Việt Nam đang trong quá trình phát triển điện hạt nhân và theo lộ trình, tương lai gần, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được khởi công xây dựng. Xử lý chất thải điện hạt nhân đang là vấn đề lớn không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Tuy nhiên cho dù có cách xử lý nào thì quan điểm của Việt Nam về vấn đề này đó là yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu trước khi tính đến các yếu tố khác.
Thế giới cũng chưa thống nhất
Hiện nay, xử lý chất thải hạt nhân đang là vấn đề khó khăn được xem là lớn nhất không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Người ta tính rằng, trung bình 1 tổ máy của nhà máy điện nguyên tử 1.000 MW, hàng năm thải ra 30-50 m3 chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình đã xử lý và 30 tấn nhiên liệu đã cháy.
Chất thải phóng xạ được chia thành nhiều loại chất thải có cường độ hoạt độ cao, trung bình và thấp. Với chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình ít nguy hiểm, dễ bảo quản, sau 2-3 trăm năm có thể coi như rác thải bình thường. Song, vấn đề đang làm đau đầu các nhà quản lý, nhà khoa học khi bắt tay sản xuất điện hạt nhân chính là rác thải phóng xạ hoạt độ cao. Chất thải này chứa nhiều sản phẩm phân hạch và nuclide siêu Uran có hoạt độ phóng xạ cao và chu kỳ bán hủy dài, các chất phóng xạ này chiếm hoảng 3% khối lượng nhiên liệu đã cháy.
Trong trường hợp không thể tái chế nhiên liệu hạt nhân đã cháy, thông lệ thế giới đang làm là cất giữ toàn bộ nhiên liệu đã cháy. Có thể trong tương lai sẽ có những bãi cất giữ quốc tế cho các chất thải phóng xạ này (thời gian cất giữ quản lý có thể đến hàng chục nghìn năm). Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chất thải phóng xạ sẽ được vận chuyển xuyên lục địa, cũng như đại dương, nhằm tìm kiếm nơi cất giữ an toàn cuối cùng. Hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đều có chất thải hạt nhân. Một số loại vẫn còn tính phóng xạ trong hàng nghìn năm. Tuy nhiên, thế giới hiện vẫn chưa thống nhất về một phương pháp chứa chất thải hạt nhân tốt nhất.
Có một thực tế tồn tại, phát triển điện hạt nhân tất yếu phát sinh ra chất thải. “Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là không lảng tránh mà làm sao ứng xử với chất thải nguy hại này một cách đúng đắn nhất. Hiện nay, trong tất cả các định hướng quy hoạch, chiến lược phát triển điện hạt nhân đều đề cập đến vấn đề này”- PGS.TS Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân nhấn mạnh trong cuộc hội thảo về Công tác truyền thông khoa học và công nghệ 2015- Nội dung và kế hoạch tuyên truyền phát triển điện hạt nhân được tổ chức mới đây tại Lạng Sơn.
An toàn phải được đặt lên hàng đầu
Theo PGS Tấn, các văn bản mang tính pháp quy và tạo hành lang pháp lý quan trọng trong đảm bảo an ninh bức xạ này đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Theo đó, từng nội dung như chính sách, quy định sử dụng nguồn vào (nguyên liệu hạt nhân), các công đoạn xử lý đến nguyên liệu đã qua sử dụng… sẽ được cụ thể và chi tiết hóa để đảm bảo an toàn nhất có thể. Việt Nam sẽ sớm ban hành chính sách quốc gia về quản lý chất thải hạt nhân trước khi tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Cần khẳng định rằng, yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu trước khi tính đến các yếu tố như an ninh năng lượng, kinh tế, quốc phòng… Điều này đã được Chính phủ Việt Nam nhắc đi nhắc lại một cách kiên định tại các diễn đàn thế giới cũng như khu vực. Việt Nam cũng đã tham gia Công ước về an toàn quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Được biết, nguyên liệu đầu vào sản xuất điện hạt nhân sẽ được nhập khẩu mà cụ thể đối với nhà máy số 1, do Nga cung cấp công nghệ thì sẽ nhập từ Nga, nhà máy số 2 sẽ nhập từ Nhật Bản. Đối với nhà máy số 1, hiện tại có hai khả năng xử lý nguồn chất thải phóng xạ sau khi sử dụng đó là: nhiên liệu đã cháy chuyển về Nga xử lý sau đó chuyển về Việt Nam lưu giữ hoặc thuê gửi ngay tại Nga. Bên cạnh đó, cả hai nước Nga và Nhật đều cam kết hỗ trợ giúp đỡ Việt Nam xử lý nguyên liệu đã qua sử dụng. Đây cũng là một trong những điều kiện bắt buộc khi được chỉ định là nhà cung cấp công nghệ.
Minh Châu