Để khuyến khích đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong viện, trường rất cần một hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ; đặc biệt cần tập trung kiến tạo một môi trường khai phóng, tự chủ về học thuật cho các nhà khoa học và xây dựng đồng bộ với cơ chế quản lý, sở hữu trí tuệ, chia sẻ lợi ích một cách hài hòa, hợp lý. GS.TS Nguyễn Thị Lan, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ như vậy khi đề cập đến các giải pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động ĐMST hiện nay.
Ba trụ cột của đổi mới sáng tạo
PV: Theo bà, giá trị cốt lõi của đổi mới sáng tạo là gì?
- GS.TS Nguyễn Thị Lan: Giá trị cốt lõi của ĐMST gồm 3 trụ cột gắn liền với nhau là tri thức, nhận thức và kinh tế tri thức.
Về tri thức, ĐMST góp phần phát triển và hoàn thiện kiến thức/tri thức của nhân loại. Về nhận thức, chính là ý thức của con người trong việc hiểu rõ bản chất và vai trò của ĐMST gồm: Bản chất ĐMST là nâng cao nhận thức, kỹ năng của con người trong việc tiếp nhận kiến thức của nhân loại, ứng dụng các kiến thức đó một cách phù hợp, hiệu quả. Từ đó, thúc đẩy sự tiếp tục đổi mới và tạo ra những kiến thức mới hoặc kiến thức/công nghệ đã có phù hợp/hiệu quả hơn trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới. Đồng thời nhận thức về sở hữu trí tuệ có được từ các kết quả của ĐMST trong nền kinh tế tri thức là rất quan trọng. Không có sở hữu, không biết tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ thì rất khó tạo ra môi trường ĐMST.
Về kinh tế tri thức, ĐMST và nền kinh tế tri thức là hai yếu tố gắn kết mật thiết với nhau. Dựa trên tri thức, công nghệ và nguồn lao động có trình độ các Quốc gia phát triển nền kinh tế tri thức, nền kinh tế đó tiếp tục đầu tư và nuôi dưỡng ĐMST. Ví dụ, một trường Đại học của Bỉ (KU Leuven), được xếp hạng ĐMST số một của Châu Âu sở hữu hơn 700 bằng sáng chế quốc tế, xây dựng 124 công ty spin-off, trong đó có 7 công ty đã lên sàn chứng khoán. Trong 10 năm, thu nhập riêng từ khai thác sở hữu trí tuệ cho trường gần 100 triệu euro; những giá trị mang lại do các công ty spin off và xã hội khai thác các sáng chế được tạo ra từ trường Đại học này đóng góp cho nền kinh tế tri thức lên đến hàng tỷ Euros.
PV: Theo bà, hoạt động ĐMST trong lĩnh vực KH&CN ở Việt Nam hiện nay có những điểm mạnh gì?
- Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực KH&CN và đã đưa ra những chính sách chỉ đạo quyết liệt về ĐMST, chú trọng đến nguồn nhân lực KH&CN. Chỉ số ĐMST quốc gia không ngừng được nâng cao, vị thế của quốc gia được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Chúng ta đã xây dựng, đồng thời thu hút nguồn lực quốc tế, hình thành nhiều chương trình, quỹ đầu tư ĐMST như: Các dự án FIRST, BIPP, IPP…; các chương trình truyền thông như Shark Tank, chương trình khởi nghiệp… Bộ KH&CN và các bộ, ngành đã phối hợp, triển khai có lộ trình các chính sách của Đảng, Nhà nước để thúc đẩy KH&CN và ĐMST, tích cực hoàn thiện về thể chế, chính sách pháp luật để khuyến khích ĐMST.
PV: Có ý kiến cho rằng, vai trò của đào tạo khởi nghiệp trong các trường Đại học rất quan trọng, ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
- Hiện nay, Chính phủ và các Bộ, ngành đang triển khai rất quyết liệt chương trình khởi nghiệp quốc gia và có rất nhiều Hội nghị, Hội thảo, các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên các trường đại học. Đây là chủ trương rất đúng đắn để phát triển kinh tế đất nước. Tôi cho rằng, đào tạo kiến thức khởi nghiệp cho các em sinh viên rất cần thiết, đặc biệt các em trong khối trường nông, lâm, ngư nghiệp. Năm 2014, HVNNVN lần đầu tiên phát động và tổ chức Chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp, đã thực sự thu hút được đông đảo sinh viên các trường đại học, cao đẳng, thanh niên trong cả nước tham gia. Gần đây, mỗi năm có khoảng 40 trường đại học, cao đẳng, các tỉnh thành phố, trên 200 nhóm dự án, với gần 1.000 thanh niên sinh viên tham gia chương trình. Các trường đại học khối ngành nông lâm cũng đã chủ động phát động và tổ chức khởi nghiệp. Bên cạnh đó, khi các tỉnh phát động và tổ chức chương trình khởi nghiệp cũng có rất đông thanh niên, sinh viên tham gia khởi nghiệp, có đến 70-75% các ý tưởng, dự án liên quan đến ngành nông nghiệp.
Đến nay, HVNNVN đã dành quỹ học bổng khởi nghiệp để giúp đỡ các em có thể thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình. Thông qua các dự án khởi nghiệp, các em được trang bị nhiều kiến thức về tổ chức, quản lý về chuyên môn, hoạt động nhóm, rèn luyện kỹ năng mềm, kiến thức về công nghệ thông tin. Ngoài ra, HVNNVN đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới chuẩn đầu ra của sinh viên, yêu cầu sinh viên tốt nghiệp phải có kiến thức về khởi nghiệp. Điểu này đã thực sự thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên giúp các em có thể lập nghiệp, tìm việc làm, tạo công ăn việc làm rất dễ dàng.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Kiến tạo môi trường tự chủ về học thuật cho các nhà khoa học
PV: Thưa bà, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có những ứng dụng gì trong đổi mới KH&CN? Bà có thể nói sâu hơn về những ứng dụng này được không?
