Xây dựng doanh nghiệp KH-CN là hướng đi đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Các doanh nghiệp áp dụng những thành tựu KH-CN không chỉ tạo lợi thế cạnh tranh sản phẩm, mở rộng con đường hợp tác trong hội nhập kinh tế, mà còn giúp doanh nghiệp nâng tầm, phát triển ổn định, lâu dài.
Đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao
Tháng 10/2021, Sở KH&CN trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN cho Công ty CP VinaCrab (phường Hòa Hiệp Trung, TX Ðông Hòa). Hiện nay, công ty làm chủ và ứng dụng thành công quy trình nuôi cua nguyên liệu mật độ cao và quy trình nuôi cua lột theo công nghệ VinaCrab. Đây là doanh nghiệp KH&CN thứ tư của Phú Yên sau nhiều năm xây dựng và tạo dấu ấn trên thị trường kinh doanh hải sản.
Trước VinaCrab, 3 doanh nghiệp KH&CN của tỉnh đã trở thành những đầu tàu trong việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina sở hữu công nghệ sản xuất phân bón NPK bằng công nghệ tạo hạt tháp cao đầu tiên tại Việt Nam. Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc là đơn vị tiên phong ứng dụng KH-CN trong sản xuất tôm giống. Và Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ iNUT hiện là nhà cung cấp các giải pháp quản lý trên nền tảng IoT (kết nối vạn vật). Sản phẩm của công ty hiện đã có mặt khoảng 20 tỉnh, thành trên cả nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã nghiên cứu quy trình ương tôm thẻ chân trắng trong nhà lưới theo công nghệ Đắc Lộc, mở ra hướng đi mang tính ổn định, bền vững cho nghề nuôi tôm. Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, Đắc Lộc tiếp tục thực hiện các dự án cấp nhà nước: “Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên” và “Hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình nuôi tôm hùm lồng công nghệ Nauy theo hướng bền vững tại các vùng biển tỉnh Phú Yên”.
Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, cho biết trong quá trình phát triển, doanh nghiệp đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu KH&CN mới nhất để cải tiến chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đem lại lợi ích cho nhà nông và đối tác. Việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất là tiền đề giúp Đắc Lộc tạo ra những mô hình nuôi bền vững, góp phần đưa ngành nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng hiện đại, quy mô, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả.
Tạo môi trường thuận lợi
Nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển doanh nghiệp KH&CN và ngày càng lớn mạnh, hàng loạt chính sách ưu đãi thuế, tín dụng, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH&CN, hỗ trợ đổi mới công nghệ… đã được thực thi.
Theo đó, Phú Yên ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, đề án, chiến lược, kế hoạch quan trọng về phát triển KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình CNH-HĐH; thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng đối với doanh nghiệp. Trong đó, đề án Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN tỉnh Phú Yên đến năm 2020 là một bước đi đột phá của tỉnh nhằm thúc đẩy hoạt động phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; hình thành các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu công nghệ; đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển KH&CN và phát triển kinh tế - xã hội.
Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ iNUT Ngô Huỳnh Ngọc Khánh cho biết, trở thành doanh nghiệp KH-CN, iNUT được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, có cơ hội được hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ cũng như nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Hiện tại, doanh nghiệp đang tập trung cung cấp các giải pháp thuộc mảng điều khiển nhà kính, nhà yến, nhà nuôi nấm đông trùng hạ thảo và đang hoàn thiện giải pháp truy xuất nguồn gốc cho tổ yến dựa trên nền tảng IoT.
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, thời gian qua, Sở KH&CN đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng và lập hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; đồng thời chủ động tiếp xúc với doanh nghiệp có tiềm năng để hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị giải quyết khó khăn và xây dựng hồ sơ doanh nghiệp KH&CN. Bên cạnh đó, sở cũng thường xuyên tổ chức các diễn đàn để doanh nghiệp trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như tiếp cận các cơ chế, chính sách ưu đãi. Việc phát triển doanh nghiệp KH&CN đang có sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách nhà nước, tuy nhiên điều quan trọng là doanh nghiệp nhận thức tầm quan trọng của việc đầu tư cho KH&CN là nền tảng phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập.
Nguồn:www.baophuyen.com.vn