Đề án khoa học xã hội cấp Nhà nước “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ” hoàn thành đã góp phần xây dựng cơ sở khoa học và khẳng định cơ sở pháp lý chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở vùng đất Nam Bộ. Đây cũng là sự kiện duy nhất thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn được bầu chọn tại mười sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2011.
Một đề án mang tính khoa học và thực tiễn cao
Đề án do GS.VS Phan Huy Lê làm chủ nhiệm, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam là cơ quan chủ trì được triển khai từ cuối năm 2007, nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, quá trình lịch sử và các đặc trưng kinh tế, xã hội, văn hoá vùng đất Nam Bộ của Việt Nam từ cội nguồn đến ngày nay.
Có thể nói, đề án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, trong đó chỉ ra Nam Bộ là vùng đất có lịch sử khai phá và phát triển đa tuyến với nhiều biến động và xáo trộn. Xét về phương diện văn hóa, theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, đây là một vùng trọng yếu đồng thời là vùng đất có vị trí giao thoa với quá trình tộc người hết sức đa dạng, phong phú và vô cùng phức tạp.
GS Phan Huy Lê- Chủ nhiệm đề án cho biết, cho đến nay đã có không ít những công trình nghiên cứu về Nam Bộ, tuy nhiên thực tế là những kết quả thu được chưa đáp ứng yêu cầu nhận thức khoa học về vùng đất này.
Xuất phát từ yêu cầu cần nghiên cứu, xây dựng một nhận thức toàn diện về vùng đất Nam Bộ, Bộ Khoa học và công nghệ đã xây dựng một đề án khoa học xã hội cấp nhà nước về “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ”.
Đề án khoa học xã hội cấp Nhà nước “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ” với 11 đề tài là công trình nghiên cứu tổng thể vùng đất Nam Bộ trong tiến trình lịch sử từ thời tiền sử đến ngày nay. Đề án nhằm khắc phục tình trạng nhận thức mơ hồ do thiếu thông tin khoa học của giới học giả, góp phần làm thất bại mọi luận điệu xuyên tạc có ý đồ xấu, khuyến nghị các giải pháp đưa kết quả nghiên cứu cơ bản về vùng Nam Bộ phục vụ việc hoạch định các chủ trương, chính sách đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của vùng đất này.
Bằng việc sử dụng đa dạng các phương pháp nghiên cứu, đề án đã làm sáng tỏ được nhiều vấn đề lịch sử mới. Với mục tiêu làm sáng rõ những đặc điểm chủ yếu của quá trình lịch sử cùng những điều kiện địa lý tự nhiên, cư dân, văn hóa, kinh tế-xã hội vùng Nam Bộ và tác động của chúng đối với việc thực hiện các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, đối ngoại và phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cũng như tổng hợp, hệ thống hóa và xã hội hóa các kết quả nghiên cứu vùng Nam Bộ nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân khắc phục tình trạng nhận thức mơ hồ do thiếu thông tin khoa học của giới học giả, đồng thời góp phần làm thất bại mọi luận điệu xuyên tạc có ý đồ xấu...
Đề án đòi hỏi phải trên cơ sở nghiên cứu khoa học toàn diện, tổng hợp các kết quả nghiên cứu đã đạt được, cung cấp cứ liệu khoa học có sức thuyết phục, giải quyết hai yêu cầu về mặt thực tiễn: Xã hội hóa bằng cách công bố các kết quả nghiên cứu và biên soạn các tài liệu tuyên truyền mang tính phổ cập, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân, từng bước xây dựng hiểu biết khoa học về lịch sử và văn hóa vùng Nam Bộ, trang bị cho cán bộ và nhân dân những tri thức cần thiết để tạo ra khả năng tự đề kháng chống lại các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của những phần tử có ý đồ xấu về vùng đất Nam Bộ liên quan đến lãnh thổ toàn vẹn và chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Đưa ra một số khuyến nghị góp phần cung cấp cứ liệu khoa học trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách phục vụ sự phát triển bền vững của vùng đất Nam Bộ, đề phòng và ngăn ngừa hay xử lý những vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng của vùng đất cửa ngõ phương Nam của đất nước, GS.VS Phan Huy Lê chia sẻ.
Tập đại thành về vùng đất Nam Bộ
GS. Phan Huy Lê cho biết, sản phẩm của giai đoạn này là tập báo cáo tổng hợp khoảng 2.000 trang khổ A4, dự kiến xuất bản để phục vụ rộng rãi các kết quả nghiên cứu của đề án đến đông đảo các nhà nghiên cứu và quần chúng nhân dân. Đây là tập đại thành của toàn bộ Đề án.
Đề án đã huy động một lực lượng đông đảo các nhà khoa học trong nước tại các Đại học, Viện, trung tâm nghiên cứu lớn như ĐHQG HN, ĐHQG Tp HCM, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các nhà quản lý về nội dung kiến nghị của toàn bộ đề án về vấn đề lịch sử chủ quyền cũng như xu hướng phát triển của Nam Bộ trong tương lai, những dự báo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với vùng; Các cộng tác viên tham gia phản biện các chuyên đề, viết chuyên đề độc lập, viết bài tham dự hội thảo, đến trên 100 người.
Khoảng 5.300 trang văn bản, hơn 5.000 đầu tư liệu tham khảo về Nam Bộ đã được đề án tiến hành triển khai sưu tập. Đây là cơ sở để đề án có thể triển khai đánh giá kết quả những nghiên cứu đã đạt được, đồng thời phát hiện những khoảng trống trong nghiên cứu cần được lấp đầy.
Chủ nhiệm đề tài “Nam Bộ từ cội nguồn đến thế kỷ VII” (là một trong chuỗi đề tài thuộc Đề án)- GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, trách nhiệm và yêu cầu hàng đầu của đề án cũng như các đề tài là triển khai nghiên cứu khoa học một cách hết sức khách quan, trung thực và kết quả nghiên cứu nghiên cứu đó là cơ sở khoa học để phục vụ yêu cầu thực tiễn.
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, nhận thức khoa học đầy đủ về quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Nam Bộ để phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững đang trở thành một nhu cầu bức thiết. Đề án đã giải quyết những nhiệm vụ cực kỳ khó, trọng yếu về nhận thức; đưa ra bức tranh mới, phản ánh một nhận thức mới về vùng đất có ý nghĩa quan trọng. GS Vũ Minh Gianh nhấn mạnh, những nghiên cứu sâu sắc về vùng đất này sẽ giúp nâng cao nhận thức khoa học, góp phần hiểu sâu sắc về một không gian văn hóa đặc sắc của Đông Nam Á và góp phần giữ vững chủ quyền đất nước, bởi trong suốt hơn ba thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử, nhiều thế hệ người Việt Nam (với ý nghĩa cộng đồng cư dân đa dân tộc) đã đổ biết bao công sức để dựng xây và bảo vệ vùng đất Nam Bộ. Chính vì thế mà đối với mỗi người dân Việt Nam, Nam Bộ không đơn thuần chỉ là vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà cao hơn thế, còn là vùng đất của những giá trị thiêng liêng.
Trần Hồng