Là nội dung được phần lớn các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực thực phẩm trong và ngoài nước nhấn mạnh tại Hội thảo “Tăng cường năng lực truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo mã số, mã vạch tại Tiểu vùng sông Mê kông mở rộng (GMS)” vừa diễn ra ngày 18/01 tại Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Tại Hội thảo, vấn đề an toàn thực phẩm đã được phần lớn các đại biểu tham dự sôi nổi đề cập, trao đổi, thảo luận, đồng thời đưa ra những khó khăn, vướng mắc, giải pháp trong việc kiểm soát, xác định nguồn gốc, an toàn thực phẩm (ATTP) và chuỗi cung ứng nông nghiệp bền vững.
Các chuyên gia đều cho rằng, sự cần thiết phải xây dựng lòng tin trong các chuỗi cung ứng quốc tế về thực phẩm; áp dụng rộng rãi một hệ thống truy xuất và các tiêu chuẩn để củng cố lòng tin cũng như xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm.
Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về Chính sách công, Văn Phòng GS1 Toàn cầu, Ngài Patrik Jonasson cho biết, hàng loạt các sự kiện liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra trên toàn thế giới gần đây (melamine ở Trung Quốc, whey protein ở New Zealand, dầu ăn ở Đài Loan (Trung Quốc),…) đã gây ra sự lo ngại, giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với vấn đề an toàn thực phẩm. Điều này dẫn đến xu hướng ngày càng gia tăng yêu cầu nghiêm ngặt đối với xác định nguồn gốc thực phẩm trong pháp luật và quy định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với yêu cầu xác định nguồn gốc toàn bộ chuỗi cung ứng.
Bà Phan Hồng Nga, Phụ trách Văn phòng GS1 Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Thống kê cho thấy, mỗi năm, trung bình khoảng 10% dân số trên thế giới (600 triệu người) mắc các chứng bệnh liên quan đến thực phẩm bẩn gây thiệt hại khoảng 55,5 tỷ USD mỗi năm. Theo đó, người tiêu dùng luôn mong muốn, hướng đến sử dụng các sản phẩm thật sự an toàn, đáng tin cậy. Thực phẩm cần có 1 ngôn ngữ chung (sản phẩm đi từ lúc nuôi trồng cho đến bàn ăn) cũng như đảm bảo thống nhất giữa các bên cung ứng. Và GS1 sẽ đảm nhiệm vai trò này.
Bà Phan Hồng Nga, Phụ trách Văn phòng mã số mã vạch (MSMV) - GS1 Việt Nam cho biết, tại Việt Nam việc xác định nguồn gốc truyền thống trước đây dựa trên ghi chép tay, lưu trữ giấy tờ, sổ sách; các bộ hồ sơ xác định nguồn gốc được quản lý bằng mã nội bộ; thông tin xác định nguồn gốc thực hiện thông qua tổng hợp giấy tờ. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng thông tin hiện nay, Việt Nam có thể triển khai hoạt động xác định nguồn gốc điện tử bằng phương pháp GS1.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn GS1 có thể nâng cao hiệu quả của việc ghi chép và trao đổi thông tin giữa các bên tham gia chuỗi cung ứng từ cơ sở dữ liệu chính xác và luôn được cập nhật. Các tiêu chuẩn GS1 sẽ cung cấp cho tất cả các bên tham gia chuỗi cung ứng khả năng kỹ thuật để phân định, theo dõi và xác định nguồn gốc sản phẩm, địa điểm xuyên suốt toàn bộ chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, Hội thảo tập trung vào một số lĩnh vực: thông tin chung và sự kết nối với Chiến lược Tiểu vùng GMS; đề xuất thí điểm truy xuất nguồn gốc; sự hợp tác của các bên liên quan; các yêu cầu và mục tiêu,...
Tin, ảnh: Ngũ Hiệp