- Ngay từ ngày đầu thành lập, thầy và trò HVNNVN đã nhận thức sâu sắc vai trò của nghiên cứu khoa học với việc nâng cao chất lượng giảng dạy, chuyển giao công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn; và tinh thần ĐMST luôn được đặt lên hàng đầu. Trong lễ Khai giảng năm học năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo KH&CN của Học viện phải hướng tới "Tam nông" (nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh).
Căn cứ vào chiến lược phát triển của Học viện, đòi hỏi của hội nhập quốc tế, Học viện đã triển khai một số chính sách để thúc đẩy phát triển KH&CN và ĐMST như sau:
Thứ nhất, điều chỉnh định hướng nghiên cứu, gắn với sản phẩm KH&CN phục vụ thực tiễn, đáp ứng phát triển trong thời đại 4.0, gắn với thị trường trong nước và quốc tế, nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, công nghệ cao.
Thứ hai, ưu tiên đầu tư nguồn lực để nâng cao trình độ nghiên cứu KH&CN cho cán bộ.
Thứ ba, nâng cao cơ sở vật chất, xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm đồng thời xây dựng các vườm ươm ĐMST là nơi nhà khoa học và doanh nghiệp đồng sáng tạo phục vụ xã hội.
Thứ tư, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, hình thành các trường phái nghiên cứu riêng biệt và tạo ra sự liên ngành trong các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Thứ năm, xây dựng các chương trình nghiên cứu dài hạn, tổng thể giải quyết những vấn đề mang tính tổng quát, chuỗi giá trị.
Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động liên kết trong nghiên cứu khoa học: Liên kết với các doanh nghiệp, địa phương.
Thứ bảy, phát triển ươm tạo công nghệ, gắn với phát triển thị trường KHCN.
Thứ tám, khai thác hiệu quả mạng lưới và đối tác HTQT trong xây dựng chiến lược và phối hợp nghiên cứu khoa học.
PV: Một trong những giải pháp trong ĐMST để phát triển bền vững là hoạt động R&D. Vậy, theo bà, làm thế nào để khuyến khích ĐMST trong các Viện, trường và giải pháp về đầu tư R&D là gì?
- Để khuyến khích ĐMST trong viện, trường theo tôi, rất cần một hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ; đặc biệt tập trung kiến tạo một môi trường khai phóng, tự chủ về học thuật cho các nhà khoa học và xây dựng đồng bộ với cơ chế quản lý, sở hữu trí tuệ, chia sẻ lợi ích một cách hài hòa, hợp lý (trong bối cảnh của sự phát triển, điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam).
Khai phóng và tự chủ là tạo môi trường khích lệ nhất cho nhà khoa học sáng tạo và đây là nền tảng của ĐMST trong các nền KH&CN tiên tiến trên thế giới, cho phép khai thác hiệu quả sự sáng tạo của tri thức, các nhà khoa học và toàn xã hội.
Về vấn đề đồng bộ cơ chế chính sách phát triển ĐMST, các chính sách khác đi theo rất quan trọng, ví dụ như chính sách thuế để khuyến khích đầu tư và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi nghiên cứu và thương mại hoá công nghệ; giảm sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước, tăng cường vai trò giám sát thông qua xây dựng các bộ chỉ số KPI để đánh giá các tổ chức KH&CN.
Về giải pháp về đầu tư R&D, theo tôi, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển cũng cần được làm một cách khoa học, không nên “cào bằng”. Chúng ta cần tập trung một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đầu tư nghiên cứu cơ bản: về lâu dài chúng ta cần có các trường ĐH là một trong những trung tâm ĐMST KH&CN, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực KH&CN giỏi để chủ động tạo ra công nghệ nguồn, giúp Việt Nam có thể làm chủ công nghệ, tự đổi mới công nghệ thay vì chỉ tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Thứ hai, đầu tư trọng điểm: tập trung cao độ vào một số lĩnh vực thế mạnh/đặc thù của đơn vị nghiên cứu để giải quyết các vấn đề quốc gia và toàn cầu như xây dựng các trung tâm xuất sắc, các viện công nghệ, trung tâm ĐMST.
Thứ ba, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ gắn với thị trường trong nước và quốc tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bà!
Giai đoạn 2014 - 2018, các nhà khoa học của HVNNVN đã nghiên cứu, chuyển giao hàng trăm công nghệ phục vụ sản xuất như: nhiều giống lúa lai, giống lúa chất lượng cao, giống ngô, cà chua, giống hoa, giống nấm, vi tảo, vacinne, kít chuẩn đoán bệnh cây- con; giống vật nuôi như lợn, bò, sản phẩm vi sinh, quy trình công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh, công nghệ phân viên nén, hạt gốm kỹ thuật, đệm lót sinh học, thiết bị máy cấy, máy trồng sắn, máy làm bầu- gieo hạt tự động; trồng mía, hệ thống sản xuất nhà kính, nhà lưới,… Người dân và nhiều HTX, doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước đã và đang khai thác hiệu quả các công nghệ trên phục vụ phát triển nền nông nghiệp giá trị cao.
Học viện đang tiến hành lập đề án xây dựng các phòng thí nghiệm về Vệ sinh ATTP, Dinh dưỡng vật nuôi; thành lập Trung tâm Ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp sinh viên, Trung tâm công nghệ cao, Trung tâm chuyên gia nông nghiệp, Bệnh viện Thú Y, Thủy sản và Bệnh viện Cây trồng.
|
2. HVNNVN đã chuyển giao hàng trăm công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống.
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên