Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 03:25 pm
Cập nhật : 09/09/2015 , 22:09(GMT +7)
Xác định điểm cân bằng
TS. Lê Hoài Châu và các thành viên của công ty BM Research & Development
Lập một công ty khởi nghiệp (start-up) về phần mềm tối ưu hóa kết cấu chịu lực, ký kết hợp đồng về sản phẩm và dịch vụ với những doanh nghiệp máy móc lớn của Mỹ nhưng TS. Lê Hoài Châu vẫn giữ được sự cân bằng giữa việc tìm tòi những điều mới mẻ thông qua các đề tài nghiên cứu cơ bản và thúc đẩy ứng dụng những kết quả nghiên cứu đó vào thực tế.

Khởi nghiệp từ nghiên cứu

Nghiên cứu về lĩnh vực cơ học tính toán, TS. Lê Hoài Châu đã có quãng thời gian ba năm làm việc với một số doanh nghiệp lớn của Mỹ sau khi hoàn tất chương trình nghiên cứu tại trường ĐH Illinois Urbana-Champaign. Từ một số kinh nghiệm làm việc tại môi trường chuyên nghiệp của ngành công nghiệp chế tạo máy cùng những mong mỏi được đưa những thuật toán tối ưu hóa mà mình đã nghiên cứu vào công đoạn thiết kế, chế tạo sản phẩm đã thúc đẩy TS. Châu nghĩ đến việc mở công ty riêng khi trở về Việt Nam.

Tuy đã mường tượng được những khó khăn gặp do phải tự lực cánh sinh, cáng đáng hết các công việc “không tên” khi mở công ty nhưng chỉ tới lúc lăn vào thực tế, TS. Châu mới thấm thía hết. “Ngoài việc là một start-up hoạt động trong một lĩnh vực còn rất mới ở Việt Nam và nguồn kinh phí đầu tư hoàn toàn từ vốn cá nhân, chúng tôi còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, vừa phát triển sản phẩm mới vừa phải tìm cách mở rộng lượng khách hàng để có thu nhập”, TS. Châu chia sẻ. Một trong những khó khăn lớn mà công ty BM Research & Development đang gặp phải là hầu như không tìm được doanh nghiệp Việt Nam nào quan tâm đến ứng dụng sản phẩm và dịch vụ của công ty bởi một số doanh nghiệp thì chuyên về lắp ráp và buôn bán máy móc, số tự thiết kế phát triển và thương mại hóa máy móc vẫn còn ít ỏi và thường có quy mô nhỏ nên không có đủ tiềm lực đầu tư cho R&D để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Vì vậy, công ty của TS. Châu chủ yếu hướng ra thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ do đã có kinh nghiệm làm việc tại Caterpillar Inc., một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về thiết kế, chế tạo máy. Nhưng việc thâm nhập thị trường lớn như Mỹ không hề đơn giản bởi sẽ phải cạnh tranh với hàng trăm, hàng ngàn công ty sẵn sàng cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tương tự. Vậy BM Research & Development, một công ty được thành lập ở Việt Nam mới có thâm niên hai năm, đã làm những gì để thuyết phục khách hàng tiềm năng? TS. Châu tiết lộ, “Chúng tôi có công nghệ mà các doanh nghiệp cần. Với những kiến thức và phần mềm của công ty, chúng tôi có thể thực hiện được những công việc mà công ty khác không làm được, hoặc có thể làm được nhưng không đạt được chất lượng cao như cách chúng tôi áp dụng”.

Khó khăn mà công ty BM Research & Development đang gặp phải là tìm kiếm khách hàng trong nước. Hầu như không tìm được doanh nghiệp Việt Nam nào quan tâm đến ứng dụng sản phẩm và dịch vụ của công ty bởi một số doanh nghiệp chỉ chuyên về lắp ráp và buôn bán máy móc, số tự thiết kế phát triển và thương mại hóa máy móc vẫn còn ít ỏi và thường có quy mô nhỏ nên không có đủ tiềm lực đầu tư cho R&D, do đó không có nhu cầu tìm hiểu thêm về công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đề cập đến sản phẩm mà công ty thực hiện, TS. Châu cho biết, đây hầu hết là những phần mềm chuyên dụng nhằm mô phỏng và tối ưu hóa thiết kế máy móc theo yêu cầu của khách hàng. Để thiết kế ra những chi tiết máy móc tốt, ngày nay các công ty thường sử dụng máy tính để mô phỏng và tính toán kỹ lưỡng tính năng cũng như độ bền của sản phẩm, thay vì phải chế tạo và thử nghiệm nhiều lần. Việc này không những tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Hơn thế nữa, khi đã có mô hình mô phỏng trên máy tính, người ta có thể lập trình cho máy tính tự động đánh giá hàng trăm, hàng ngàn các phương án thiết kế khác nhau và tìm ra những bản thiết kế tốt nhất. Đây là một lĩnh vực khá hiện đại, đòi hỏi sự kết hợp của tự động hóa, tính toán mô phỏng và các thuật toán tối ưu thông minh.

Gặp phải không ít khó khăn nhưng BM Research & Development cũng được hưởng một thuận lợi đáng kể là nhiều hãng công nghiệp Mỹ đã bắt đầu đặt cơ sở R&D tại châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, do trình độ công nghệ của châu Á có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Xu hướng dịch chuyển này cũng góp phần thúc đẩy quá trình thỏa thuận, thương thuyết hợp đồng của TS. Châu với các khách hàng Mỹ, trong đó có Caterpillar, diễn ra thuận lợi hơn.

Cân bằng giữa nghiên cứu và ứng dụng

Dù cần tập trung vào kinh doanh, chuyên thực hiện các hợp đồng về phát triển sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật với các công ty lớn của Mỹ nhưng TS. Lê Hoài Châu vẫn không quên dành thời gian cho nghiên cứu cơ bản, cụ thể là đề tài về thiết kế vi cấu trúc vật liệu.

Được khởi đầu từ một công bố vào năm 2006, tối ưu hóa kết cấu vi mô vật liệu cũng là một trong những xu hướng mới trong lĩnh vực cơ học tính toán.  Để thực hiện nghiên cứu, TS. Châu đã nhận kinh phí từ DARPA, cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ, để thực hiện dự án “Tối ưu hóa vi kết cấu vật liệu để điều tiết sóng năng lượng” (Material microstructure optimization for linear elastodynamic energy wave management) và công bố trên tạp chí Journal of the Mechanics and Physics of Solids. Thông qua việc điều chỉnh đường đi của sóng năng lượng bằng vi kết cấu vật liệu, người ta có thể tập trung hoặc làm tiêu tan sóng năng lượng, tạo tiền đề cho việc chế tạo những thiết bị bảo vệ con người cũng như khí tài quân sự tốt hơn.

Mối quan tâm với thiết kế kết cấu vi mô cho vật liệu tiếp tục được TS. Châu duy trì khi về nước. Mong muốn tìm thêm điều mới mẻ về lĩnh vực mình quan tâm đã thôi thúc anh nộp hồ sơ lên Quỹ Nafosted. Kết quả là vào tháng 3/2015 vừa qua, đề tài “Thiết kế siêu vật liệu cho đặc tính điều khiển và tàng hình sóng âm bằng tối ưu hóa topology và đồng nhất hóa ngược” đã được Nafosted phê duyệt với thời gian thực hiện trong vòng hai năm và yêu cầu hai bài báo ISI. Trong đề tài này, TS. Châu sẽ tập trung vào việc tối ưu hóa vi kết cấu vật liệu để có thể tiến tới ứng dụng công nghệ in 3D sản phẩm.

Khi được hỏi vì sao đã chuyên tâm vào phát triển sản phẩm và thực hiện dịch vụ kỹ thuật cho các công ty lớn mà vẫn duy trì được sự say mê nghiên cứu cơ bản, TS. Châu giải thích: “Những điều mới mẻ thu được qua nghiên cứu cơ bản có thể chưa thể phát huy ngay tác dụng nhưng xét về lâu dài, nó lại có ý nghĩa gợi mở cho nhiều ứng dụng trong sản xuất và đời sống xã hội. Ví dụ qua việc thực hiện nghiên cứu, tôi được mở rộng tầm nhìn, có thêm ý tưởng sáng tạo như kết hợp việc thiết kế vi kết cấu vật liệu với công nghệ in 3D để tạo ra những đột phá trong thiết kế sản phẩm. Điều đó sẽ góp phần tạo nên ưu thế của công ty so với nhiều công ty đối thủ khác hoạt động trong cùng lĩnh vực. Hy vọng một lúc nào đó, nếu quy mô công ty mở rộng ra, có người khác thay tôi lo công việc kinh doanh, tôi muốn sẽ chỉ tập trung vào mảng công việc mình yêu thích nhất là R&D”.

Mối quan hệ giữa nghiên cứu và ứng dụng còn có tác động hai chiều, TS. Châu nhận xét. Thông qua việc thực hiện các hợp đồng với các hãng chế tạo máy móc lớn của thế giới, anh có điều kiện kiểm chứng được những kết quả nghiên cứu của mình, đồng thời trả lời được những câu hỏi thiết thực: thực tế đang cần gì, để làm tốt một sản phẩm nào đó cần đến những kỹ thuật gì, sử dụng những bài toán chuyên dụng nào và những vấn đề nào cần đi sâu nghiên cứu... Qua tiếp xúc với thực tế, anh có được những gợi ý về nhu cầu của xã hội với sản phẩm từ lĩnh vực nghiên cứu của mình và tìm hướng giải quyết những đề bài đó bằng nghiên cứu chuyên sâu.

Với kinh nghiệm đã trải qua, TS. Châu cho rằng, điều mà một start-up KH&CN cần không chỉ là những ưu đãi đơn thuần về vốn vay, miễn giảm thuế mà còn cần cả những khuyến khích tinh thần sáng tạo một cách kịp thời. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước trân trọng và khuyến khích, tạo điều kiện cho những sản phẩm mới được quảng bá rộng khắp thì các start-up sẽ mạnh dạn hơn trong việc tìm ra cái mới cũng như gia tăng hàm lượng khoa học sản phẩm của mình hơn nữa.

“In 3D, một trong những xu hướng công nghệ được chú ý nhiều nhất hiện nay, đã loại bỏ được những hạn chế trong cách chế tạo truyền thống để làm ra các chi tiết máy móc, thành phần thiết bị tinh xảo ở mức vi cấu trúc (micro structure). Kết hợp với công nghệ in 3D, phần mềm thiết kế kết cấu tối ưu sẽ phát huy trọn vẹn khả năng sáng tạo của mình trong việc tạo ra những thiết kế mang tính đột phá”. - TS. Lê Hoài Châu

 

Nguồn tin: Tạp chí tia sáng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner