Ngoài việc phê duyệt các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện dự thảo 5 thông tư cơ bản, quy định hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình KH&CN cấp quốc gia cho cả giai đoạn tới.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Đổi mới quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia” do Bộ KH&CN tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Vũ Hải Quân – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các nhà quản lý, nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và cơ quan liên quan.
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Bộ KH&CN đã cơ bản hoàn thiện việc tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Ngoài việc phê duyệt các chương trình KH&CN quốc gia, Bộ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện dự thảo 5 thông tư gồm: Thông tư quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư quy định việc kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư quy định việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư hướng dẫn một số nội dung về xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN. “Đây là các thông tư cơ bản, quy định hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình KH&CN cấp quốc gia cho cả giai đoạn tới”, Bộ trưởng nói.
Toàn cảnh Hội thảo.
Trình bày những điểm mới trong các dự thảo thông tư nói trên, ông Nguyễn Nam Hải – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ KH&CN cho biết, liên quan đến tổ chức quản lý các chương trình, điều chỉnh phạm vi áp dụng thông tư gồm đủ các loại hình của các chương trình và nhiệm vụ KH&CN quốc gia; Bộ máy quản lý Chương trình: Các hình thức của Ban chủ nhiệm (BCN) gồm BCN, Tổ Công tác, Ban Điều hành… Đơn vị quản lý các nhiệm vụ gồm “đơn vị quản lý chuyên môn”, “đơn vị quản lý kinh phí”; Bổ sung nhiệm vụ của BCN; Quy định cơ cấu của BCN.
Đồng thời, bổ sung trách nhiệm báo cáo ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức chủ trì để bảo đảm thống nhất với Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN và Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN; Bổ sung quy định về phân cấp ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ: Bộ chủ trì phân cấp cho đơn vị quản lý kinh phí thực hiện ký hợp đồng, phối hợp với đơn vị chuyên môn để phê duyệt thuyết minh nhiệm vụ.
Đổi mới trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ
Nội dung này được sửa theo 3 quy trình riêng biệt (phù hợp với Luật KH&CN và Nghị định 08, đồng thời điều chỉnh được bất cập hiện tại của Thông tư 07/2014/TT-BKHCN và Thông tư 03/2017/TT-BKHCN tại Điều 5 và 6). Cụ thể: (1) Tổ chức, cá nhân đề xuất lên Bộ, ngành, địa phương, sau đó bộ, ngành, địa phương gửi Bộ KH&CN. Bộ KH&CN tổ chức họp hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ (HĐTVXĐNV); (2) Tổ chức/cá nhân gửi đề xuất trực tiếp lên Bộ KH&CN (đối với các Chương trình KH&CN được Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt). Các Vụ tổng hợp đề xuất nhiệm vụ và xin ý kiến BCN, các Bộ/ngành và địa phương có liên quan, sau đó hoàn thiện, tổng hợp đề xuất đặt hàng trình Lãnh đạo Bộ xem xét. Bộ KH&CN tổ chức họp HĐTVXĐNV; (3) Bộ KH&CN chủ động/theo yêu cầu của Chính phủ/Thủ tướng đề xuất (đối với các nhiệm vụ cấp bách): Tổ chức lấy ý kiến tư vấn, xây dựng Phiếu đề xuất. Các Vụ tổng hợp đề xuất đặt hàng trình Lãnh đạo Bộ xem xét, xin ý kiến các Bộ/ngành và địa phương có liên quan, sau đó hoàn thiện, tổng hợp đề xuất đặt hàng trình Lãnh đạo Bộ xem xét. Cuối cùng, Bộ KH&CN tổ chức họp HĐTVXĐNV.
Các Bộ, ngành và địa phương chỉ cần gửi công văn kèm theo bảng tổng hợp đề xuất đặt hàng nhiệm vụ với 01 loại biểu mẫu đối với tất cả các loại hình nhiệm vụ. Dự thảo thông tư cũng bổ sung thông tin Phiếu đề xuất nhiệm vụ; Bổ sung kinh phí dự kiến vào “Phiếu nhận xét” và “Bảng tổng hợp kiến nghị của HĐTVXĐNV” làm cơ sở tham mưu trình Lãnh đạo Bộ xem xét khi phê duyệt danh mục; Bổ sung quy định về nộp hồ sơ đề xuất nhiệm vụ bằng phương thức trực tuyến và họp HĐTVXĐNV bằng phương thức họp trực tuyến/kết hợp; Tổ chức, doanh nghiệp đề xuất nhiệm vụ không tham gia phiên họp Hội đồng.
Đổi mới trong tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì
Với nhiệm vụ KH&CN cấp bách, phát sinh, giao Bộ KH&CN “chủ động hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng đề xuất nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh có tác động lớn đến phát triển KT - XH của đất nước, ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh thông qua ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tổ chức” tại Thông tư xác định nhiệm vụ và quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định chủ động rút ngắn thời gian các bước theo trình tự thủ tục để đảm bảo tiến độ.
