Không quá lời khi ví quá trình hình thành ý tưởng, thử nghiệm với bao phen thất bại, thành công của nhà sáng chế như một lần “vượt cạn”. Hàng chục, thậm chí hàng trăm lần thử nghiệm mà “đứa con” chưa hình thành, có khi họ còn đối mặt với thái độ hoài nghi của những người xung quanh. Vất vả là thế nhưng khi sáng chế thành công, không phải khó khăn đã hết…
Bảy năm và lời hứa 3,2 tỷ đồng
TS. Nguyễn Thế Hùng hiện công tác tại Viện Vật lý (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam). Từ năm 2005, ông và cộng sự bắt đầu quan tâm và nghiên cứu để sản xuất loại gỗ làm từ trấu. Với tham vọng sử dụng được sản phẩm phụ của ngành nông nghiệp, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, TS. Hùng đã “vào cuộc” bằng tất cả sự nhiệt tình, tâm huyết.
Theo ông Hùng, mỗi năm nước ta thải ra hơn 8 triệu tấn trấu; một phần rất nhỏ trong số đó được sử dụng cho các mục đích tái chế hoặc đun nấu, còn lại thải ra môi trường. Chưa nói đến hiệu quả kinh tế, nếu tái chế thành công, lượng trấu khổng lồ ấy sẽ được thu gom xử lý, chúng ta tránh được nhiều hệ lụy xấu đến môi trường. Ngay từ khi bắt tay vào dự án, ông Hùng và cộng sự đã về rất nhiều vùng nông thôn để thăm dò nguồn nguyên liệu, kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để “nuôi” ý tưởng có phần… điên rồ của mình. Về công nghệ chế biến gỗ từ các nguồn rác, vật liệu thải, trên thế giới không phải là chưa có tiền lệ. Đây là lần đầu tiên sử dụng nguyên liệu trấu nên cả đội ngũ gặp không ít khó khăn, qua nhiều lần thử nghiệm thất bại. Cả nhóm phải lo chế tạo máy móc, tìm vật liệu kết nối, xây dựng nhà xưởng,…
Quan trọng hơn, do phải tự chủ về kinh phí nên ông Hùng không ít lần định bỏ cuộc. “Tôi và anh em cứ chạy ngược chạy xuôi tìm các dự án nhỏ, ngắn hạn để “nuôi” dự án này. Nhiều lúc mệt mỏi, muốn bỏ cuộc, nhưng chính sự miệt mài đeo đuổi của mọi người đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Có lần, tôi và những người bạn ngồi bên nhau ngày Tết. Tôi chia sẻ với họ những khó khăn, trăn trở khi đeo đuổi sáng chế này. Họ biết tôi đã cạn tiền, bảo nhau cùng đóng góp để giúp đỡ, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục nghiên cứu…”, ông Hùng chia sẻ.
Sau vài năm, dự án sản xuất gỗ từ trấu đã cơ bản xong giai đoạn nghiên cứu và được sản xuất thử. Những phiến gỗ đầu tiên ra đời trong sự vui mừng tột độ của mọi người. Theo ông Hùng, sau khi kiểm tra, gỗ trấu có độ nén, độ chống nước tốt hơn gỗ tự nhiên, không bị mối mọt. Với giá bán khoảng 1.200 USD/tấn, sáng chế hứa hẹn sẽ là bước ngoặt không chỉ với cá nhân ông Hùng. Tuy nhiên, mọi chuyện đã không “thuận” như kỳ vọng.
Mấy năm trời kể từ khi phiến gỗ đầu tiên ra đời, ông Hùng không tìm được bất cứ nhà tài trợ hay doanh nghiệp nào đủ “mạo hiểm” tham gia dự án để mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2010, cuộc giao ban vùng của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ở Trà Vinh, có sự tham gia của Thứ trưởng Nguyễn Quân (nay là Bộ trưởng), ông Hùng – dù không được mời, vẫn mang theo mấy phiến gỗ trấu bay vào tham dự. Không được đọc tham luận, không có cơ hội trình bày ý tưởng tâm huyết, ông Hùng chỉ có thể tranh thủ gặp thứ trưởng mấy phút trong giờ giải lao. Nhìn mô hình một ngôi nhà bằng gỗ trưng bày bên hành lang hội nghị, không ai để ý và ngạc nhiên cho đến khi ông Hùng cho biết vật liệu để làm loại gỗ này là trấu. Cơ hội vàng tưởng như đã đến với ông, thứ trưởng hứa xem xét sáng chế này và tạo điều kiện để ông và cộng sự tiếp tục. Về Hà Nội, ông Hùng mất mấy tháng trời hoàn thiện hàng chục loại hồ sơ, giấy tờ theo đúng quy định để được nhận khoản kinh phí hoàn thiện công nghệ và máy móc. 3,2 tỷ đồng đã được “hứa” dành cho ông nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được.
Khôn ngoan không lại với... cơ hội
Các nhà sáng chế thừa nhận, những phát minh từ tâm huyết của mình – đứa con thực sự do mình sinh ra, có giá trị hay không cũng không nhiều ý nghĩa bằng việc nó có được cơ hội thành hiện thực. Ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Truyền thông Trường Thành, đơn vị đã có công “kết nối” nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với các sáng chế và tạo điều kiện cho nó đi vào đời sống thông qua chương trình Sáng tạo Việt cho biết: “Chúng tôi xây dựng chương trình Sáng tạo Việt với mong muốn sẽ đi sâu vào khai thác, phát triển các nguồn lực trí tuệ về sáng chế/giải pháp công nghệ của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các nhà khoa học, tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên khắp mọi miền Tổ quốc. Qua đó, nỗ lực tìm ra giải pháp tối ưu để ứng dụng các công trình này vào cuộc sống và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời điểm này, chúng tôi đã giúp đưa hàng chục sáng chế đến với người dân, doanh nghiệp, nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm đã được kết nối nhưng phía các nhà đầu tư chưa chính thức tham gia vào bất cứ dự án nào. Nói gì thì nói, trong thời điểm kinh tế khó khăn, việc bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư cho một sáng chế thành hiện thực sẽ không hấp dẫn bằng kênh đầu tư nhìn thấy lợi nhuận trước mắt”.
Chung quan điểm này, ông Nguyễn Phi Anh, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ bày tỏ quan điểm: “Tâm lý chung là khi chúng ta sinh ra một đứa con, ai cũng mong nó gặp được môi trường phù hợp để phát triển đúng hướng và thuận lợi nhất. Chúng ta phải thừa nhận một thực tế là, các sáng kiến chỉ phù hợp với điều kiện, môi trường cụ thể nên cái khó nhất trong quá trình đánh thức tiềm năng từ các sáng chế là tìm được nhà đầu tư phù hợp. Vướng mắc lớn nhất, theo tôi do hai nguyên nhân: thứ nhất, có thể một phần quy trình tạo ra sáng chế có khâu nào đó chưa ổn nên chưa thể ứng dụng trên diện rộng; thứ hai, để biến sáng chế thành công nghệ thực tế thì giá quá đắt, khó tìm được nhà đầu tư. Sáng chế hay không được sử dụng cũng buồn như ta có một đứa con thông minh mà chưa biết cho nó học ngành gì”.
TS. Phạm Hồng Quất, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) lo ngại, trong số hơn 33 triệu bản sáng chế đang nằm trong kho của Cục Sở hữu trí tuệ, không ít sáng chế sắp hết thời gian bảo hộ mà vẫn chưa được khai thác, sử dụng. “Kho vàng” này có được đánh thức hay không và được đánh thức như thế nào còn trông đợi vào nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò then chốt.
Trên thực tế, nhiều sáng chế hay, thiết thực của chính những người nông dân đã nhanh chóng đi vào đời sống như máy thái cỏ voi, máy hút sâu trên cây chè, máy chẻ nứa thành nan, chế biến phân vi sinh từ rác thải,… Hầu hết các sáng chế này có giá thành khá… rẻ. Còn với trường hợp TS. Hùng, sáng chế phải mất hàng triệu đôla Mỹ mới có thể đi vào đời sống, thì ngay cả khi số tiền 3,2 tỷ đồng đến với ông và nhóm cộng sự, họ cũng chỉ có thể hoàn thiện công nghệ và máy móc. Những bước đi sau đó, đương nhiên lại cần thêm kinh phí!
Ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thừa nhận, một sáng chế hay nhất không đồng nghĩa với việc nó sẽ rút ngắn được chặng đường hiện thực hóa hơn những sáng chế khác. Đôi khi chính sự nỗ lực tìm kiếm đối tác và cái “duyên” của sáng chế lại giúp nó tìm được “bà đỡ” mát tay. Chúng tôi ví việc này như đứa trẻ khôn ngoan không bằng đứa có nhiều cơ hội. Thực tế này buồn, nhưng hiện đang tồn tại!