Xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận: Cần sửa đổi, bổ sung Luật Năng lượng nguyên tử
Sơ đồ phối cảnh nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam (ảnh ST)
Sửa đổi, bổ sung Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT) là yêu cầu tất yếu và cấp bách khi Việt Nam quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Các chuyên gia đã chỉ ra bốn vấn đề cốt lõi cần phải sửa lại trong Luật NLNT cho phù hợp với chương trình điện hạt nhân đó là: cấp phép cho điện hạt nhân; Trách nhiệm bồi thường thiệt hại; Kế hoạch ứng phó với các tình huống rủi ro và thể hiện sự cam kết quốc tế.
Tại hội thảo khoa học “Sơ kết 3 năm thi hành Luật Năng lượng nguyên tử” tổ chức ngày 19/12 tại Hà Nội, những bất cập của Luật cũng như những đề xuất sửa đổi, bổ sung đã được các chuyên gia, nhà quản lý về lĩnh vực này đưa ra.
Sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử là tất yếu
Ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua Quyết định chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy. Trong đó, nhà máy thứ nhất dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào năm 2014.
Bên cạnh những lợi ích đem lại từ điện hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ to lớn đối với con người và môi trường nếu không được quản lý nghiêm ngặt. Sau sự cố Fukushima, vấn đề đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân đã không còn dừng lại trong khuôn khổ của một quốc gia mà đã trở thành vấn đề quan tâm quốc tế. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân được xây dựng sắp tới đã trở thành vấn đề quan trọng có ý nghĩa quốc gia, quốc tế.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến cho biết, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng là công việc mới và khó đối với Việt Nam bởi chúng ta còn thiếu các chuyên gia giỏi và có kinh nghiệm thực tế.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, để xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản này cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ cho điện hạt nhân phải mất vài chục năm. Vì vậy, để kịp phục vụ cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cần phải vừa nghiên cứu kinh nghiệm các nước và IAEA, vừa xây dựng, ban hành và hoàn thiện dần trong quá trình thực hiện dự án.
Không thể phủ nhận tính tích cực của Luật NLNT khi đi vào cuộc sống. Lần đầu tiên nước ta có một đạo luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về NLNT, đặc biệt là về lò phản ứng hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân. Chúng ta đã tạo được hệ thống khai báo, cấp phép hoạt động bức xạ hạt nhân có nề nếp từ trung ương đến địa phương. Văn hóa an toàn bức xạ hạt nhân cũng đã từng bước đi vào tiềm thức của các cơ sở khi tham gia hoạt động này.
Chỉ rõ bất cập và kiến nghị bổ sung
Trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên những bất cập trong Luật NLNT đã bộc lộ khá rõ. Đó là sự thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành có liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương…
Ví dụ như trong thẩm quyền cấp phép: UBND cấp tỉnh cấp giấy phép sử dụng thiết bị X- quang chuẩn đoán y tế; Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò khai thác, chế biến quặng phóng xạ trên cơ sở thẩm định an toàn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân. Bộ Công thương cho phép vận hành thử, cấp giấy phép vận hành nhà máy điện hạt nhân sau khi thống nhất với Bộ KH&CN và Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia. Bộ KH&CN cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ còn lại…
TS Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân nhận xét: Các quy định trong Luật NLNT khá phức tạp đối với việc quản lý nhà máy điện hạt nhân. Nhiều cơ quan tham gia quản lý với chức năng và nhiệm vụ chưa thật rõ và có phần chồng chéo. Vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân chưa được xác định rõ ràng trong quá trình cấp phép. Đặc biệt, chưa có cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chính toàn bộ vòng đời của nhà máy. Điều này sẽ tạo nên những kẽ hở trong quản lý và có thể tạo ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn.
Bên cạnh đó, ông Dương Quốc Hùng, Chánh thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết: cần bổ sung, sửa đổi nội dung thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ và hạt nhân vào dự thảo Luật NLNT sửa đổi. Việc đưa nội dung này vào Luật là phù hợp với chuẩn mực quốc tế, yêu cầu đối với hoạt động quản lý của các quốc gia đối với hoạt động năng lượng nguyên tử. Điều này cũng thể hiện việc chúng ta đánh giá tầm quan trọng của thanh tra an toàn bức xạ trong hệ thống quản lý Nhà nước. Đặc biệt khi thanh tra an toàn bức xạ là hoạt động mang tính đặc thù, phức tạp liên quan đến chuẩn quốc tế và những cam kết thực hiện trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh phóng xạ, hạt nhân của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Còn Th.S Đặng Anh Thư, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cụ thể: cần sửa đổi quy định về đối tượng bồi thường thiệt hại hạt nhân theo thông lệ quốc tế; bổ sung thêm điều khoản về quyền khởi kiện đối với bên thứ ba; sửa đổi mức trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xảy ra sự cố; bỏ quy định về các nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ khắc phục thiệt hại hạt nhân.
3 vấn đề chuyên gia IAEA khuyến cáo cần định hướng sửa đổi, bổ sung Luật NLNT
- Thiết lập cơ quan pháp y độc lập, có hiệu lực (trên cơ sở các cơ quan, tổ chức hiện có) với thẩm quyền và nguồn lực cần thiết để thực thi đầy đủ các trách nhiệm quản lý được pháp luật quy định;
- Xác định rõ phạm vi trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến chương trình điện hạt nhân;
- Sửa đổi, bổ sung có quy định đầy đủ về: Ứng phó sự cố; Quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã cháy; Chấm dứt hoạt động và tháo gỡ nhà máy điện hạt nhân; An ninh hạt nhân; Thanh sát hạt nhân và trách nhiệm dân sự đối với thiệt hạt hạt nhân.