“Với người nghiên cứu toán, quan trọng nhất là phải có lửa đam mê. Con đường đến với nghiên cứu toán rất tình cờ nhưng sự tình cờ đó đã đưa tôi đến sự say mê, yêu thích”. Đó là chia sẻ của TS. Lê Quý Thường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - một trong 8 nhà khoa học có công trình vinh dự được đề cử tại Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019.
Chia sẻ về công trình: “Các chứng minh của giả thiết đồng nhất tích phân trên trường đóng đại số” - một trong những đề cử cho tác giả của công trình khoa học xuất sắc, TS. Lê Quý Thường cho biết, công trình này đã được đăng trên tạp chí Duke Mathematical Journal - một trong những tạp chí uy tín của Mỹ. Đây là một tạp chí toán học xếp thứ 5 trên 420 tạp chí thuộc lĩnh vực toán học.
Công trình có giá trị cao về khoa học và có tầm quan trọng bậc nhất đối với sự ra đời và phát triển của Lý thuyết bất biến Donaldson-Thomas motivic cho các đa tạp Calabi-Yau không giao hoán ba chiều. Lý thuyết bất biến Donalson-Thomas là một trong những hòn đá tảng của Hình học đại số và Vật lý toán hiện đại, được hai nhà toán học người Anh Simon Donaldson và Richard Thomas xây dựng năm 1998, phát triển rực rỡ tại các trung tâm Toán học lớn ở Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Nhật Bản....
Năm 2008, Maxim Kontsevich và Yan Soibelman giới thiệu Lý thuyết bất biến Donaldson-Thomas motivic cho các đa tạp Calabi-Yau không giao hoán ba chiều, kế thừa nền tảng của Donaldson-Thomas trên cơ sở tích phân motivic. Công việc của Kontsevich và Soibelman đã mở ra một hướng nghiên cứu quan trọng với hơn 500 công trình khoa học chất lượng sau 10 năm phát triển.
Điểm đáng chú ý là sự tồn tại của đối tượng nghiên cứu (bất biến Donaldson-Thomas motivic) phụ thuộc vào Giả thuyết đồng nhất tích phân - một dự đoán được đề xuất bởi Kontsevich và Soibelman - chưa được chứng minh lúc đó (2008). Kontsevich và Soibelman tạm thời thừa nhận giả thuyết để cùng với nhiều nhà toán học khác phát triển Lý thuyết bất biến Donaldson-Thomas motivic thành một lý thuyết đồ sộ. Một trong hai tác giả chính, Maxim Kontsevich, là một nhân vật kiệt xuất của toán học đương đại, ông được nhận Giải thưởng Fields năm 1998. Nếu Giả thuyết đồng nhất tích phân sai, toàn bộ Lý thuyết bất biến Donaldson-Thomas motivic sẽ sụp đổ! Vì vậy chứng minh Giả thuyết đồng nhất tích phân đúng hoặc chứng minh nó sai là một nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt. May mắn, công trình Proofs of the integral identity conjecture over algebraically closed fieldsđã chỉ ra sự đúng đắn của giả thuyết này.
Theo TS. Lê Quý Thường, công trình được tác giả bắt đầu từ 8/2009 và hoàn thành vào cuối năm 2012. Cho đến hiện tại, sau nhiều năm xuất bản, công trình đã dần hoàn thiện và được trích dẫn 23 lần theo phương pháp Google Scholar (Phương pháp tìm kiếm các tài liệu mang tính học thuật trên quy mô rộng) và 10 lần theo Mathscinet (ghi nhận trích dẫn của những bài báo đã xuất bản). Đây là những chỉ số trích dẫn cao trong các chuyên ngành Hình học đại số và Vật lý toán, thuộc lĩnh vực Toán học. Phần lớn nội dung công trình của TS Lê Quý Thường là một phần trong Luận án Tiến sĩ về giả thuyết đồng nhất tích phân của ông. Sau khi bảo vệ thành công luận án, TS. Lê Quý Thường đã bổ sung thêm một số chứng minh quan trọng vào công trình.
TS. Lê Quý Thường chia sẻ, toán học luôn là một “môn thể thao trí tuệ”, nó có sức hút lớn khiến tôi có thể nghiên cứu, tìm hiểu ở mọi lúc mọi nơi. Với người nghiên cứu toán, quan trọng nhất là phải có lửa đam mê. Con đường đến với nghiên cứu toán rất tình cờ nhưng sự tình cờ đó đã đưa tôi đến sự say mê, yêu thích”.
Chính vì niềm đam mê nghiên cứu về lĩnh vực toán học, TS. Lê Quý Thường luôn tìm đến các trung tâm toán học của Việt Nam để quảng bá cho các bạn trẻ, những người nghiên cứu mới về toán học và cả về công trình nghiên cứu của ông. TS đã giải thích cho họ hiểu ý nghĩa và sự tồn tại của những lý thuyết quan trọng trong toán học. Nhờ vậy, đến nay ông có rất nhiều học trò là các bạn trẻ đam mê toán học tìm đến để cùng trao đổi về những vấn đề lớn trong lĩnh vực toán học. Bên cạnh đó, ông cũng cùng đồng nghiệp thường xuyên trao đổi, mở các lớp giảng dạy để tạo sự lan rộng về những lý thuyết mới trong toán học và công trình nghiên cứu của mình.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ KH&CN tổ chức hằng năm, nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả công bố xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật; góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế...
Sau khi đánh giá hồ sơ tại các Hội đồng Khoa học chuyên ngành, có 8 hồ sơ được hội đồng ngành đề cử, xem xét tại Hội đồng Giải thưởng năm nay, gồm: 6 hồ sơ đề cử cho tác giả của công trình khoa học xuất sắc (giải chính) và 2 hồ sơ đề cử cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) là tác giả của công trình khoa học xuất sắc (giải trẻ). Các đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 thuộc các ngành Toán học, Vật lý, Khoa học trái đất và môi trường, Cơ học, Khoa học sự sống - Y sinh Dược học.
Giải thưởng dự kiến sẽ trao vào dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
|
Diệu Huyền