Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Giải thưởng báo chí về KH&CN Thứ bảy, 21/12/2024 , 10:40 pm
Cập nhật : 06/01/2013 , 15:01(GMT +7)
Vui - buồn số phận các sáng chế (Bài cuối): Xã hội hóa, hướng đi tất yếu
Không quá lời khi ví quá trình hình thành ý tưởng, thử nghiệm với bao phen thất bại, thành công của nhà sáng chế như một lần “vượt cạn”. Hàng chục, thậm chí hàng trăm lần thử nghiệm mà “đứa con” chưa hình thành, có khi họ còn đối mặt với thái độ hoài nghi của những người xung quanh. Vất vả là thế nhưng khi sáng chế thành công, không phải khó khăn đã hết…

Tuy nhiên, việc xã hội hóa cũng phải được tiến hành rất thận trọng.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Hồng Quất, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) xung quanh vấn đề này. Ông Quất cho biết:

Chúng ta phải khơi dậy được sự tự tin của nhà sáng chế và khuyến khích họ chia sẻ với cộng đồng. Thực tế là đa số nhà sáng chế muốn giữ “con riêng” cho mình. Có mâu thuẫn giữa cái muốn và không muốn: muốn được đầu tư và thương mại hóa nhưng sợ người khác ăn cắp sáng chế của mình, vì với cơ chế hiện tại, việc ăn cắp không khó. Cá nhân tôi thấy các nhà sáng chế miền Bắc còn cởi mở hơn miền Nam. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng lại dựa trên thực tế là ở phía Nam người ta đã xây dựng được sàn giao dịch sáng chế: có thể mua đứt bán đoạn, hoặc đầu tư theo giai đoạn, hoặc cùng làm cùng hưởng lợi nhuận. Số lượng sáng chế của miền Nam gấp 3 lần miền Bắc, mức độ cởi mở, chia sẻ sáng chế thì miền Bắc lại gấp 3 lần miền Nam. Con số này gợi nhiều suy ngẫm.

Cái khó nữa là sự khác nhau giữa cách tiếp cận của nhà sáng chế và nhà đầu tư. Hai luồng tư tưởng rất khác biệt. Nhà đầu tư tính toán đến chi phí, khả năng thu lợi, khai thác như thế nào trong khi nhà sáng chế lại nghĩ đến việc làm thế nào để sáng chế vươn cao vươn xa. Chưa kể suy nghĩ chung của các nhà sáng chế là ai cũng cho rằng “đứa con” của mình là số 1. Tôi đã gặp một nhà sáng chế ra phương pháp tiết kiệm xăng, anh ta cho rằng sáng chế của mình có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng/năm nên ai muốn khai thác phải trả số tiền ban đầu là 5 tỷ đồng. Sau đó, nếu nhà đầu tư đồng ý hợp tác, sẽ đóng góp cổ phần theo kiểu 30/70, rồi chia lợi nhuận. Như vậy, chưa biết lời lãi ra sao, nhà đầu tư đã phải đối mặt với nhiều điều kiện và cái “Tôi’ rất lớn của nhà sáng chế. Chúng tôi, với tư cách là đơn vị trung gian, tư vấn, thực sự rất khó xử. Công việc của chúng tôi xét cho cùng là tìm được điểm chung của hai luồng tư tưởng ấy. Và trên thực tế, công việc này khó vô cùng.

Hiện, trong số các dự án chúng tôi đã xúc tiến, có khoảng 30% khả thi. Như vậy, với 10 sáng chế, có 3 công trình được quan tâm và khoảng 2 công trình được kết nối thành công. Con số này tưởng nhỏ nhưng so với kho sáng chế hàng triệu công trình thì không nhỏ. Chúng ta nên vui vì tỷ lệ tương tự của thế giới cũng chỉ khoảng 15%. Với những sáng chế đầu tiên này, hy vọng sẽ thành công để nhà sáng chế được “trả công” xứng đáng và nhà đầu tư yên tâm hơn với vai trò trung gian uy tín của chúng tôi.

Nhiều nhà sáng chế hiện công tác trong các viện, trung tâm…, rất mệt mỏi với việc hoàn thành các loại thủ tục, giấy tờ và chờ đợi để được nhận kinh phí hỗ trợ, ông nghĩ sao về thực tế này?

Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ có thể ủng hộ các đề tài nghiên cứu ở dạng phôi thai, từ ý tưởng biến thành giải pháp, cùng lắm là từ giải pháp thành mô hình. Giai đoạn thử nghiệm để đưa ra sản xuất đại trà, Bộ không thể với tay tới. Giai đoạn này là vai trò của nhà đầu tư. Chúng tôi xuất hiện để kết nối với nhà đầu tư trên quan điểm các bên cùng có lợi.

Ông có đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Phi Anh, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ rằng, những sáng chế hay phải nằm trong kho, giống như việc mình sinh ra một đứa con rất thông minh mà không biết cho nó học ngành nghề gì?

Xin thưa, không chỉ con của mình, con của thiên hạ có những đứa giỏi hơn nhiều. Tất cả đều đang rất lãng phí. Những nước phát triển và đang phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia,… đều rất khôn ngoan trong việc tận dụng những đứa con giỏi giang của thiên hạ.

Chúng tôi nhận thức rất rõ sự nhức nhối này và vẫn tiếp tục công việc tiếp theo của Chương trình 68 về sở hữu trí tuệ. Nhiều chương trình mới của Bộ như phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng đều gắn với kho sở hữu trí tuệ. Giờ đây, gần 40 triệu bản sáng chế vẫn nằm trong kho. Khối tài sản khổng lồ đang nằm một chỗ. Chúng ta khơi dậy được kho vàng này sẽ phát triển bền vững mà không phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên đất đai, khoáng sản… những tài nguyên hữu hạn.

Thưa ông, ngay như cuộc thi chế bạo rô bốt (Robocon) của chúng ta cũng cho thấy sự kém mặn mà của các bên với việc sáng chế: các trường từng giành giải cao không còn quan tâm nhiều, thậm chí không tham gia sân chơi này; sinh viên cũng không ham mê nghiên cứu,… Tình trạng này có đáng lo ngại?

Mới đây, tôi có dịp trò chuyện với một vị lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời gian trước, trường này là cái tên sáng giá của sân chơi Robocon, và cũng chính họ là trường đầu tiên trong những trường dẫn đầu không cử đội tham gia nữa. Có thể quan điểm của họ về vấn đề này đã khác. Họ tham gia, đoạt giải thưởng, cái tiếp sau là gì? Nhiều cá nhân từng tham gia sân chơi này nay đã thành những ông chủ đích thực về công nghệ, nhưng họ thành công là nhờ có các quỹ của nước ngoài đầu tư. Vấn đề này chúng ta phải xem xét. Nên chăng phải có quỹ, phải xem đến giai đoạn hậu của cuộc thi.

Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quỹ đổi mới công nghệ trị giá 1.000 tỷ đồng. Một trong những nhiệm vụ của quỹ này là hỗ trợ nhóm nghiên cứu mạnh, người có nhiều tiềm năng với tham vọng tạo được lực lượng mũi nhọn về công nghệ cho đất nước.

Việc tiếp cận quỹ này có khó khăn không, thưa ông?

Theo quan điểm của tôi, quỹ này sẽ được vận hành như những quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế. Như vậy, nó rất mở với những trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, hiện có xu hướng đầu tư rất nở rộ, cao trào: một người có sáng chế hay, có thể kêu gọi anh em bạn bè cùng góp vốn để biến thành hiện thực và chia lợi nhuận theo cổ phần. Cách làm này sẽ huy động được phần nào vốn nhàn rỗi trong dân. Tôi tin vào hướng đi này trong thời điểm bất động sản và chứng khoán đều không mang lại lợi nhuận như mong đợi. Tuy nhiên, phải có cơ quan trung gian để kết nối và đảm bảo tính an toàn cho đồng vốn.

Bản chất của việc các sáng chế không/chưa được đầu tư có phải do chi phí quá lớn?

Theo tôi, cốt lõi nhất vẫn là vấn đề sở hữu trí tuệ. Nhà sáng chế phải có độc quyền. Đó là cơ sở để nhà đầu tư cởi mở và quan tâm nhiều hơn tới các sáng chế đã được cấp chứng chỉ vì lợi ích sẽ được đảm bảo. Ai cũng sợ mạo hiểm khi cái mình làm ra có thể vài hôm sau đã thấy xuất hiện trên thị trường, giá cạnh tranh hơn. Việc bảo hộ cũng phải phân nhóm. Với sáng chế định hướng khác, với sáng kiến mang tính lợi ích cộng đồng và không phải độc quyền của ai thì lại xử lý theo hướng khác.

Cá nhân ông thấy vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc kết nối tạo điều kiện cho nhà sáng chế và nhà đầu tư đến nay đã như mong đợi chưa?

Hiện, Bộ vẫn đang nỗ lực làm công việc này. Đến nay, chúng ta cũng có những tín hiệu tốt. Tuy nhiên, đánh giá kết quả tổng thể thì có lẽ phải cần thêm thời gian. Thông qua chương trình Sáng tạo Việt chúng tôi làm cùng Công ty Truyền thông Trường Thành, đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hàng trăm cuộc điện thoại đã gọi đến. Các đơn vị hậu cần - một chuỗi đơn vị - bắt đầu vận hành để phục vụ cho việc kết nối nhà sáng chế và nhà đầu tư. Viện Định giá đánh giá công nghệ, Viện Thẩm định, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ,… đều vào cuộc theo chỉ đạo của Bộ. Tôi nghĩ, trong quá trình này, vai trò của Nhà nước chỉ là thứ yếu, xã hội hóa mới là hướng đi thích hợp. Lợi ích sẽ được gắn liền cho từng đơn vị, theo từng dự án. Khi nào việc kết nối này thành một ngành nghề có lợi nhuận thực sự, khi ấy các sáng chế càng được đánh thức nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên xem lại đội ngũ hiện thời, mà theo tôi, có phần chưa ổn. Cụ thể, những người không hiểu hoặc nắm không rõ về công nghệ, về sở hữu trí tuệ lại đi làm công việc xúc tiến phát triển công nghệ và kết nối nhà sáng chế với nhà đầu tư. Đội ngũ này, nên hiểu là “cò” công nghệ chứ không phải là một thành phần, một khâu trọng yếu của quá trình quan trọng đã nói ở trên. Thời gian tới, chúng ta nên thu hẹp để đội ngũ này “tinh” hơn và cấp chứng chỉ, chứng nhận cho những đơn vị đạt yêu cầu. Việc này tưởng như thắt chặt nhưng cốt lõi lại là khuyến khích sự thi đua thực chất cho đội ngũ này. Xã hội hóa bề rộng sẽ cào bằng và xóa nhòa lợi ích thực sự, làm mất động lực phát triển.

Khi cơ chế sẵn sàng, chúng ta lấy nguồn nhân lực này ở đâu, thưa ông?

Chúng ta có đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, lực lượng ở văn phòng tư vấn, văn phòng nước ngoài. Chúng ta sẽ quy tụ đội ngũ này làm hạt nhân và nhân lực lượng lên từ những hạt nhân đó.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguồn tin: Kinh tế nông thôn

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner