuộc vào điều kiện địa phương.

Bài và ảnh: Minh Châu

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner