Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 21/12/2024 , 09:12 pm
Cập nhật : 24/08/2024 , 10:08(GMT +7)
Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng của dược liệu từ đinh lăng
Toàn cảnh Hội thảo.
Với các giá trị kinh tế - xã hội và môi trường mang lại, cây đinh lăng có thể trở thành một dược liệu có giá trị cao, không chỉ phục vụ trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong tương lai.

Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo “Đa dạng hóa sản phẩm từ đinh lăng - Cơ hội và thách thức” do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) phối hợp với Công ty Cổ phần Traphaco tổ chức ngày 23/8/2024 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) “Sàng lọc tác dụng sinh học và xác định thành phần hóa học có hoạt tính của một số loài đinh lăng tại Việt Nam”, được triển khai từ ngày 9/9/2020 đến ngày 9/9/2024 theo Nghị định thư Việt Nam - Hàn Quốc. 

Hội thảo cũng đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khai thác và phát triển bền vững chuỗi giá trị đinh lăng tại Việt Nam. Mục tiêu chính là sàng lọc tác dụng sinh học tiềm năng và xác định thành phần hóa học có hoạt tính từ các loài đinh lăng tại Việt Nam, đặc biệt là đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa), nhằm phát triển bền vững chuỗi giá trị dược liệu đinh lăng. Nghiên cứu này không chỉ bổ sung và nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng cho dược liệu từ rễ, thân, lá, và cao đặc đinh lăng mà còn mở ra hướng nghiên cứu mới cho các loài đinh lăng khác như đinh lăng lá to, lá trổ và lá tròn.
Theo PGS.TS. Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST, sau một thời gian nghiên cứu, ba đơn vị gồm VKIST, Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST) và Traphaco đã đạt được một số kết quả mới và có thể xem xét ứng dụng vào thực tiễn. Hội thảo lần này không chỉ nhằm chia sẻ những kết quả nghiên cứu mà còn là cơ hội để đề xuất các hướng đi mới cho các nghiên cứu tiếp theo, từ đó thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. PGS.TS. Vũ Đức Lợi hy vọng, với sự đóng góp của các nhà khoa học, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, cây đinh lăng có thể trở thành cây dược liệu có giá trị cao, không chỉ phục vụ trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong tương lai.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và các bên liên quan cũng đã thảo luận về tiềm năng và thách thức trong việc đa dạng hóa các sản phẩm từ cây đinh lăng. Các ý kiến đều cho rằng, với các giá trị kinh tế - xã hội và môi trường mà cây đinh lăng mang lại, chuỗi giá trị đinh lăng tại Việt Nam hứa hẹn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.
PGS.TS. Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, Chính phủ cũng đang thực hiện cải cách hành chính thông qua Luật Dược sửa đổi, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đăng ký và lưu hành thuốc. Bên cạnh đó, có nhiều thách thức trong việc phát triển dược liệu như: cải thiện chất lượng hồ sơ đăng ký, thiếu nhân lực, điều kiện kinh tế cho các nhà đầu tư… Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông để phát triển bền vững ngành dược liệu.
PGS.TS. Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền phát biểu tại Hội thảo.
Theo nhóm nghiên cứu tới từ Trường Đại học Dược Hà Nội, dược điển Việt Nam 5 hiện quy định đối với cao đặc đinh lăng được điều chế từ rễ cây đinh lăng, trong đó có quy định về chỉ tiêu chất lượng về hàm lượng acid oleanolic chế phẩm không được ít hơn 0.04% hàm lượng. Tuy nhiên lại chưa có quy định hàm lượng acid oleanolic trong nguyên liệu đầu vào, do vậy cần xây dựng phương pháp định lượng axit oleanolic trong mẫu rễ đinh lăng để kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay từ khâu nuôi trồng trước khi đưa ra thị trường.
Tại Hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu của Công ty Cổ phần Traphaco, Thạc sỹ Vũ Hương Thuỷ cũng đã đưa ra Bộ dấu vân tay đinh lăng lá nhỏ bao gồm: dấu vân tay di truyền ITS-rADN; dấu vân tay TLC của các mẫu rễ, gốc thân - cành, lá; dấu vân tay HPLC của các mẫu lá. Từ đó xác định chỉ tiêu chất lượng dược liệu từ đinh lăng, làm cơ sở cho việc kiểm soát chất lượng cao đặc đinh lăng, tránh tình trạng trộn các thành phần khác của cây đinh lăng.
Thạc sỹ Vũ Hương Thuỷ cho biết, việc thu hái hiện chỉ tập trung vào rễ và củ cây đinh lăng, trong khi quá trình nuôi trồng kéo dài lên tới 4 năm, gây lãng phí nguyên liệu lớn. Để khai thác và sử dụng thân cây đinh lăng hiệu quả, nhóm nghiên cứu đã xây dựng tiêu chuẩn theo các hướng dẫn của Dược điển Việt Nam 5, Dược điển châu Âu về xây dựng tiêu chuẩn dược liệu và các chế phẩm dược liệu. Các kết quả định tính sơ bộ bằng phản ứng hóa học và sắc ký lớp mỏng cho thấy không có nhiều khác biệt giữa mẫu rễ và thân.
Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco cho biết, hiện Traphaco đã xây dựng và phát triển vùng trồng đinh lăng tại nhiều địa phương như: Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, và Đắk Lắk. Những vùng trồng này được lựa chọn kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chí như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, và khả năng sinh trưởng của cây đinh lăng. Đặc biệt, vùng trồng tại huyện Hải Hậu và huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) được đánh giá là lý tưởng nhờ vào đất đai màu mỡ, không bị ô nhiễm, và có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của cây đinh lăng.
Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco trình bày tham luận tại Hội thảo.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN, hiện các nhóm nghiên cứu đang dùng những phương pháp khác nhau để xác định hàm lượng chất các thành phần của cây đinh lăng, cần phải rà soát lại các kết quả nghiên cứu, thống nhất phương pháp định lượng, định tính chỉ tiêu chất lượng, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất so sánh đối chiếu sản phẩm cũng như bảo vệ người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Kim Bách

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner