Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Phóng sự ảnh Thứ sáu, 22/11/2024 , 04:10 am
Cập nhật : 22/03/2017 , 15:03(GMT +7)
WIPO cam tiếp tục hỗ trợ Việt Nam lĩnh vực SHTT

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết như trên tại lễ khai mạc Hội thảo “Đổi mới sáng tạo - Động lực để phát triển bền vững đất nước” diễn ra sáng nay 22/3 tại Hà Nội.

Việt Nam thúc đẩy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Nhận lời mời của Bộ KH&CN, Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 đến 23/03/2017. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương với WIPO đồng thời tranh thủ sự trợ giúp của WIPO trong các vấn đề về SHTT. Chuyến thăm lần này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh lĩnh vực SHTT trong thời gian tới, để SHTT thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry phát biểu tại Lễ khai mạc Hội thảo “Đổi mới sáng tạo - Động lực để phát triển bền vững đất nước”

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ KH&CN đã phối hợp với WIPO tổ chức Hội thảo “Đổi mới sáng tạo - Động lực để phát triển bền vững đất nước”. Hội thảo diễn ra với 2 chủ đề: “Khởi động Dự án IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ và “Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII)”. Hội thảo kỳ vọng sẽ trở thành một diễn đàn sôi nổi, thẳng thắn, cởi mở, góp phần tháo gỡ những khó khăn cho Việt Nam, kiến nghị các giải pháp phù hợp cho các vấn đề đang là điểm nóng hiện nay. 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ vui mừng khi nhận thấy sự tương đồng về chính sách phát triển mạng lưới IP-Hub của Việt Nam với mô hình “trục và nan hoa” của WIPO và mong những kinh nghiệm được chia sẻ từ các chuyên gia quốc tế đối với việc xây dựng mô hình này sẽ góp phần giúp Bộ KH&CN xây dựng các cách thức phù hợp triển khai mạng lưới các Trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tập trung mạnh mẽ hơn vào việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu triển khai, thúc đẩy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ, đặc biệt tài sản trí tuệ của các chủ thể Việt Nam. Chính phủ sẽ hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức KH&CN trong xác lập, bảo vệ và ứng dụng quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời, tạo ra các mạng lưới, hạ tầng giúp cho các chủ thể của quá trình có những định hướng và sự hỗ trợ thiết thực nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.

Tại Hội thảo, ông Francis Gurry cũng khẳng định, với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, WIPO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực mới này, bắt đầu bằng sự trợ giúp về phương pháp tính toán, xử lý số liệu và tư vấn giải pháp cải thiện các chỉ số đổi mới sáng tạo, cũng như vấn đề bảo hộ thực thi quyền SHTT toàn cầu. WIPO hiện đang cung cấp dịch vụ để có được quyền SHTT ở nhiều quốc gia và giải quyết tranh chấp. WIPO cũng cung cấp các chương trình xây dựng năng lực để giúp các nước đang phát triển hưởng lợi từ việc sử dụng SHTT và cho phép việc tiếp cận miễn phí các ngân hàng thông tin về SHTT.

Hội thảo về IP-Hub, từ ngày 22-24/03/2017 nhằm khởi động Dự án IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ, thông qua việc nâng cao năng lực và xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị liên quan trong việc phát triển, quản lý và thương mại hóa công nghệ bằng mô hình “trục và nan hoa”.

Bộ KH&CN đang xây dựng đề án thiết lập một mạng lưới các Trung tâm sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, hỗ trợ các thành viên mạng lưới tiếp cận với thông tin KH&CN chất lượng cao và các dịch vụ liên quan, khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo và xác lập, bảo vệ và ứng dụng quyền sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở đó, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đặc biệt của chủ đơn Việt Nam gia tăng, thắt chặt mối liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, đưa sở hữu trí tuệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Hiện đã có 28 viện nghiên cứu, trường đại học đồng ý tham gia vào mạng lưới IP-Hub với mục tiêu thành lập được các Trung tâm SHTT để xử lý tại chỗ các vấn đề liên quan đến SHTT. 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tiếp xã giao Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry

Hội thảo về Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII), từ ngày 21-22/03/2017 về chia sẻ ý nghĩa, phương pháp thu thập số liệu, tính toán các chỉ số đổi mới sáng tạo cũng như các  giải pháp nâng cao hiệu quả đổi mới sáng tạo và cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cho Việt Nam, góp phần thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. 

Hợp tác xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT

Kể từ khi gia nhập WIPO năm 1976, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ quý báu của WIPO trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT. Có thể khẳng định WIPO là đối tác đầu tiên và quan trọng nhất trong hợp tác quốc tế về SHTT của Việt Nam.

Đặc biệt, việc WIPO và Bộ KH&CN ký kết Bản ghi nhớ về việc xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam diễn ra sáng 22/3 có ý nghĩa đối với mối quan hệ hợp tác song phương giữa WIPO và Bộ KH&CN. Qua đó thiết lập một cơ chế hợp tác chính thức giữa hai Bên trong việc triển khai xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia cho Việt Nam, nhằm giải quyết các nhu cầu và ưu tiên cụ thể của đất nước trong cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, đồng thời thống nhất với chính sách phát triển và mục tiêu kinh tế chung của quốc gia.

Quy trình để xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về SHTT dự kiến gồm 8 bước: Tổ chức hội thảo tư vấn; Thành lập nhóm soạn thảo; Tiến hành rà soát văn bản; Thu thập thông tin; Tổ chức các cuộc họp tham vấn; Xây dựng bản dự thảo Chiến lược; Lấy ý kiến về bản dự thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược; Triển khai Chiến lược. 

Sau khi Bản ghi nhớ được ký kết, các chuyên gia quốc tế của WIPO sẽ sang Việt Nam để cùng phối hợp với nhóm chuyên gia trong nước khảo sát về thực trạng của sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, thảo luận và xây dựng các định hướng chiến lược về sở hữu trí tuệ, hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ. 

Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa WIPO và Bộ KH&CN về việc xây dựng Chiến lược quốc gia về SHTT của Việt Nam

Theo công bố mới nhất của WIPO về chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST), năm 2016, Việt Nam xếp thứ 59 trong tổng số 128 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng. Xác định vai trò quan trọng của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và hoạt động đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngày 06/02/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết đã xác định rõ Việt Nam cần “có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực”. 

Với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực mới này, bắt đầu bằng sự trợ giúp về phương pháp tính toán, xử lý số liệu và tư vấn giải pháp cải thiện các chỉ số đổi mới sáng tạo. Trong khuôn khổ chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của mình, Bộ Khoa học và công nghệ đã ban hành Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP (Quyết định số 289/QĐ-BKHCN ngày 24/2/2017). 

Nhóm PV

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner