Xây dựng cơ chế chính sách cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ
Sản xuất văc-xin tại Công ty Văc xin và Sinh phẩm số 1. Ảnh: Nguyễn Hạnh
Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tiếp tục được khẳng định là quốc sách hàng đầu, là một động lực quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển KH&CN. Đây là điều kiện và thời cơ rất thuận lợi cho KH&CN phát triển. Tuy nhiên, cần có những cơ chế, chính sách để cụ thể hóa và quán triệt nội dung của Nghị quyết.
Đây cũng là kỳ vọng và nhiệm vụ cụ thể Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giao cho Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia trong phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Hội đồng nhiệm kỳ 5 mới đây. Tại phiên họp, các ủy viên của Hội đồng và đại biểu tham dự cũng đã tập trung thảo luận, đưa ra những đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phát triển KH&CN thời gian tới.
Thay đổi tư duy về hiệu quả nghiên cứu khoa học
PGS. TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng cần đánh giá lại những đóng góp của KH&CN với đất nước. Nếu như trước đây, thủy điện Hòa Bình có hàng vạn người lao động, chuyên gia quốc tế thì nay hầu như không có người nước ngoài nào, máy móc đã thay sức lao động của con người.
Đó là đóng góp của KH&CN. Phải khẳng định chúng ta đã có những bước đi rất vượt trội. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một số kết quả nghiên cứu khoa học còn trong "ngăn kéo". Cần có cái nhìn đúng hơn về vấn đề này vì để ra được sản phẩm cần tích hợp nhiều công nghệ khác nhau. Theo kết quả khảo sát tại Mỹ, xác suất thành công trong nghiên cứu chỉ 10%.
Theo PGS.TS Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia, từ ý tưởng nghiên cứu khoa học cơ bản tới khi tạo ra sản phẩm công nghệ có nhiều rủi ro. Có sản phẩm rồi lại phải tính đến địa chỉ ứng dụng, chuyển giao, đưa vào thị trường và làm thế nào được thị trường công nhận,…
Theo thống kê của thế giới, có 2,5% - 6,5% kết quả nghiên cứu tạo ra sản phẩm. Vì thế, nếu nói nhiều đề tài nghiên cứu còn trong ngăn kéo cũng không đáng ngạc nhiên. Các công trình khoa học đạt giải thưởng lớn cũng cần có thời gian thực tiễn chứng nhận từ 10 - 15 năm. Có những công trình hoặc Giải Nobel sau vài chục năm mới phát huy tác dụng, mang lại nguồn lợi hàng trăm ngàn tỉ đô la. Hiện ở Việt Nam, tư duy nghiên cứu là phải thành công, chưa chấp nhận việc nghiên cứu thất bại cũng là rào cản, kìm hãm sự đam mê, chia sẻ và quyết đoán của người nghiên cứu.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nguyên nhân các kết quả nghiên cứu khoa học chưa ứng dụng nhiều trong thực tiễn, ngoài vấn đề tài chính, cơ chế chính sách còn vấn đề đặt hàng. Hiện lãnh đạo các tỉnh, thành, bộ ngành ít chủ động đặt hàng các nghiên cứu phục vụ ngành, địa phương mình, chủ yếu do các nhà khoa học tự đề xuất. Khi hoàn thành, nếu không có đơn vị nào cần chuyển giao các nhà khoa học buộc phải "cất đi" thôi.
Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm, Bộ KH&CN và một số bộ ngành đang cụ thể hóa các vấn đề liên quan đến chi cho đề tài theo hiệu quả so với sản phẩm công nghệ tương đương, kiểm soát đầu ra của đề tài và đã thí điểm trong lĩnh vực nông nghiệp. Cần chấp nhận sự rủi ro trong nghiên cứu khoa học và thay đổi tư duy cứ cấp tiền là phải thành công. Theo Phó Thủ tướng, Hội đồng nên xây dựng một quy định cho từng loại đề tài, quy chế quản lý đề tài có tính đến rủi ro và phân cấp các đề tài ấy.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đề nghị Hội đồng đề xuất cơ chế chính sách cho nghiên cứu khoa học, từ việc lựa chọn đề tài đến cơ chế khoán. Một đề tài nghiên cứu có thể giao cho một tập thể tin cậy nhưng chắc chắn không thể 100% thành công được, quan trọng là phải mạnh dạn đặt hàng những vấn đề bức thiết của cuộc sống, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đổi mới cơ chế tài chính cho phát triển KH&CN
Tại phiên phọp, đa số các đại biểu tham dự đều đưa ra những bất cập trong cơ chế tài chính như thủ tục rườm rà, phân bổ kinh phí hàng năm quá chậm,… làm ảnh hưởng đến các dự án và lợi ích quốc gia. Về vấn đề này, theo Chủ tịch Hội đồng Hoàng Văn Phong, cần giải quyết mấy điểm vướng: Nội dung chi (hiện nhiều nội dung trong hoạt động KH&CN chưa được đưa vào danh mục các vấn đề được chi); định mức chi cho KH&CN còn thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế; quy trình thủ tục chi (làm rõ "thẩm" và "quyền" giữa các Bộ và thay đổi để giảm bớt các thủ tục,…).
GS.TSKH Nguyễn Thu Vân, Giám đốc Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tạo ra những sản phẩm tốt, tuy nhiên cơ chế đã ngăn cản điều đó. Chúng ta nên học tập kinh nghiệm ở các nước đi trước và áp dụng phương án "chìa khóa trao tay" như trong lĩnh vực xây dựng. Phải quản lý tài chính nhưng không thể quản lý một cách chi tiết. Bà Vân cho biết, công ty cũng nhận được những đề tài, dự án quốc tế nhưng các cơ quan quốc tế chỉ quản lý theo hạng mục như trang thiết bị, nhân lực, tư vấn,… còn lại nhóm nghiên cứu được toàn quyền sử dụng. Việc thông thoáng trong quản lý sẽ tạo cho các nhà khoa học tâm lý phấn khởi và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, với điều kiện hiện tại, việc áp dụng cơ chế hợp tác công - tư thực sự quan trọng. Cần có cơ chế huy động mọi nguồn lực xã hội, làm sao để doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều có trách nhiệm dành một phần kinh phí cho hoạt động KH&CN. Tuy nhiên, để làm được điều này chắc chắn phải sửa đổi Luật KH&CN.
Chủ trương doanh nghiệp được trích 10% lợi nhuận trước thuế để phát triển KH&CN hoàn toàn đúng đắn nhưng nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong sử dụng hợp lý nguồn kinh phí này. Ví dụ, năm 2011 kinh phí dành cho nghiên cứu KH&CN của Viettel là 2.000 tỉ đồng nhưng doanh nghiệp lại gặp khó khăn và không sử dụng hết kinh phí này. Vì thế, cũng cần có những quy định thông thoáng hơn, gỡ khó và tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ KH&CN, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để phát triển KH&CN, doanh nghiệp phải được coi là trung tâm. Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Hội đồng trong năm 2013, tập trung đánh giá, đề xuất cơ chế chính sách riêng cho phát triển doanh nghiệp KH&CN như đất đai, thuế, tín dụng,… nhằm phát triển mạnh mẽ đội ngũ này. Đồng thời lưu ý, cần sớm có cơ chế khuyến khích, ưu đãi những sản phẩm KH&CN trong nước có chất lượng tương đương với sản phẩm quốc tế, ví dụ như sản phẩm vắc-xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng, để những sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn tăng khả năng xuất khẩu.
