Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 05:21 pm
Cập nhật : 26/08/2010 , 14:08(GMT +7)
Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn phụ thuộc cộng đồng dân cư
Bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay là rất quan trọng. Nguyên phó Viện trưởng Viện Khoa học- Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Đặng Thị Kim Chi cho rằng, phải có sự hợp tác chặt chẽ từ các cấp chính quyền cho tới người sống trong làng nghề và người trực tiếp làm nghề.

 

ĐBCùng với sự phát triển của làng nghề tại Hà Nội, bà đánh giá như thế nào về tình trạng ô nhiễm của các làng nghề hiện nay?

Theo kết quả khảo sát 52 làng nghề điển hình trong cả nước do Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức cho thấy, hiện có tới 46% làng nghề môi trường bị ô nhiễm nặng đối với không khí, nước và đất; ô nhiễm vừa và nhẹ đều chiếm 27%...

Bà Đặng Thị Kim Chi: Môi trường làng nghề ô nhiễm hiện nay còn tùy thuộc vào từng nghề khác nhau. Ví dụ như nghề thêu ren mức độ ô nhiễm không hơn so với sự ô nhiễm tại một làng thuần nông, còn nghề mây tre, nếu chỉ đan thì không có vấn đề gì nhưng nếu có phẩm nhuộm hay dùng thuốc sấy chống mốc chứa lưu huỳnh mới gây ô nhiễm. Còn lại, các làng nghề tái chế chất thải như tái chế nhựa, tái chế giấy, có khí thải, nước thải, chất thải rắn… gây ô nhiễm nhiều nhất đối với phần môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.       

Tôi cho rằng sự ô nhiễm tại làng nghề phụ thuộc nhiều vào đặc điểm loại hình sản xuất và chất thải phát sinh. Ô nhiễm làng nghề là ô nhiễm trên diện rộng, tập hợp từ nhiều điểm ô nhiễm nhỏ khác nhau là các cơ sở sản xuất trong làng nên việc xử lý rất khó khăn. Ngoài ra, việc thu gom lại tập trung xử lý rất tốn kém, mà xử lý cục bộ tại từng cơ sở sản xuất trong làng thì không đủ diện tích và cũng khó vận hành. Thêm nữa, do phần lớn hoạt động sản xuất tại các làng nghề là thủ công, công nghệ lạc hậu, thiết bị chắp vá nên lượng chất thải phát sinh khá nhiều, lại không được thu gom xử lý, làm cho tình trạng ô nhiễm tại nhiều làng nghề trở nên trầm trọng hơn và ngày càng trở nên bức xúc.

- Vậy theo bà, nguyên nhân nào gây ô nhiễm tại các làng nghề?

Bà Đặng Thị Kim Chi: Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề. Đầu tiên là do hoạt động của đại đa số làng nghề là tự phát tại các vùng nông thôn. Người dân làng nghề với nếp nghĩ của người chủ tiểu nông thường quan tâm tới lợi ích thu đuợc từ sản phẩm mà ít quan tâm tới các tác hại do sản xuất nghề gây nên. Thứ hai là do các công nghệ thiết bị ở mỗi làng nghề phần lớn còn lạc hậu. Tại một số cơ sở sản xuất phát triển, tỷ lệ nhập những thiết bị công nghệ tiên tiến để sản xuất còn rất ít, có đến 70% công nghệ thủ công, cơ khí lạc hậu nên rất dễ gây ô nhiễm. Thứ ba là trình độ lao động thấp kém, đa số không được đào tạo tại các trường dạy nghề mà chủ yếu là chuyển giao theo kiểu truyền miệng, chỉ dẫn bằng tay nên vấn đề bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường thường không hoặc rất ít được trang bị. Cuối cùng, đôi khi có những cơ sở sản xuất biết là độc hại nhưng do hạn chế về vốn nên không đủ khả năng để trang bị hệ thống xử lý ô nhiễm. Còn điểm nữa gây khó khăn trong việc xử lý ô nhiễm làng nghề là quan hệ sản xuất ở các làng nghề mang tính dòng tộc, hàng xóm làng giếng nên khó có biện pháp mạnh.

- Để cải thiện môi trường các làng nghề thì biện pháp nào là hiệu quả, thưa bà?

Bà Đặng Thị Kim Chi: Trước tiên, phải có những chính sách khuyến khích phát triển làng nghề bền vững bao gồm chính sách bảo vệ môi trường và hỗ trợ bảo vệ môi trường cho các làng nghề. Tiếp theo là nâng cao trình độ nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng làng nghề, từ chính người sản xuất và người không làm nghề nhưng sống trong làng nghề và nhận thức về bảo vệ môi trường của những cán bộ chính quyền của địa phương có làng nghề. Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tại làng nghề, có thể tuyên truyền ở các trường học, các hội như hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội người cao tuổi. Hiện nay, hệ thống quản lý môi trường mới chỉ đến cấp huyện, đối với các xã có làng nghề nên tăng cường hệ thống quản lý, phát hiện kịp thời các hiện tượng ô nhiễm môi trường. Việc quy hoạch lại các cơ sở sản xuất tại các làng nghề cũng cần chú ý nhiều tới đặc thù của quy mô và loại hình sản xuất  cho phù hợp với từng làng nghề.

- Đến nay đã có những làng nghề áp dụng KH- CN và trên thực tế môi trường các làng nghề này có cải thiện rõ rệt. Bà đánh giá thế nào về vai trò ứng dụng KH- CN trong vấn đề giải quyết ô nhiễm ở các làng nghề?

Bà Đặng Thị Kim Chi: Áp dụng KH-CN trong vấn đề này là rất cần thiết, trước hết là khâu phòng ngừa, tức là áp dụng những công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất tại các làng nghề. Trước mắt, nên áp dựng các biện pháp sản xuất sạch hơn trong quá trình sản xuất vì quá trình sản xuất tại các làng nghề còn thủ công, lạc hậu. Chỉ cần áp dụng một số biện pháp như tiết kiệm nước, tiết kiệm than… có thể cho hiệu quả nhìn thấy, điều này sẽ giúp người dân dễ tiếp thu hơn. Vừa qua, đã có một số mô hình xử lý ô nhiễm tại một số địa điểm làng nghề đã cho kết quả tốt, nhưng khi đem ra nhân rộng mô hình lại không đạt hiệu quả cao.

Hiện nay, Tổng cục Môi trường cũng đang thực hiện dự án lớn về kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, trong đó có những hoạt động như giới thiệu các mô hình về xử lý chất thải tại các làng nghề. Thiết nghĩ, vấn đề môi trường của các làng nghề chỉ thực sự có hiệu quả do chính cộng đồng dân cư tại làng nghề tham gia giải quyết, với sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và của các tổ chức xã hội.

- Xin cám ơn bà!

ND online


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner