Hội nghị AEMI (Access to Medicine Initiative) 2010 đã được tổ chức ở Cape Town, thủ đô Nam Phi với mục đích bàn thảo những định hướng phát triển và kế hoạch nghiên cứu nhằm mang lại sự công bằng và quyền lợi y tế thiết thực hơn cho những nước đang phát triển.
Nỗ lực của những người tiên phong
Cùng với sự phát triển của khoa học, thế giới đã có những đầu tư rất lớn cho các nghiên cứu y tế và đạt những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, chỉ có 10% các thành quả này được phân chia tới các nước kém phát triển, trong khi đó những nước này chiếm đến 90% tỷ lệ bệnh tật của thế giới. Ngược lại, những nước phát triển ở Mỹ và Âu Châu được thừa hưởng 90% những thành quả khoa học với tỷ lệ chỉ có 10% bệnh tật.
Ông Eloan Pinherio, Giám đốc hãng dược quốc gia Brasil Far-Manguinhos, một thành viên của AEMI, đã chia sẻ: Brasil là nước bị tàn phá nặng nề nhất vì bệnh AIDS ở những năm 1990. Tuy nhiên, vì cơ chế bảo vệ chặt chẽ bằng sáng chế và giá thuốc rất cao, đa số bệnh nhân AIDS của Brasil đều không có khả năng trị liệu và tỷ lệ tử vong rất cao. Để đáp ứng, chính phủ Brasil đã mạnh dạn cho các hãng dược quốc doanh sản xuất những loại thuốc chống siêu vi HIV và đồng thời gây áp lực giảm giá thuốc của các hãng dược nước ngoài. Dưới áp lực sản xuất ồ ạt ở Brasil và chuyển giao công nghệ sản xuất chống AIDS tới các nước ở Châu Phi, các hãng dược quốc tế đã phải giảm giá từ 50% đến 90%.
Ở Châu Á, Thái Lan là nước cùng số phận bị AIDS hoành hành,khiến tỷ lệ tử vong vì AIDS của Thái Lan rất cao. Một phong trào đã được phát động yêu cầu sự can thiệp của Chính phủ nhằm giảm giá thuốc của các hãng dược phẩm nước ngoài. Ngoài ra họ đề nghị Chính phủ có những đảm bảo y tế cho dân chúng đặc biệt đối với các bệnh hiểm nghèo như AIDS, tiểu đường, huyết áp,....
Krisana Kraisintu, cựu Giám đốc của chương trình dược phẩm quốc gia Thái Lan, đã nhanh chóng chế tạo các thuốc chống AIDS tung ra thị trường và được sự ủng hộ lớn lao của dân Thái cũng như của nhiều nước trong vùng. Thành công này đã khiến Chính phủ chấp nhận chương trình y tế bảo vệ cho mọi người dân Thái và việc sản xuất các thuốc có khả năng chống lại những dịch tể nguy hiểm như AIDS.
Nỗ lực bảo vệ quyền y tế cho những người nghèo khởi xướng từ Brasil do Eloan Pinherior, và từ Thái Lan do Krisana Kraisintu đã giúp giảm thiều 80% số tử vong ở nước họ vì bệnh AIDS ở những năm 1990. Những hy sinh của họ cũng đã tạo một tiền đề cho các nước kém phát triển, làm giảm thiểu sự chi phối của những hãng dược phẩm quốc tế, đặc biệt đối với dược phẩm cho những bệnh hiểm nghèo.
Hợp tác nghiên cứu là giải pháp hàng đầu
Ấn Độ cho rằng việc khai triển kỹ thuật và hợp tác khoa học về nghiên cứu dược phẩm là yếu tố trọng yếu; việc hợp tác bao gồm các quốc gia đang phát triển và cả những quốc gia tiến bộ. Một kế hoạch chia sẻ các thông tin khoa học và lâm sàng cần thiết cho các bệnh hiểm nghèo vùng Á và Phi châu đã được Chính phủ và khoa học gia Ấn Độ tiến hành; chương trình OSDD (Hệ thống mở cho việc tìm kiếm dược phẩm mới) nhằm chia sẻ các thông tin khoa học căn bản và ứng dụng cho các bệnh ở vùng Á và Phi châu.
.Tại hội nghị AEMI, chúng tôi cũng rất ấn tượng với kế hoạch nghiên cứu của Columbia; đó là sự kết nối các nghiên cứu dược phẩm ở đại học hoặc các trung tâm nghiên cứu với các hãng dược phẩm. Lý do là các hãng dược thông thường có nguồn vốn lớn và việc hợp tác sẽ mang đến sự phát triển khoa học cho các trường đại học và lợi tức kinh tế cho các hãng dược phẩm. Vì lý do nào đó, mô hình này rất ít được thấy ở nhiều nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, trong khi đã có rất nhiều thành công ở Mỹ và Âu châu.
Đồng quan điểm với kế hoạch của Ấn Độ và Columbia, phần trình bày của chúng tôi tại hội nghị này cho chương trình nghiên cứu công nghệ sinh học (biotech) ở Việt Nam nhằm khai triển những kỹ thuật có tính ứng dụng cao để tạo những sản phẩm sinh học cho trị liệu các bệnh phổ thông và hiểm nghèo. Việc triển khai công nghệ chuẩn đoán bằng gen và kháng thề, chương trình trị liệu bằng sản phẩm của công nghệ tái tổ hợp gen, kháng thể đơn dòng hoặc dùng tế bào miễn dịch DC, tế bào gốc sẽ có những tác động tích cực và lớn lao cho việc cải tiến y tế ở Việt Nam.
Để đạt được các mục tiêu khoa học trên trong hoàn cảnh và điều kiện hiện tại của nước ta không chỉ đòi hỏi kiến thức khoa học và kinh nghiệm kỹ thuật mà còn cần sự hợp tác đa phương trong và ngoài nước và sự tham gia tích cực của những hãng dược phẩm nội địa. Với sự khai triển kỹ thuật cao và lợi thế về nhân sự và môi trường bệnh lý, nghiên cứu dược phẩm ở Việt Nam có thể đóng vai trò tích cực trong nỗ lực chung hiện tại ở Á và Phi châu để giải quyết những vấn nạn y tế cho Việt Nam và chia sẻ cho toàn vùng.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái, Bộ phận Công nghệ sinh học,
Khu công nghệ cao TP.HCM, Việt Nam.