Với nhiệm vụ KH&CN chứa bí mật nhà nước, mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng các nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước thực hiện theo quy trình tương tự nhiệm vụ thông thường nhưng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành. Còn với nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia giao bộ, ngành trực tiếp quản lý, điều chỉnh thống nhất với quy định của Luật KH&CN. Bộ KH&CN là cơ quan duy nhất phê duyệt nhiệm vụ cấp quốc gia hằng năm và tổ chức ký hợp đồng.
Quy định các phương thức tuyển chọn, giao trực tiếp gồm phương thức trực tiếp; Phương thức trực tuyến; Phương thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến; Các nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước được tuyển chọn, giao trực tiếp theo phương thức trực tiếp và tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
Cùng với đó, điều chỉnh thời gian nộp hồ sơ xuống còn 30 ngày; Quy định về thẩm định 2 phiên; Bỏ quy định có báo cáo tài chính đối với loại hình nhiệm vụ như đề tài, đề án được tài trợ 100% từ NSNN; Bổ sung quy định về xếp thứ tự ưu tiên khi nhiều hồ sơ bằng điểm nhau. Đơn vị đề xuất ý tưởng sẽ được xem xét cộng 10% số điểm khi điểm trung bình của đơn vị đó đạt 70 điểm; Bổ sung trường hợp vi phạm khi không thực hiện trách nhiệm báo cáo kết quả ứng dụng theo quy định tại Thông tư 14/2014/TT-BKHCN. Bỏ quy định treo 2 năm không được xét tuyển chọn nếu có nhiệm vụ trước đó bị kết luận không đạt; Bổ sung quy định không cho phép là thành viên của đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ tham gia Hội đồng;...
Kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng
Thông tư bổ sung quy định về hình thức kiểm tra, đánh giá trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp – trực tuyến. Tương tự, tổ chức chủ trì có thể gửi hồ sơ, tài liệu bằng bản cứng hoặc bản điện tử có chữ ký số. Biên bản họp kiểm tra, định kỳ trong trường hợp kiểm tra trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến – trực tiếp có thể được ký số hoặc ký bằng chữ ký trực tiếp...
Cùng với đó, tích hợp, giảm thiểu mẫu biểu kiểm tra (từ 04 mẫu còn 01 mẫu), lược bỏ các nội dung trùng lặp; Bổ sung quy định về việc đoàn kiểm tra đánh giá cần nhận được hồ sơ tối thiểu 05 ngày làm việc trước ngày kiểm tra để có thời gian xem xét, đánh giá, chuẩn bị ý kiến; Tổ chức chủ trì có Công văn đề xuất thay đổi chủ nhiệm gửi Bộ chủ trì nhiệm vụ. Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ có ý kiến về đề xuất này thông qua Công văn phúc đáp. Căn cứ vào ý kiến của Bộ chủ trì, Tổ chức chủ trì ra quyết định về việc thay đổi chủ nhiệm nhiệm vụ.
Đối với phần kinh phí không được giao khoán, bổ sung quy định về việc Tổ chức chủ trì nhiệm vụ được đề xuất bằng văn bản để Bộ chủ trì nhiệm vụ xem xét, quyết định việc điều chỉnh mua sắm nguyên vật liệu. Sau điều chỉnh, việc mua sắm nguyên vật liệu thực hiện theo quy định hiện hành. Việc mua sắm sẽ điều chỉnh trong Nghị định sửa đổi Nghị định 70.
Quy định cũng cho phép rút ngắn thời gian thực hiện khi hoàn thành tối thiểu 50% nội dung. Đối với Dự án sản xuất thử nghiệm, Dự án KH&CN, khi thay đổi tổ chức phối hợp cần có ý kiến của Bộ chủ trì, xem xét theo quy định của Thông tư 08. Khi cần thiết thì thành lập Tổ chuyên gia/Yêu cầu đo kiểm....
Đổi mới trong đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN
Dự thảo thông tư cải tiến phiếu nhận xét theo hướng chưa kết luận đạt/không đạt; Mục đích là đưa ra các điểm cần làm rõ; Đồng ý cho đánh giá nghiệm thu ngay không hay cần bổ sung thông tin báo cáo; Điều chỉnh ngày nhận tối thiểu để tổng hợp ý kiến về các điểm cần làm rõ. Bổ sung yêu cầu đối với sản phẩm tại Thông tư 03, 07, 08. Nguyên tắc là Quá trình đánh giá, nghiệm thu căn cứ vào đặt hàng của Bộ chủ trì nhiệm vụ, do đó yêu cầu của từng loại sản phẩm cần được nêu chi tiết tại hợp đồng, thuyết minh và phê duyệt danh mục ban đầu; Bổ sung quy định về việc Tổ chuyên gia đi kiểm tra thực tế.
Quy định trong Thông tư 08 lưu ý về yêu cầu đánh giá sản phẩm trong quá trình thực hiện và bổ sung trong Thông tư 11 về việc đánh giá sản phẩm giữa kỳ, sau này được sử dụng để phục vụ đánh giá, nghiệm thu cuối cùng; Là cơ sở để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa vào sử dụng trong trường hợp cấp bách, khẩn cấp. Quy định về quy mô, trình tự, thủ tục của Hội đồng đánh giá sản phẩm giữa kỳ theo từng trường hợp.
Lập dự toán kinh phí nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính cho biết, đối với tiền thù lao, định mức chi thù lao quy định theo tháng đối với từng chức danh hoặc nhóm chức danh. Mức thù lao cố định, không tính theo tiền lương cơ sở. Mức thù lao đối với chủ nhiệm nhiệm vụ tối đa 40 triệu đồng/tháng (mức hiện hành là 25,9 triệu đồng và tăng dần theo mức tăng lương cơ sở). Các chức danh khác không quá 0,8 lần mức thù lao của chủ nhiệm nhiệm vụ. Ngoài các chức danh nghiên cứu, Thông tư 03 quy định định mức chi thuê lao động phổ thông theo mức tiền lương tối thiểu vùng cao nhất tại thời điểm xây dựng dự toán.
Đối với hoạt động seminar trong nghiên cứu, quy định rõ hơn về các hình thức trao đổi, thảo luận khoa học. Đồng thời; tăng mức chi cho hoạt động seminar: Chủ trì 2 triệu đồng (mức cũ 1,5 triệu đồng); tham luận trình bày là 3 triệu đồng (mức cũ là 2 triệu đồng); tham luận không trình bày là 1,5 triệu đồng (mức cũ là 1 triệu đồng); thù lao người tham gia hội thảo 0,3 triệu đồng (mức cũ là 0,2 triệu đồng). Mức chi quản lý chung nhiệm vụ tối đa không quá 300 triệu đồng/nhiệm vụ (mức cũ là 200 triệu đồng).
Về nội dung và định mức chi cho các Hội đồng, thông tư bổ sung nhiều nội dung chi gồm: chi cho các Hội đồng tư vấn khác theo thông tư quản lý nhiệm vụ KH&CN của Bộ KH&CN (nếu có); Thù lao, công tác phí của chuyên gia xử lý các vấn đề kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động của Hội đồng (nếu có); Kiểm tra, đánh giá sau khi giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Họp hội đồng đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN (trong trường hợp cần thiết cần có Hội đồng đánh giá). Đồng thời, tăng các định mức chi cho Hội đồng, tổ thẩm định từ 30%-50% so với mức chi hiện hành; Bãi bỏ quy định nhiệm vụ được thanh toán tạm ứng với kho bạc nhà nước trong thời gian 6 tháng kể từ ngày kết thúc nhiệm vụ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao việc đổi mới quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia do Bộ KH&CN và các đơn vị liên quan đang triển khai. Đây là lần đầu tiên sửa đổi cùng lúc 5 thông tư bao trùm toàn bộ từ khâu xác định nhiệm vụ, tổ chức đặt hàng, tuyển chọn và xét chọn, kiểm tra trong quá trình thực hiện đến khâu đánh giá nghiệm thu cuối cùng nhiệm vụ KH&CN. Các điều chỉnh này theo hướng tạo điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu và thực hiện triển khai các chương trình.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận xoay quanh nội dung đổi mới tại 5 dự thảo thông tư. Nhiều nhà khoa học đưa ra những khó khăn trong việc mua sắm vật tư phục vụ nghiên cứu, cần điều chỉnh hàng năm theo biến động để thuận lợi cho nhà khoa học; việc phát triển các tài sản sở hữu trí tuệ; bàn giao tài sản hình thành trong quá trình nghiên cứu; bỏ xác nhận “chất lượng”, chỉ xác nhận “khối lượng” công việc đã thực hiện theo Hợp đồng...
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại Hội thảo.
Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, việc sửa đổi, đổi mới thể hiện mong muốn, quyết tâm của Bộ KH&CN để xây dựng cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN đáp ứng nhu cầu thực tiễn, giảm gánh nặng cho các nhà khoa học đồng thời tăng hiệu quả sử dụng NSNN cho KH&CN. Đây đều là nhu cầu cấp thiết đồng bộ với nhu cầu công khai, minh bạch trên nền tảng số hóa trên cơ sở quản lý đồng bộ, hiện đại, giảm thiểu các thủ tục hành chính. Bộ KH&CN sẽ nghiên cứu một cách thấu đáo ý kiến của các đại biểu cũng như của các nhà khoa học, nhà quản lý gửi sau Hội thảo để chỉnh sửa, hoàn thiện các dự thảo thông tư, nhằm góp phần tạo nên một môi trường tiên tiến, thông thoáng, công khai, minh bạch hơn, Thứ trưởng cho biết./.
Bài, ảnh: Linh Chi