Có cơ chế, chính sách phù hợp với cán bộ KH&CN
Đây là ý kiến của hầu hết các đại biểu tham dự phiên họp. Ngoài việc cần tạo môi trường làm việc thuận lợi, phù hợp, các đại biểu kiến nghị cần có chính sách, cơ chế đặc thù giúp xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu có năng lực, hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh, phục vụ các dự án KH&CN trọng điểm. GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh Nhi Trung ương nhận định, con người là yếu tố quan trọng nhất để đưa KH&CN nước ta tiếp cận được với KH&CN các nước tiên tiến trên thế giới. Giống như trong chiến tranh, KH&CN cũng cần tạo được một binh chủng đặc biệt tinh nhuệ, bắt đầu từ cơ chế tuyển chọn, đào tạo và đãi ngộ. Nhà nước nên có kênh đào tạo riêng cho các nhà khoa học có tài và tiềm năng.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng cho rằng, nhiều nhà khoa học mong muốn có một môi trường làm việc tốt theo mô hình quốc tế nhưng hiện trong nước chưa có viện nghiên cứu nào đáp ứng nhu cầu. Nếu dùng ngân sách nhà nước để ưu đãi cho toàn bộ các nhà khoa học sẽ không khả thi nhưng xây dựng mô hình với cơ chế đặc biệt như Viện KIST của Hàn Quốc tại Việt Nam và nhân rộng khi thành công sẽ đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, để xây dựng thành công một viện nghiên cứu trọng điểm theo mô hình Viện KIST cần một cơ sở pháp lý đặc thù đặc biệt; sự ủng hộ sát sao của Chính phủ; thu hút thành công đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong và ngoài nước.
Chính phủ, giới khoa học đặt rất nhiều kỳ vọng vào Hội đồng, Bộ KH&CN trong việc đưa ra những cơ chế chính sách nhằm cụ thể hóa những chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời giải quyết những vấn đề đang là rào cản cản trở sự phát triển của KH&CN. Tuy nhiên, để ban hành và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, rất cần sự quan tâm, đồng thuận và chung sức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng khoa học.
Trong bài phát biểu của mình tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: Muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sự cạnh tranh,… không có cách nào khác là phải phát triển KH&CN, coi đó là động lực quan trọng nhất… Các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý cần bám sát mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển KH&CN của đất nước và nhiệm vụ, giải pháp vừa được Hội nghị Trung ương 6 thông qua; cùng nhau thảo luận, hoạch định, đề ra các giải pháp thiết thực, nhằm đưa KH&CN ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Hoạt động chính của Hội đồng nhiệm kỳ 2012 - 2016
Trong nhiệm kỳ 2012 - 2016, Hội đồng sẽ tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến cho các đề án bổ sung, sửa đổi một số luật trong lĩnh vực KH&CN. Đồng thời, góp ý cho các Đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, của Bộ KH&CN như xây dựng quy hoạch hệ thống các tổ chức KH&CN; đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các tổ chức KH&CN; chính sách sử dụng nhân lực KH&CN, trọng dụng người tài; phát triển thị trường công nghệ; đổi mới chính sách đầu tư, cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN; đường lối chính sách hội nhập quốc tế về KH&CN.
Hội đồng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN và các Bộ, ngành tập trung nghiên cứu, tư vấn với Thủ tướng 4 nội dung: Đánh giá tác động của hệ thống cơ chế chính sách đối với hoạt động KH&CN; chính sách "bắt chước công nghệ" với mục tiêu nhanh chóng làm chủ công nghệ hiện chưa có, chưa thể mua hoặc không thể mua được nhằm sản xuất ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, tính cạnh tranh lớn; chính sách phát triển đội ngũ doanh nghiệp KH&CN - lực lượng sản xuất mới đi đầu trong việc kết hợp ý tưởng công nghệ với ý tưởng kinh doanh và đưa vào thực tế; chính sách thu hút nhà đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực công nghệ trình độ cao, giúp đưa Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn đủ năng lực đón nhận dòng dịch chuyển công nghệ từ các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến (PGS.TS. Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia).