Để thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị, đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những Trung tâm KH&CN lớn của cả nước thì hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) thực sự là động lực, đóng vai trò quan trọng nhất trong phát triển KT-XH.
KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, Lê Trường Lưu khẳng định tại buổi làm việc với Bộ KH&CN về định hướng phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo; triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 22/5/2020, tại Hà Nội.KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Tại buổi làm việc, đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và một số nhiệm vụ lớn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Báo cáo một số nội dung, lĩnh vực hoạt động của ngành KH&CN trong 5 năm qua và định hướng phát triển KH&CN của tỉnh trong thời gian tới, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN Hồ Thắng cho biết, hoạt động KH&CN của tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đảm bảo đúng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bám sát thực tiễn sản xuất và cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã được phổ biến kịp thời để nhân dân áp dụng, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã tích cực hơn tham gia hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu - triển khai, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo đo lường, chất lượng, tiếp cận thông tin sáng chế, phát triển tài sản trí tuệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị, chuyển giao công nghệ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần giúp một số doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển TSTT trên địa bàn những năm gần đây đã được triển khai toàn diện và hiệu quả, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trong đó có thể nói, hoạt động bảo hộ, sử dụng và khai thác TSTT tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có được sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói riêng và phát triển KTXH nói chung.
Hoạt động khởi nghiệp ĐMST đã tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng, tạo cú hích lớn giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp mạnh dạn đề xuất, xây dựng các dự án, hoạt động khởi nghiệp thông qua các chương trình, diễn đàn KNĐMST của tỉnh. Kết quả các cuộc thi vùng và khu vực đều đạt giải cao và có khả năng tham gia vào thị trường.
Hạ tầng và thiết chế khoa học - công nghệ ngày càng hoàn chỉnh với các trường đại học, cao đẳng; nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành. Từng bước hình thành khu công nghệ thông tin tập trung tại Khu đô thị An Vân Dương; thành lập Khu công nghiệp công nghệ cao tại Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô. Toàn tỉnh có 27 tổ chức hoạt động trên các lĩnh vực tư vấn dịch vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước được quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ phát triển về số lượng, chất lượng.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng dịch vụ đô thị thông minh, chính quyền điện tử và nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh đặc biệt được chú trọng. Đưa vào khai thác hệ thống thông tin địa lý, tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và ứng dụng công nghệ GIS. Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh trở thành thành viên của Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung...
Thành lập Khu công nghệ cao quốc gia tại Thừa Thiên Huế
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ tỉnh trong quá trình xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trong những Trung tâm KH&CN lớn của cả nước thông qua các chủ trương, định hướng, triển khai các nhiệm vụ có tính chiến lược như phát triển tiềm lực KH&CN, hình thành các thiết chế KH&CN trọng điểm và thực hiện các chương trình phát triển ứng dụng tiến bộ KH&CN của tỉnh.
Đồng chí Chu Ngọc Anh, Đồng chí Lê Trường Lưu và các đại biểu trao quà lưu niệm.
Thành lập Khu công nghệ cao quốc gia, xây dựng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế thành Trung tâm CNSH quốc gia tại miền Trung, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại tỉnh Thừa Thiên Huế và hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.
Ưu tiên hỗ trợ các dự án KH&CN cho các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ thông tin - gắn với chương trình xây dựng đô thị thông minh, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong y dược thực hiện đề án phát triển dược liệu, phát triển sản phẩm chủ lực, các sản phẩm mang thương hiệu Huế.
Các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được thực hiện trong thời gian tới, đó là tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao phát triển công nghệ, thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung... hướng đến một nền công nghệ cao, công nghiệp sạch, kinh tế tri thức.
Tập trung hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện đề án Cố đô Khởi nghiệp, thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh mới, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu cạnh tranh của thị trường. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực KH&CN và đào tạo vào nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng, trình độ lao động trong việc hấp thụ công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức. ..
Tập trung thực hiện việc tạo lập, quản lý và phát triển các nhãn hiệu nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Huế như: Dầu tràm Huế, Thanh trà Huế, Sen Huế, Ruốc Huế, Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế - kinh đô áo dài, Tam Giang - Thượng phẩm hải sản đầm phá, Hương xưa làng cổ Phước tích…
Vui mừng trước những thành tựu KT-XH của tỉnh trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, những con số biết nói trong báo cáo đã phản ánh sinh động, nỗ lực cao độ của cấp ủy, chính quyền tỉnh. Điều đó khẳng định Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương chú trọng phát triển KT-XH toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó đặc biệt coi trọng yếu tố KH,CN&ĐMST thông qua giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của địa phương…
Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự tham gia của Sở KH&CN Huế, kịp thời tham mưu cho tỉnh và các cấp chính quyền từ thể chế chính sách, quản lý nhà nước về KH&CN trong các lĩnh vực: Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở hữu trí tuệ… bám rất sát vào Chiến lược phát triển của tỉnh. Điều này cho thấy sự vào cuộc mang tính hệ thống, liên kết sở, ngành trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền.
Về phía Bộ KH&CN, Bộ trưởng khẳng định, sẽ vào cuộc với tinh thần cao độ, đặt trách nhiệm ở mức cao nhất, cùng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, nghiên cứu, tìm giải pháp giúp Thừa Thiên Huế thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ lớn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Về đề xuất hợp tác giữa tỉnh và Bộ KH&CN, tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng thống nhất chủ trương và giao cho các Vụ của Bộ phối hợp Sở KH&CN để chuẩn bị nội dung, chương trình tổ chức ký kết biên bản hợp tác cũng như tham gia góp ý cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: PV