Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 02:01 am
Cập nhật : 02/06/2022 , 06:06(GMT +7)
Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành y
Hệ sinh thái y tế số giúp bác sĩ truy xuất và nhập (data) dữ liệu theo dõi, điều trị, chăm sóc sức k
Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên triển khai thực hiện theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Để triển khai nhiệm vụ này, liên tục thời gian qua, Sở Y tế và Sở KH-CN TPHCM đã có nhiều hợp tác quan trọng, nỗ lực hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ngành y tế.

Công nghệ hóa dịch vụ, kỹ thuật y tế

Theo số liệu từ hội thảo “Hệ sinh thái y tế số Việt Nam: Hiện trạng ứng dụng, thách thức tương lai” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB) phối hợp với Công ty eDoctor tổ chức, tính đến hết năm 2021, 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay cho in phim; 26 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. 

Từ trước dịch Covid-19, Bộ Y tế đã xây dựng và từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách để đẩy mạnh y tế điện tử, y tế số, công bố nhiều tài liệu chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo liên thông, chia sẻ dữ liệu. Các doanh nghiệp công nghệ tham gia nhiều ứng dụng phục vụ y tế số cũng tăng nhanh trong những năm vừa qua như: eDoctor, DoctorAnywhere, Jio Health, AI Health… Và cũng từ các ứng dụng này, người dân đã dần quen với những dịch vụ được cung cấp thông qua công nghệ như: tham vấn bác sĩ, đặt lịch khám chữa bệnh, đặt mua vật tư và thiết bị y tế gia đình…

Hiệu quả của ứng dụng y tế đáng nói nhất phải kể đến là eDoctor với Chương trình SpO2 tại nhà, triển khai vào giữa năm 2021. Thông qua ứng dụng này, chương trình đã chăm sóc từ xa, tư vấn tận tình cho hơn 4.000 ca F0, giúp họ có được những hướng dẫn cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình, giảm tải áp lực cho các bệnh viện… Chương trình đã có gần 100 chuyên gia, bác sĩ tham gia và đến nay vẫn được tiếp tục. 

“Bác sĩ Gia đình chính là mô hình dịch vụ sẽ đóng góp đáng kể vào việc củng cố và làm mạnh hơn nữa hệ thống y tế công cộng và y tế dự phòng, là một chủ trương rất lớn của ngành y tế Việt Nam hiện nay. Bằng việc ứng dụng công nghệ, khoảng cách giữa bác sĩ và người bệnh cả về không gian và thời gian gần như không còn nữa. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng công nghệ sẽ đem bác sĩ đến từng nhà một cách nhanh chóng”, ông Vũ Thái Hà, Giám đốc vận hành của eDoctor nhìn nhận.  

Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chia sẻ: “Với sự tiến bộ của công nghệ cùng nhu cầu lớn từ phía bệnh nhân, chúng ta luôn cần có những giải pháp mới cho y tế. Trong đó, phải đặc biệt hoàn thiện hệ thống dữ liệu để đưa các mô hình chăm sóc sức khỏe đến được mọi ngóc ngách, mang yếu tố cần thiết giúp bác sĩ sàng lọc bệnh nhân”.

Thu hút nguồn lực xã hội 

Mới đây, Sở KH-CN và Sở Y tế TPHCM đã ký kết hợp tác về hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2022-2025. Chương trình hợp tác này nằm trong nội dung “Chủ trì, phối hợp các sở ngành, TP Thủ Đức, quận huyện và cộng đồng doanh nghiệp sớm đề xuất nghiên cứu xây dựng các bài toán lớn của thành phố trong giai đoạn 2021-2025”, do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở KH-CN TPHCM thực hiện.

Theo đại diện Sở Y tế TPHCM, hiện nay có hai vấn đề chăm sóc sức khỏe mà TPHCM cần triển khai trong thời gian tới, đầu tiên là vấn đề sức khỏe tinh thần liên quan đến Covid-19 của người dân. Hiện nay, nhiều người sau đại dịch có dấu hiệu rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, loạn thần cấp, trầm cảm, lo âu… Vì vậy, cần xây dựng được công cụ giúp nhận dạng những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần cho người dân. Thứ hai là làm sao để xây dựng, lựa chọn được những ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiệu quả nhất, với chi phí chấp nhận được để hỗ trợ đọc kết quả X-quang ngực trở thành công cụ thích hợp cho hoạt động khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế. Do vậy, Sở Y tế TPHCM muốn đặt hàng các nhà khoa học, viện, trường, doanh nghiệp… giải quyết hai vấn đề trên trong thời gian tới.

Mặt khác, Sở Y tế TPHCM cũng đặt hàng cho hệ sinh thái KH-CN và đổi mới sáng tạo của TPHCM xây dựng, phát triển các công cụ, giải pháp, mô hình phục vụ công tác quản trị, điều hành hệ thống y tế TPHCM. Trong đó, ưu tiên nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho hệ thống y tế cơ sở, y tế công cộng và hệ thống cấp cứu ngoại viện; kết nối, thu hút các nguồn lực của xã hội để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực y, dược. “Sở Y tế TPHCM mong muốn có nhiều doanh nghiệp, đơn vị khởi nghiệp đồng hành với ngành y tế, đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả và sẽ được hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện, tạo ra các sản phẩm thiết thực thông qua Sở KH-CN”, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, bày tỏ mong muốn.  

Với đề nghị trên của ngành y tế, Sở KH-CN TPHCM cho hay, sẽ hỗ trợ Sở Y tế TPHCM trong việc đánh giá, nghiệm thu, phát triển các ý tưởng, giải pháp của khu vực nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo khi Sở Y tế có nhu cầu. “Mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh sự hợp tác, tăng cường kết nối, ứng dụng KH-CN, thu hút các nguồn lực của xã hội tham gia để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực y, dược trong thời gian tới”, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, chia sẻ.

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner