Nhà nước sẽ thí điểm đặt hàng các sản phẩm quốc gia, sản phẩm tiềm năng
Mười năm là khoảng thời gian không dài đối với một Chiến lược phát triển mang tầm quốc gia. Nhất là khi đã bước qua năm 2013, tức là chỉ còn 7 năm để hiện thực hóa tất cả những mục tiêu mà Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020 đã đề ra. Tuy nhiên, vấn đề xã hội hóa đầu tư cho KH-CN vẫn gặp khó do vướng rào cản từ cơ chế chính sách.
Đây là nội dung các vị khác mời tham gia trao đổi tại buổi tọa đàm “Triển khai chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2011-2020” do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển truyền thông khoa học và công nghệ- Bộ KH-CN tổ chức mới đây.
Chuyển từ trọng cung sang cầu
Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&Môi trường của Quốc hội cho biết, trong nhiều năm qua, mặc dù đã có rất nhiều các đề tài nghiên cứu khoa học ở các cấp được thực hiện nhưng các kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong thực tế chưa nhiều. Vì vậy theo ông Lĩnh thì cần thực hiện một phương thức đặt hàng đối với các nhiệm vụ KH-CN, gắn việc xác định và thực hiện các nhiệm vụ KH-CN với nhu cầu thực tiễn. Đồng thời gắn trách nhiệm của cả hai bên (người đặt hàng với người thực hiện) nhằm giải quyết những mục tiêu, xác định yêu cầu của các cấp từ trung ương, địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên ông Lĩnh cũng cho biết thêm, thời gian qua có rất nhiều mô hình thực hiện nhiệm vụ KH-CN theo đơn đặt hàng và đã có kết quả ứng dụng tốt, phát huy được tiềm năng, lợi thế của các tổ chức, cá nhân hoạt động KH-CN.
Đồng quan điểm, bà Trần Kim Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng TW bày tỏ, hiện nền KH-CN Việt Nam đang chuyển hướng từ “trọng cung” sang “trọng cầu”, có nghĩa nhà nước sẽ thí điểm đặt hàng các sản phẩm quốc gia. Thậm chí thí điểm đặt hàng các nhiệm vụ KH-CN cấp nhà nước, đây là điểm rất quan trọng trong đổi mới KH-CN, coi doanh nghiệp là vị trí trọng tâm, là nhà đầu tư, đồng thời là người đặt hàng về KH-CN.
Đứng ở vị trí là một doanh nghiệp KH-CN, bà Liên cũng khẳng định chủ trương đổi mới này thực sự phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, phù hợp với các quy luật xuất phát từ nhu cầu thị trường, giải quyết các vấn đề về thực tiễn. Cũng theo bà Liên thì với cơ chế này, Nhà nước - doanh nghiệp - cá nhân sẽ chỉ đặt hàng các nghiên cứu khoa học cho ra các công nghệ hiệu quả. Và nguồn nuôi khoa học từ đây sẽ còn được thu hút từ doanh nghiệp, các tổ chức và nguồn vốn nước ngoài.
Nhà nước - doanh nghiệp - cá nhân sẽ chỉ đặt hàng các nghiên cứu khoa học cho ra các công nghệ hiệu quả. Trong ảnh là sản phẩm hộp đen ô tô giúp định vị đường và lưu giữ thông tin của cán bộ trẻ tại khu ươm tạo công nghệ cao Hòa Lạc nghiên cứu chế tạo. (Ảnh: Mai Hà)
Phát biểu về vấn đề này, ông Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ KH-CN cho biết còn gặp khó bởi hiện nay đầu tư cho KH-CN vẫn chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) nên chủ trương xã hội hóa đầu tư cho KH-CN là một chủ trương đúng và cần thiết. Ông Khải khẳng định, nếu xã hội không có nhu cầu đối với hoạt động KH-CN thì xã hội hóa đầu tư cho KH-CN không có định hướng, không có động lực. Vì thể, khi đổi mới thể chế và mô hình phát triển phải dựa trên nhu cầu ứng dụng KH-CN, dựa trên nhu cầu về đổi mới sáng tạo và cạnh tranh thì sự quan tâm của xã hội, doanh nghiệp đối với hoạt động KH-CN sẽ lớn hơn và các nguồn lực đầu tư cho KH-CN sẽ được khơi dậy.
Đặc biệt, việc xã hội hóa đầu tư cho KH-CN cũng góp phần tăng thêm nguồn lực cho KH-CN, tập hợp sử dụng tối đa các nguồn lực. Tuy nhiên, việc xã hội hóa chưa hẳn đã giải quyết được tận gốc của mọi vấn đề, bởi hiện nay phần lớn kinh phí nghiên cứu khoa học vẫn từ NSNN. Rào cản về cơ chế chính sách vẫn gây khó khăn cho nhà khoa học, khiến họ mất nhiều thời gian trong việc hoàn tất chứng từ chi tiêu theo đúng hạng mục của nhà nước, bà Liên cho biết thêm.
Phải có tầm nhìn
Xoay quanh vấn đề về vai trò của các chuyên gia cao cấp, những người nhìn thấy trước được những yêu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như hội nhập quốc tế; ông Nghiêm Vũ Khải nhận định, Việt Nam đã có nhưng vẫn còn thiếu những nhà khoa học, những nhà quản lý, những nhà hoạch định chính sách để phát triển KH-CN. Để hiện thực hóa vấn đề này, trong “Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011- 2020” và trong dự thảo Luật KH-CN sửa đổi mà Quốc hội sắp xem xét thông qua có một nội dung rất quan trọng là hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH-CN. Trong dự thảo Luật KH-CN sửa đổi cũng thể chế hóa Nghị quyết số 20 về KH-CN đã đề ra giải pháp rất cụ thể là hưởng lương theo hợp đồng với chế độ chuyên gia nước ngoài, điều kiện xuất nhập cảnh, mua nhà, cư trú và những chế độ thăng tiến…đây là việc trên thế giới đã từng làm và có kinh nghiệm tốt.
Nói về vấn đề “tầm nhìn” ông Lê Bộ Lĩnh cũng cung cấp thêm thông tin về việc đầu tư quy mô các nguồn lực của các quốc gia phát triển nghiên cứu ứng dụng. Theo ông Lĩnh, về đầu tư cho KH-CN ở các nước đang phát triển đều cách xa Việt Nam về quy mô, tỷ lệ và cơ cấu, hầu hết các nước đang phát triển hiện nay đều đạt mức 3% GDP (trong đó NSNN chiếm chưa đầy 1% còn lại là doanh nghiệp-DN) đầu tư cho KH-CN (Việt Nam chỉ 0,5%).
Thứ 2 là nguồn đầu tư cho KH-CN bao giờ cũng gắn với việc đạt được mục tiêu chiến lược rất cụ thể. Tuy nhiên tại Việt Nam mục tiêu chiến lược đặt ra rất là nhiều, sát với tình hình nhưng chưa tính kỹ đến nguồn lực để phát triển. Có thể lấy ví dụ, Hàn Quốc để đạt được chiến lược phát triển KH-CN từ nay đến năm 2025 đã đề ra kế hoạch và kế hoạch cơ bản, ví dụ như kế hoạch từ 2008 – 2012 phải đạt được cho KH-CN 5% GDP. Nhờ kế hoạch cơ bản đó đến năm 2012, NSNN đầu tư cho KH-CN của Hàn Quốc là 14 tỷ USD nhưng khu vực DN ngoài nhà nước đầu tư trên 40 tỷ (cộng lại tương đương 5% GDP) so với mục tiêu Hàn Quốc đề ra. Nếu đem con số này ra so sánh có thể thấy 12 tỷ USD bằng 15 lần ngân sách của Việt Nam hàng năm đầu tư cho KH-CN.
Xã hội hóa đầu tư cho KH-CN là chủ trươngđúng đắn và cần thiết. Trong ảnh: đại diện lãnh đạo Bộ KH-CN thăm công ty TNHH FC Hòa Lạc. (Ảnh: Mai Hà)
Hay tại các nước Châu Âu đang thực hiện Chiến lược phát triển KH-CN là hỗ trợ và liên kết giữa các cở sở nghiên cứu Viện, trường đại học với DN. Các nước này đề ra cơ chế “đổi mới mở” để hỗ trợ các DN không có năng lực thực hiện nghiên cứu triển khai, hấp thụ được các sáng kiến bên ngoài vào để thực hiện những mục tiêu đổi mới sản phẩm, khác so với “đổi mới đóng” trước đây là các DN tự phải làm chuyện đó. Hay như việc hỗ trợ DN vừa và nhỏ, gắn kết họ bằng “séc công nghệ”, đây là một cách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) sử dụng các kết quả nghiên cứu từ các Viện và các trường Đại học, đồng thời khuyến khích các Viện, trường đại học đưa các kết quả nghiên cứu đó vào DN. Trong “séc công nghệ” DN chỉ phải trả 25%, nhà nước hỗ trợ 75%, các Viện, trường muốn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đổi mới, DNVVN này sẽ được hưởng những hỗ trợ đó, nếu những ứng dụng đó không được thực hiện thì DN được trả lại 25%....
Hiện Chiến lược phát triển KH-CN đã đi được 1/3 chặng đường, đã có những cải cách thu chi ngân sách cho KH-CN thoát khỏi cơ chế “hành” là “chính”, có sự phát triển linh hoạt cho nguồn nhân lực KH-CN đặc biệt là nguồn nhân lực cao cũng như từng bước giải những bài toán về thu nhập và môi trường làm việc. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu mà Chiến lược đề ra thì vẫn còn nhiều vướng mắc mà ngành KH-CN Việt Nam cần giải quyết quyết liệt và triệt để để tạo điều kiện cho KH-CN trở thành một mũi nhọn trong phát triển kinh tế xã hội.
Mục tiêu mà Chiên lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đề ra đến năm 2020, KH-CN góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10 – 20%, thị trường khoa học và công nghệ tăng 15 – 17%/năm. Số lượng công bố quốc tế 15 – 20%/năm. Số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ tăng gấp 1,5 lần. Tổng đầu tư xã hội cho KH-CN đạt 1,5% GDP, mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH-CN không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Số cán bộ nghiên cứu KH-CN đạt 10-12 người/một vạn dân; đào tạo và sát hạch theo chuẩn quốc tế 5.000 kỹ sư đủ năng lực tham gia quản lý, điều hành dây chuyền sản xuất công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước.
Đến năm 2020, hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia đặt ra; 5.000 doanh nghiệp KH-CN; 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao...