Việc hình thành mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long là một hoạt động cần thiết và cần gấp rút triển khai. Đây sẽ là nền tảng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trong bối cảnh bình thường mới gắn với thế mạnh các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đó là ý kiến được đưa ra tại hội thảo khoa học “Liên kết thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh bình thường mới gắn liền với thế mạnh các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long” (ĐBSCL) do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bến Tre, Saigon Innovation Hub tổ chức sang 22/11, tại Bến Tre.
Cần gấp rút triển khai
Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL năm 2020 (Techfest Mekong 2020) do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong quá trình bình thường mới; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp kinh doanh trên nền tảng công nghệ 4.0. Đồng thời, đề xuất sáng kiến xây dựng mạng lưới tổ chức hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương Chu Thúc Đạt
phát biểu tại hội thảo
Ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Phát triển KH&CN địa phương cho rằng, việc hình thành mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực ĐBSCL là một hoạt động cần thiết và cần gấp rút triển khai. Mạng lưới này sẽ là một phần không thể thiếu trong mạng lưới khởi nghiệp quốc gia. Đây sẽ là nền tảng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trong bối cảnh bình thường mới gắn với thế mạnh các địa phương vùng ĐBSCL.
Theo ông Chu Thúc Đạt, hiện nay hệ sinh thái khởi nghiệp bước đầu đã hình thành các mạng lưới như: mạng lưới cố vấn khởi nghiệp (VMI), mạng lưới nhà đầu tư thiên thần, mạng lưới nhà đầu tư ICT,… các mạng lưới này đã và đang hoạt động hiệu quả. Đây sẽ là tiền đề để tạo điều kiện hình thành một mạng lưới khởi nghiệp quốc gia thống nhất.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Saigon Innovation Hub cho rằng, cần xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế sáng tạo vùng Nam Bộ một cách cụ thể, từ đó phát triển thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho toàn vùng. Bên cạnh đó, các địa phương cần đầu tư phát triển thị trường khoa học và công nghệ, quan tâm quy hoạch hạ tầng dùng chung, chia sẻ nguồn lực, tham gia các chuỗi giá trị trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ngoài ra, trong môi trường cạnh tranh và toàn cầu hóa như hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp phải biết tận dụng lợi thế từ nền tảng công nghệ hiện đại để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Huỳnh Kim Tước chia sẻ, các doanh nghiệp cần phải liên tục đổi mới để thích nghi, đáp ứng theo xu thế thị trường. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết với các địa phương có điều kiện phát triển tương đồng để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, đồng thời phát huy tối đa các tài nguyên bản địa để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.
Liên kết vùng thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, Techfest Mekong 2020 là sân chơi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có mô hình kinh doanh mới, có khả năng tăng trưởng nhanh, đồng thời cũng là những địa chỉ tin cậy để kết nối thông tin trong mạng lưới khởi nghiệp của cả nước. Thông qua hội thảo này đã tạo động lực thúc đẩy liên kết phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; nâng cao chất lượng hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo Hội đồng tư vấn khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, trong năm 2020 hơn 2.500 lượt doanh nghiệp được vay tổng số tiền ước đạt 15.000 tỷ đồng, trong đó 350 doanh nghiệp khởi nghiệp được vay 560 tỷ đồng, 860 doanh nghiệp vay vốn 1.460 tỷ đồng để mở rộng sản xuất kinh doanh, 90 hộ kinh doanh mới được vay 80 tỷ đồng. Lũy kế số vốn cho vay từ khi Chương trình được triển khai đến nay tại các chi nhánh ngân hàng ước đạt 6.800 tỷ đồng. Riêng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cho vay 10 dự án với 19 tỷ đồng. Đa số các dự án khi được hỗ trợ vốn đều phát huy hiệu quả tốt, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nói về việc liên kết thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh bình thường mới gắn liền với thế mạnh các địa phương vùng ĐBSCL, Giám đốc Sở KH&CN Bến Tre nhấn mạnh, việc liên kết để cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL là thực sự cần thiết. Ông Lâm Văn Tân cho rằng, trước tác động của tình hình kinh tế thế giới và ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Hiện nay tiềm năng thế mạnh của các địa phương trong khu vực còn rất lớn, tiềm lực sẵn có chưa được phát huy được hết.
Do đó, các địa phương cần có sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao chất lượng của việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ để cùng nhau phát triển.
Bài, ảnh: Diệu Huyền