Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 21/12/2024 , 07:37 pm
Cập nhật : 27/11/2022 , 19:11(GMT +7)
Xây dựng đô thị hiện đại: Cần chính sách và công nghệ đổi mới sáng tạo
Quá trình phát triển đô thị đang gặp phải nhiều thách thức liên quan đến hạ tầng, môi trường
Đô thị hóa đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống người dân, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Vì vậy, nhất thiết phải xây dựng chính sách và áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo trong quá trình này.

Thực trạng của đô thị hóa

Dưới tác động của chính sách Đổi mới, Việt Nam đạt tỉ lệ tăng trưởng xấp xỉ 7% trong vòng ba thập kỷ vừa qua và hiện có thu nhập bình quân GDP trên đầu người đạt 3.743 USD (năm 2021).

Cùng với tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa cũng đang diễn ra nhanh chóng với mức tăng trung bình khoảng 0,53% mỗi năm và đạt tỉ lệ 41% năm 2022. Với tốc độ phát triển nhanh như vậy, đến cuối những năm 30 của thế kỷ 21, khoảng 50% dân số Việt Nam sẽ sống ở thành thị.

Đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống cho người dân do kinh tế đô thị đóng góp khoảng 60 - 70% GDP cả nước.

Tuy nhiên, một loạt vấn đề cũng xuất hiện trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng này: Chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa nông thôn - đô thị, tình trạng phát triển phi chính thức, thiếu cơ sở hạ tầng - dịch vụ cơ bản, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả...

Ngoài ra còn vấn đề như: suy thoái môi trường, ách tắc, tai nạn giao thông, mất an toàn, an ninh ở nhiều khu vực đô thị... Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trên toàn cầu cũng đang làm trầm trọng hóa các thách thức ở đô thị.

Bên cạnh đó còn là những thách thức về thể chế bao gồm: Việc thiếu cách tiếp cận tích hợp, toàn diện trong quy hoạch và chính sách đô thị; vấn đề nâng cao năng lực quản lý chiến lược đối với những phức tạp phát sinh trong đô thị; quy hoạch tổng thể đô thị cứng nhắc (luôn phải điều chỉnh) do thiếu sự tham gia tương xứng của người dân khiến cơ sở hạ tầng của các TP phụ thuộc nhiều vào trợ cấp Nhà nước.

Giống như nhiều nước khác, các TP Việt Nam chính là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Hai TP chính là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cùng toàn bộ hệ thống hơn 880 đô thị lớn nhỏ đang là nơi thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, tạo công ăn việc làm thông qua thu hút đầu tư. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, nền kinh tế phải tập trung vào sản xuất giá trị gia tăng cao hơn để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Điều này đòi hỏi các TP phải hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng sống, năng lực người dân được nâng cao hơn, cơ sở hạ tầng đô thị ngày càng phát triển tốt hơn. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế đòi hỏi cơ quan quản lý và chính quyền đô thị cải thiện công tác quy hoạch, quản lý, xây dựng nguồn lực tài chính, nhân lực và cung cấp hạ tầng một cách hiệu quả.

Chính sách phát triển đô thị

Quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững không tự diễn ra mà là do hoạch định và thực hiện chính sách. Cần có chính sách, hành động mạnh mẽ với sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan. Đây là điều cần thiết nhằm thúc đẩy, định hướng cho quá trình đô thị hóa vì lợi ích của tất cả mọi người, mọi khu vực.

Thông qua chính sách đô thị, Chính phủ tạo điều kiện tích cực cho sự phát triển của các TP, nơi sẽ hình thành những điều kiện cần thiết cho quá trình tăng năng suất và thịnh vượng.

Chính sách đô thị hiện nay đòi hỏi một cách tiếp cận tích hợp, đa chiều vượt ra ngoài cách tiếp cận hạn chế đối với quy hoạch vật thể mà trước đây được coi là đầy đủ trong việc xác định các khu vực chính sách “đô thị”. Các vấn đề xã hội phức tạp biểu hiện ở đô thị đòi hỏi một cách tiếp cận rộng hơn, phối hợp theo chiều dọc, chiều ngang ở mức độ cao hơn, cũng như những quan hệ đối tác sáng tạo.

Để thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện cho phát triển đô thị, vấn đề môi trường, kinh tế, xã hội và văn hóa đô thị phải được gắn kết, đan xen tạo nên sự thành công. Bộ phận dân số trẻ phải đóng vai trò tiên phong nòng cốt trong mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

Chính sách đô thị quốc gia phải tập trung ưu tiên thiết thực như: thiết kế, áp dụng mô hình đô thị bền vững cả về hình thái lẫn mật độ qua mô hình đô thị nén (hạn chế việc phát triển đô thị thiếu kiểm soát là làm lãng phí tài nguyên); kết nối đô thị qua các hành lang giao thông, thúc đẩy sản xuất tập trung để tận dụng lợi ích quy mô kinh tế.

Đồng thời, phát triển các khu đô thị mật độ cao, chứ không phải khu đô thị “ma”; tái tạo, phục hồi các khu ở, khu trung tâm xuống cấp, hạn chế mở rộng đô thị vào vùng nông thôn qua xác định ranh giới đô thị; áp dụng mô hình sử dụng đất hỗn hợp, đa chức năng, thúc đẩy giao thông công cộng và khai thác sử dụng đất gắn với giao thông (TOD); phát triển, cải tạo không gian xanh, không gian công cộng…

Thông qua việc xây dựng tầm nhìn và mục tiêu phát triển chung, chính sách đô thị hỗ trợ gắn kết chính sách liên ngành, thiết lập tiêu chuẩn về các dịch vụ cơ bản, thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ đô thị hiệu quả, hợp lý.

Chính vì vậy, chính sách đô thị phải là cấu phần quan trọng trong chiến lược và quy hoạch phát triển quốc gia. Qua đó, tăng cường xây dựng thể chế đô thị, thúc đẩy vai trò lãnh đạo, tính sáng tạo cũng như xây dựng năng lực, đối thoại và triển khai chính sách với các bên liên quan trong phát triển.

Giải pháp cho những thách thức đô thị ngày càng tăng, nằm ở phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người, chính sách bảo trợ xã hội và quản trị đa cấp tốt với sự tập trung vào tham gia, hòa nhập. Ngoài ra, còn gắn với nhu cầu mở rộng cơ sở hạ tầng, dịch vụ cơ bản, cũng như tái tạo đô thị để thúc đẩy sự thay đổi sáng tạo, nâng cao chất lượng sống.

Chính sách đô thị quốc gia cần giao quyền nhiều và rõ ràng hơn cho chính quyền địa phương trong quản lý, quy hoạch, đồng thời tạo điều kiện hoàn thiện các công cụ hữu hiệu để kiểm soát phát triển đô thị. Để thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển đô thị, chính quyền T.Ư cần hỗ trợ việc nâng cao năng lực địa phương trong quản lý, huy động nguồn lực để đối phó với thách thức môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng.

Công nghệ và đổi mới sáng tạo

Cách hiệu quả nhất để giải quyết những cơ hội và thách thức trong phát triển đô thị là thúc đẩy áp dụng giải pháp xanh, thông minh, đổi mới với công nghệ kỹ thuật cao và công nghệ kỹ thuật số.

Văn hóa và đổi mới là nguồn vốn sáng tạo ảnh hưởng trực tiếp đến các khía cạnh khác nhau của sự phát triển và thịnh vượng. Đòi hỏi một quá trình sáng tạo được gắn trong cách vận hành của trung tâm đô thị. Toàn xã hội đóng góp bằng sự biến đổi sáng tạo của riêng mình, điều này phải được khuyến khích, thiết lập, hợp pháp hóa và thể chế hóa.

Công nghệ sáng tạo là giải pháp giúp các đô thị thích ứng với các thách thức hiện nay

Nền kinh tế xanh mang đến những cơ hội mới cho sự thịnh vượng chung. Nó sẽ không chỉ góp phần đạt được các mục tiêu phát triển vững như: xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, quản lý nước hợp lý mà còn có thể tạo ra động lực cho việc làm và phát triển. Bất chấp những tác động tích cực đã diễn ra, bất bình đẳng trong tiếp cận kỹ thuật số vẫn tồn tại do đó cuộc cách mạng kỹ thuật số phải được chỉ đạo, phát triển một cách dân chủ, bao trùm.

Cách tiếp cận thành phố thông minh lấy người dân làm trung tâm, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi kỹ thuật số đô thị vì lợi ích của tất cả mọi người, thúc đẩy tính bền vững, hòa nhập và thịnh vượng, đồng thời thực hiện quyền con người. Điều này cho phép TP thông minh và đối tác phát triển đóng góp sâu rộng vào lĩnh vực thường chỉ tập trung vào bản thân công nghệ và chưa tập trung nhiều vào hòa nhập, chất lượng cuộc sống, quyền con người...

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mục tiêu sử dụng công nghệ kỹ thuật số cuối cùng hướng tới kết quả chứ không phải việc áp dụng công nghệ. Chuyển đổi công nghệ số không loại bỏ nhu cầu lập quy hoạch, quản trị, quản lý tài chính, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực hiện có. Do đó, Việt Nam cần xây dựng các quy hoạch tổng thể tốt cho TP thông minh trong tương lai để giải quyết thách thức của đô thị hóa và tận dụng giá trị gia tăng trong việc kết nối vốn văn hóa, xã hội, công nghệ của mình.

Hơn nữa, nhiều công nghệ thông minh có thể làm cho TP trở nên hòa nhập hơn, an toàn, linh hoạt, bền vững hơn, nhưng chúng nên được phổ biến rộng rãi hơn và có giá cả phải chăng hơn để có thể tiếp cận nhóm người nghèo, người dễ bị tổn thương. Chính quyền các cấp cần xây dựng quan hệ đối tác với DNệp, giới học thuật, xã hội dân sự để thực hiện mục tiêu này.

Đại dịch Covid-19 đã phơi bày và làm trầm trọng thêm các vấn đề về thu nhập, tiếp cận nhà ở giá cả phải chăng, dịch vụ, cơ sở xã hội, vệ sinh đô thị. Người nghèo, trẻ em, phụ nữ, người lớn tuổi, người lao động phi chính thức là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, đại dịch mang đến cho các TP cơ hội đầu tư vào công nghệ sáng tạo, thông minh như: trí tuệ nhân tạo, robot, internet vạn vật, xe tự hành, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng, điện toán lượng tử... để cải thiện chất lượng cuộc sống và điều kiện kinh tế - xã hội của người dân.

Trong 45 năm qua, Chính phủ, tổ chức LHQ, tổ chức quốc tế, cộng đồng địa phương đã tích cực tìm kiếm những cách thức sáng tạo, hiệu quả để đẩy nhanh và mở rộng tiến độ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đô thị. Việt Nam cần phải sẵn sàng đưa đô thị hóa bền vững trở thành công cụ để duy trì tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường bình đẳng giới và vượt qua thách thức từ “bẫy thu nhập trung bình”.

TS. Nguyễn Quang - nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người Liên hợp quốc

Nguồn tin: Kinh tế và Đô thị

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner