Thời gian qua, Quảng Ninh đã quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng KHCN với phương châm có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đầu tiên phải kể đến là hạ tầng cốt lõi về công nghệ thông tin (CNTT) của Quảng Ninh được xây dựng dẫn đầu cả nước. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh; là nền tảng phục vụ cho công tác chuyển đổi số toàn diện của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Hiện nay, hệ thống văn bản điện tử của tỉnh đã được kết nối liên thông 4 cấp với hệ thống của Văn phòng Chính phủ. 100% đơn vị cấp huyện và cấp xã đã quản lý và điều hành tác nghiệp trên hệ thống phần mềm điện tử; tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ điện tử trong phạm vi toàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành của tỉnh kịp thời, tiết kiệm.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 1.576 thủ tục hành chính; trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp là 987 thủ tục (đạt 52,7%). Tỉnh đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia 555 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt 35,7%); vận hành, khai thác hiệu quả Trung tâm Điều hành thành phố thông minh từ năm 2019; đã kết nối đồng bộ, liên thông với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai đề án “Phát triển doanh nghiệp KHCN đến năm 2020”, với 22 doanh nghiệp KHCN, đứng thứ 4 toàn quốc. Đến nay, toàn tỉnh có 17 tổ chức KHCN, trong đó 6 tổ chức KHCN công lập và 11 tổ chức KHCN ngoài công lập.
Tỉnh cũng xây dựng và hình thành 2 khu nông nghiệp công nghệ cao về lĩnh vực trồng trọt và thủy sản, do doanh nghiệp quản lý, khai thác. Đó là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TX Đông Triều do Công ty TNHH Phát triển sản xuất nông nghiệp Vin-eco thuộc Tập đoàn Masan làm chủ đầu tư và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại Đầm Hà do Công ty CP Thủy sản Việt Úc làm chủ đầu tư.
Tỉnh đã quan tâm đầu tư nâng cấp, mua sắm trang thiết bị tiên tiến, hiện đại và nâng cao năng lực hoạt động các phòng thí nghiệm, hệ thống chuẩn đo lường. Phòng thí nghiệm của CDC quảng Ninh đã được Văn phòng Công nhận chất lượng (thuộc Bộ KH&CN) công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 (lĩnh vực công nhận: Hóa, sinh).
Toàn tỉnh hiện có 32 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS; 6 phòng thí nghiệm, kiểm định của các tổ chức KHCN, 1 phòng kiểm định của Cục Hải quan. Trong đó có 3 phòng thí nghiệm được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, gồm: Phòng thí nghiệm của Trung tâm Ứng dụng và thống kê (Sở KH&CN) đạt chuẩn quốc tế IEC 17025; phòng kiểm nghiệm, kiểm định của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KH&CN) đạt tiêu chuẩn VILAS 185 ISO/IEC 17025:2005; phòng thí nghiệm của Trung tâm KHKT và sản xuất giống thuỷ sản (Sở NN&PTNT) đạt VILAS: 512 ISO/IEC 17025:2005.
Để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng KHCN và đổi mới sáng tạo; xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh thành nơi ươm mầm, đào tạo nhân lực, phát triển doanh nghiêp, khởi nghiệp. Tỉnh cũng tiếp tục đầu tư xây dựng Trường Đại học Hạ Long theo mô hình đô thị đại học, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Quảng Ninh và khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Cùng với đó, Quảng Ninh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng CNTT tạo sự bứt phá bảo đảm hiện đại, đồng bộ, kết nối liên thông; tập trung các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chỉ số sẵn sàng cho phát triển CNTT, truyền thông (ICT index) thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Tăng cường năng lực, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai mô hình kinh tế mới, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...