Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù hoạt động KH&CN
Cần cơ chế mới cho các nhà khoa học
Luật KH&CN hiện nay đuợc ban hành từ năm 2000 với vị trí là đạo luật cơ bản về lĩnh vực KH&CN trong những năm qua đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện mọi mặt hoạt động KH&CN.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật KH&CN năm 2000 đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với điều kiện mới. Việc sử dụng cán bộ KH&CN và trọng dụng người tài; cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN; huy động nguồn đầu tư từ xã hội cho hoạt động KH&CN... còn nhiều vướng mắc.
Đó là những nội dung được các vị khách mời gồm: Đoàn Năng, Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ KH&CN; Ông Trần Việt Hùng, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); PGS.TS Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện Tiên tiến về KH&CN, Đại học Bách Khoa Hà Nội, trao đổi tại buổi giao lưu trực tuyến “Làm thế nào để huy động nguồn lực toàn xã hội cho hoạt động KH&CN?” do báo Đất Việt tổ chức ngày 21/11, tại Hà Nội.
Nên áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng
PGS.TS Đoàn Năng cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư cho KH&CN rất cần phải có phương thức khoán đến sản phẩm cuối cùng. Như thế sẽ nâng cao được trách nhiệm của các nhà khoa học và cũng có điều kiện để lược bớt những thủ tục hành chính rườm rà đặc biệt là thủ tục trong lĩnh vực tài chính KH&CN.
Chúng ta cần quan tâm đến sản phẩm cuối cùng chứ không phải là quan tâm đến quá trình các nhà nhà KH&CN làm việc như thế nào. Nếu như sản phẩm cuối cùng đạt yêu cầu có giá trị thì chúng ta nghiệm thu, các nhà khoa học không phải lo các thủ tục phức tạp, rườm rà như trước đây.
Để khắc phục tình trạng này cần phải đổi mới cơ bản cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN. Cụ thể là bãi bỏ cơ chế dự toán và thanh quyết toán nhiệm vụ KH&CN theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính, cụ thể là dự toán và thanh quyết toán rất phức tạp về thủ tục và nội dung và theo năm tài chính hành chính. Dự thảo luật quy định áp dụng cơ chế tài chính của Quỹ phát triển KH&CN của nhà nước để giải quyết vấn đề cấp phát kinh phí và quyết toán kinh phí cho các nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước. Tức là mọi việc sẽ theo hợp đồng KH&CN, quyết toán khi kết thúc hợp đồng, lấy kinh phí khi có nhu cầu không cần phải chờ đợi như trước đây. Nếu làm được theo cơ chế này thì sẽ hoàn toàn phù hợp với đặc thù hoạt động KH&CN. Ông Năng khẳng định
Đồng quan điểm với PGS.TS Đoàn Năng, ông Phạm Thành Huy cho rằng, giải pháp cho vấn đề này chính là việc giao kinh phí theo nhiệm vụ đặt ra và chỉ đánh giá, quyết toán khi nhiệm vụ đã được hoàn thành. Theo ông Huy, nếu áp dụng theo cơ chế cũ quả là một điều thiệt thòi đối với các nhà khoa học và có thể nói là lãng phí trong khi họ có thể dành thời gian quý báu đó cho việc nghiên cứu.
Cũng theo PGS.TS Đoàn Năng, đối với khoa học công nghệ vấn đề đặt hàng hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng. Theo cơ chế này, bên đặt hàng cũng phải có trách nhiệm rất cao, phải bảo đảm mọi cam kết của mình với bên nhận đặt hàng, ví dụ như cung cấp các phương tiện, kinh phí đầy đủ kịp thời để bên nhận đặt hàng thực hiện nhiệm vụ. Còn bên nhận đặt hàng cũng có trách nhiệm rất cao đối với việc thực hiện nội dung đã cam kết. Tất nhiên, cả hai bên phải thực hiện đúng nội dung, quy định đã quy định trong hợp đồng đặt hàng. Khi hợp đồng đặt hàng đã hoàn thành và kết quả đã được đánh giá nghiệm thu thì bên đặt hàng phải có trách nhiệm nhận lại kết quả đó và tổ chức ứng dụng vào sản xuất, đời sống. Bên nhận đặt hàng phải bàn giao kết quả đúng quy định và như vậy chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng nghiên cứu xong bỏ kết quả vào ngăn kéo như từ trước đến nay.
Tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học
Nói về việc trọng dụng và tôn vinh giới khoa học, ông Đoàn Năng cho rằng, trên thực tế chúng ta còn rất nhiều bất cập trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với các nhà khoa học. Các nhà khoa học chuyên nghiệp rất thiệt thòi, lương thấp nhưng không hề có bất kỳ loại phụ cấp nào. Các chính sách khác cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay luật có quy định mở ra hướng giải quyết vấn đề này để bảo đảm đời sống và động viên các nhà khoa học làm việc. Ông Năng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi và phải có các cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế chính sách tài chính để các nhà khoa học tự sống bằng sản phẩm sáng tạo của mình.
Theo ông Đoàn Năng, đây là vấn đề lớn cần phải được giải quyết không chỉ trong luật mà còn cả trong thực thiễn. Những nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước phải được tôn vinh, phải được trọng dụng, phải được thưởng thích đáng. Đồng thời, còn phải được tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động KH&CN như nhà ở, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ để họ có thể làm việc được tốt hơn. Hiện nay, luật KH&CN sửa đổi đã đề cập đến vấn đề này một cách khái quát. Tuy nhiên, vấn đề là phải thực hiện trên thực tế. Sau này, trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật sẽ quy định cụ thể tất cả những vấn đề nêu trên.
Ông Trần Việt Hùng cho rằng, để giải quyết được vấn đề này một cách triệt để, cũng như bảo đảm cho các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, không còn phải lo, "bối rối trong khâu quyết toán tài chính" thì cần phải có nhiều giải pháp cụ thể: Trước hết về nhận thức, phải coi đầu tư cho KH&CN là đầu tư rủi ro, khác với những loại đầu tư thông thường đã được quy định trong Luật đầu tư. Kinh phí đầu tư, thời gian đầu tư cho việc giải quyết một nhiệm vụ KH&CN phụ thuộc vào đối tượng nghiên cứu và khối lượng công việc cần nghiên cứu giải quyết. Không ai có thể dự toán một cách chính xác là cần bao nhiêu tiền, bao nhiêu thời gian để giải quyết được một nhiệm vụ KH&CN cụ thể, đặc biệt là những vấn đề mới, có tính KH&CN cao.
Vì vậy, dự toán kinh phí ban đầu hoàn toàn có thể bị thay đổi trong quá trình nghiên cứu. Nhưng với cách quản lý hiện nay thì việc được chấp thuận những thay đổi về kinh phí nghiên cứu hầu như rất khó khăn, thậm chí có thể không thay đổi được nếu kinh phí nghiên cứu vượt dự toán ban đầu. Việc bắt buộc phải đấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu cũng gây khó khăn trong quá trình nghiên cứu vì trong quá trình nghiên cứu có thể phải thử nghiệm nhiều loại vật liệu khác nhau, nhưng mỗi lần thay đổi vật liệu lại phải tiến hành đấu thầu thì sẽ mất nhiều thời gian hoặc nếu không thì làm giảm hiệu quả của quá trình nghiên cứu. Việc quy định cứng nhắc kinh phí để thực hiện các chuyên đề trong nghiên cứu KHKT cũng như nghiên cứu KHXH làm cho các nhà nghiên cứu buộc phải nói dối để có thể có đủ kinh phí nghiên cứu. Mặt khác, quy định này cũng tạo ra kẽ hở để những "chuyên gia" xây dựng các đề tài, dự án lợi dụng để lấy tiền của Nhà nước thông qua việc tạo ra các chuyên đề không thực sự cần thiết cho nghiên cứu.
Theo ông Phạm Thành Huy, việc thay đổi các chính sách tuyển dụng trong đó tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học có trình độ cao được tiếp nhận trong thời gian nhanh nhất là hết sức cần thiết. Việc tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp có tính chuyên môn cao và phù hợp đối với những nhà khoa học này cũng là một nhân tố giúp thu hút các cán bộ trẻ có năng lực về nước làm việc.
Đối với các cán bộ khoa học việc hình thành và đưa Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) vào hoạt động năm 2009 với việc cho phép các cán bộ khoa học trẻ được đăng ký các đề tài nghiên cứu theo những lĩnh vực khoa học cụ thể đã tạo động lực thu hút các nhà khoa học trẻ trở về nước làm việc. Ông Huy nhấn mạnh.