Dịch vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) là nhân tố quan trọng hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động KH&CN, nhằm gia tăng hiệu quả ứng dụng sản phẩm vào thực tiễn. Vì vậy, việc xây dựng được mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ KH&CN phục vụ liên kết vùng phát triển các sản phẩm chủ lực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là rất cần thiết.
Mới đây, Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Đề xuất khung mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ KH&CN phục vụ liên kết vùng phát triển các sản phẩm chủ lực ĐBSCL”. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đã tham dự và chủ trì Hội thảo.
Hạn chế trong liên kết vùng
ĐBSCL là vùng luôn giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Thời gian qua, ĐBSCL đã triển khai hình thành các tiểu vùng liên kết như Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau, Tứ giác Long Xuyên, Các tỉnh duyên hải phía đông,...
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định nhấn mạnh, để phát triển, ĐBSCL cần nhìn nhận lại mối liên kết giữa các nhà quản lý, nghiên cứu, đặc biệt là sự tham gia của doanh nghiệp trong việc tạo lập, phát triển các sản phẩm chủ lực. Từ đó, tạo ra chuỗi giá trị, mô hình phát triển hiệu quả, bền vững phù hợp với đặc thù của vùng.
Theo PGS.TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN, trong liên kết vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế như cơ cấu kinh tế giữa các tỉnh trong vùng tương tự với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, dẫn tới cạnh tranh lẫn nhau. Việc đầu tư bị trùng lắp, dàn trải, không gian kinh tế vùng bị chia cắt khiến nguồn lực phân tán, không thể phát huy tiềm năng của cả vùng; Thiếu và yếu trong kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng; Năng lực tiếp thu công nghệ trình độ công nghệ còn lạc hậu, năng suất thấp,…Trong đó, chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng là khâu yếu nhất trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay.
Đặc biệt, trong lĩnh vực KH&CN, chủ trương liên kết còn chung chung, triển khai còn nhiều hạn chế; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hoạt động trên tinh thần tự nguyện thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Bên cạnh đó, còn chồng lấn trong các nhiệm vụ KH&CN do thiếu nguồn thông tin liên kết. Nguồn lực lao động cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu triển khai các nhiệm vụ KH&CN của vùng.
Theo ông Mai Văn Nhiều, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An, ĐBSCL hiện có nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là, cần có giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; có quy trình sản xuất sạch, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; cần chế biến ra nhiều sản phẩm để tạo giá trị cao hơn. Từ đó phải xây dựng, bảo vệ và phát triển được thương hiệu của các sản phẩm chủ lực của vùng. Các khâu này đều cần có sự tác động mạnh của KH&CN. “Thời gian vừa qua, mới chỉ có số ít sản phẩm của vùng đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, nhưng vẫn chưa được đồng bộ trong các khâu nói trên. Thời gian tới, các địa phương trong vùng cần liên kết hợp tác để có thể phát triển mạnh hơn”, ông Nhiều nói.
Đề xuất khung mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ KH&CN
Ông Phạm Xuân Đà cho biết, khi tham gia vào một chuỗi giá trị hoàn chỉnh thì các doanh nghiệp ở ĐBSCL còn gặp khó khăn do năng lực nghiên cứu thấp, năng lực tìm kiếm lựa chọn công nghệ phù hợp, sử dụng kết quả nghiên cứu chưa cao. Vì vậy cần phải có sự hiện diện của tổ chức trung gian đứng ra thực hiện các dịch vụ KH&CN để kết nối giữa các tổ chức tài chính, các tổ chức đơn vị nghiên cứu hoặc sở hữu công nghệ cần chuyển giao với các doanh nghiệp.
Qua đó, ông Phạm Xuân Đà đề xuất một khung mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ KH&CN phục vụ liêu kết vùng phát triển các sản phẩm chủ lực ĐBSCL. Bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp KH&CN nói riêng, tổ chức trung gian, khách hàng, thị trường. Tất cả các đầu mối này sẽ tương tác với nhau, từ bước đầu tiên của chuỗi giá trị nông sản cho đến khi đến tay người tiêu dùng, và sẽ hỗ trợ giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh.
Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước tại các khu vực hoặc vùng liên kết cần chọn ra các sản phẩm hoặc các nhóm sản phẩm nông sản chủ lực của khu vực, địa phương để xây dựng được chuỗi giá trị của sản phẩm, ngành hàng. Từ đó các doanh nghiệp xác định được năng lực cũng như nhu cầu của mình và cần sự trợ giúp gì về chính sách, tài chính, công nghệ,... Đồng thời, cần huy động các trường, viện nghiên cứu thiết kế công nghệ rồi chuyển giao cho doanh nghiệp thi công, sản xuất. Bên cạnh đó, khuyến khích và tạo các điều kiện để các trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp... nhanh chóng tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến từ nước ngoài phục vụ cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong nước.
Viện KH&CN Bùi Văn Ngọ ứng dụng hiệu quả KH&CN vào sản xuất
Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Sở KH&CN Vĩnh Long và một số sở KH&CN như Đồng Nai, Bình Dương, Trà Vinh, … đồng tình với đề xuất khung mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ KH&CN mà ông Phạm Xuân Đà đưa ra. Ông Tùng cho rằng, không xây dựng được mô hình khung thì không tạo thành mối liên kết giữa các địa phương trong vùng. Trong mô hình này, doanh nghiệp phải là trung tâm và nên làm từng sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương.
Ông Lê Quốc Dũng, Giám đốc Sở KH&CN Long An đề xuất Bộ KH&CN thực hiện 3 Chương trình cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2025. Đó là chương trình “KH&CN phát triển năng suất, chất lượng”, “KH&CN và Đổi mới sáng tạo”, “KH&CN thích ứng biến đổi khí hậu”. Ông Dũng cũng kiến nghị, cần có các Thông tư hướng dẫn thực hiện: Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực KH&CN; Điều 38. Hỗ trợ đối với nhiệm vụ KH&CN liên kết - Nghị định 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính Phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật KH&CN; Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước. Đề xuất và kiến nghị của ông Dũng cũng được hầu hết các tỉnh ĐBSCL đồng tình.
Tại Hội thảo, Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN và Viện KH&CN Bùi Văn Ngọ đã ký kết hợp tác về hỗ trợ kết nối các hoạt động nghiên cứu cải tiến, đổi mới cơ khí nông nghiệp của doanh nghiệp với cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Đây là mô hình thí điểm trong chuỗi cung ứng dịch vụ KH&CN phục vụ liên kết vùng phát triển các sản phẩm chủ lực ĐBSCL. Trong thời gian tới, dự kiến Cục sẽ hợp tác với Công ty TNHH Sinh học Phương Nam để tiếp tục thực hiện mô hình liên kết nói trên.
Thứ trưởng Lê Xuân Định khẳng định, chương trình KH&CN Quốc gia giai đoạn tới sẽ có 3 chương trình KH&CN mà Sở KH&CN Long An đề xuất. Thứ trưởng cũng kỳ vọng vào hợp tác liên kết giữa Cục Công tác phía Nam và Viện KH&CN Bùi Văn Ngọ để làm thí điểm, mở rộng cho các mô hình tiếp theo.
Bài, ảnh: Đăng Minh