Những năm qua, hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ (CGCN) tại Vĩnh Phúc đã có những bước tiến đáng kể. Trung bình mỗi năm, Vĩnh Phúc triển khai 80 – 100 đề tài cấp tỉnh nghiên cứu các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào đời sống, sản xuất. Khoa học và công nghệ (KH&CN) đóng góp 33,3% vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh bình quân hàng năm (RGDP).
Bên cạnh những thành tựu cũng còn một số hạn chế cần sớm được khắc phục như tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp chưa cao, việc ứng dụng và xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần đẩy mạnh hơn nữa để tạo ra đột phá trong năng suất, chất lượng,…
KH&CN đóng góp 33,3% vào RGDP
Ông Bùi Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở KH&CN Vĩnh Phúc cho biết, trung bình mỗi năm, Vĩnh Phúc triển khai 80 – 100 đề tài cấp tỉnh nghiên cứu các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào đời sống và sản xuất. Các đề tài nghiên cứu đều bám sát định hướng phát triển của ngành KHCN, được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả nghiên cứu đã phân tích, làm rõ và đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề phát sinh trong đời sống thực tiễn, cung cấp, bổ sung nhiều luận cứ khoa học trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Nhiều kết quả nghiên cứu được nhân rộng trong sản xuất, đời sống.
Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, đã tuyển chọn được các bộ giống phù hợp như KD18, Q5, lúa lai Bồi Tạp Sơn Thanh, TH3-3, HT1,… Đến nay, tỉ lệ diện tích sử dụng giống tốt, giống lai cho năng suất cao đạt trên 90%. Đã lựa chọn được giống lúa nếp BN4, BN15,… và các giống lúa có khả năng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương như Hoa ưu 109, NB-01, LCH33,… phù hợp với vùng núi, vùng đất nghèo dinh dưỡng như ở huyện Lập Thạch. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt, năng suất lúa tăng mạnh, xây dựng được các mô hình sản xuất hàng hóa như khoai tây giống Atlantic, Sinora, mô hình cà chua ghép trái vụ,...; nghiên cứu, phát triển các giống bưởi đặc sản, chất lượng cao (bưởi diễn, Da xanh) để sản xuất hàng hóa.
Bên cạnh đó, chú trọng đến các giống vật nuôi thích hợp với điều kiện của vùng và cho giá trị kinh tế như lợn ngoại lai, siêu nạc, lợn rừng; bê sữa, bò lai Sind; gà Ross; cá tầm, cá hồi, cá lăng, cá anh vũ;… Đẩy mạnh công tác xây dựng, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm truyền thống của tỉnh như cá Thính Lập Thạch, Ba kích, Trà hoa vàng,…; triển khai mô hình nhà kính công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp,…
Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông, đã xây dựng các mô hình nhà ở phù hợp, quy hoạch thị trấn, thị tứ, đáp ứng quá trình đô thị hóa của tỉnh; đề xuất được các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng quy hoạch treo. Triển khai ứng dụng các phần mềm tự động phân tích, thiết kế kết cấu không gian bê tông cốt thép áp dụng cho các đơn vị tư vấn, quản lý. Ứng dụng các vật liệu mới như Carboncor Asphalt trong làm đường giao thông và các thiết bị giám sát hành trình các tuyến xe; ứng dụng công nghệ Neoweb trong thi công các công trình đập, kênh có hiệu quả tốt. Đã triển khai công nghệ GIS vào quản lý lưới điện, quản lý các cơ sở tiểu thủ công nghiệp; ứng dụng một số mô hình tự động hóa và kỹ thuật số hóa điều khiển máy cắt, máy hàn đảm bảo chất lượng cao;…
Với việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN, hạ tầng giao thông của tỉnh phát triển mạnh; các tuyến đường vành đai, hướng tâm, đường qua các khu công nghiệp, tuyến đường quan trọng qua các địa phương được cải tạo, nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới. Hạ tầng điện được phát triển rộng khắp, 100% các xã được phủ lưới điện quốc gia, 99,8% dân số được dùng điện lưới. Hệ thống cấp, thoát nước được đầu tư đảm bảo cấp nước cho đô thị, thị trấn, huyện. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn khảo sát UB KH, CN và Môi trường Quốc hội với tỉnh tháng 3/2017
Gỡ khó trong hoạt động chuyển giao công nghệ
Liên quan đến hoạt động CGCN, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bùi Hữu Hưng cho biết, hoạt động này được thực hiện chủ yếu tại các doanh nghiệp sản xuất, diễn ra theo hình thức không bắt buộc phải đăng ký. Vì vậy, có những hợp đồng CGCN được Sở KH&CN cấp giấy chứng nhận và có cả những hợp đồng CGCN không được cấp giấy chứng nhận. Hiện các hợp đồng đăng ký CGCN tập trung vào các lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, phanh, sơn,…
Các hoạt động CGCN giữa các đơn vị là thường xuyên, tùy theo mức độ khác nhau từ đào tạo, hướng dẫn sử dụng thiết bị, bí quyết trong sản xuất đến mua bán toàn bộ dây chuyền công nghệ. Tuy nhiên, hiện còn khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát và đánh giá công nghệ trong công tác quản lý Nhà nước, ông Hưng nói.
Theo ông Phan Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở KH&CN, các văn bản quy định về thẩm định công nghệ các dự án đầu tư đã cơ bản đầy đủ, Luật KH&CN năm 2013 quy định rất rõ và chi tiết việc thẩm định công nghệ các dự án đầu tư tại Khoản 2, Điều 46; Thông tư 03/2016/TT-BKHCN; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công bố 2 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở KH&CN. Mục đích của việc thẩm định công nghệ các dự án đầu tư nhằm ngăn chặn các công nghệ lạc hậu, hoặc công nghệ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gây lãng phí về tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nhiều nguyên liệu, năng lượng,… làm giảm hiệu quả đầu tư và không tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Từ đó, đề xuất với các cơ quan trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời cũng là cơ sở dữ liệu để theo dõi, quản lý về công nghệ khi dự án đi vào hoạt động.
Vĩnh Phúc đã tiến hành đánh giá trình độ công nghệ cho các nhóm doanh nghiệp về cơ khí, nhiệt - điện tử, xây dựng, giày da, dệt may, nông nghiệp,… và một số nhóm ngành khác. Tỉnh đã kiểm soát được việc ô nhiễm môi trường từ các công nghệ. “Về cơ bản, đã ngăn chặn được một số các công nghệ lạc hậu hoặc yêu cầu giải trình rõ các công nghệ để chúng tôi xem xét, báo cáo UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Hiện nay, chưa có những phản ánh về những công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường”, ông Vinh nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì, những năm qua, lĩnh vực KH&CN luôn được tỉnh quan tâm về tổ chức bộ máy, kinh phí sự nghiệp, trang thiết bị, cơ sở vật chất dành cho KH&CN và CGCN trên các lĩnh vực. Ví dụ, đã nghiên cứu rất nhiều mô hình, từ giống cà chua, rau, lúa đến các giống hoa, thậm chí cả việc nghiên cứu, di thực cây sâm Ngọc Linh từ Ninh Thuận về trồng tại vùng núi Tam Đảo và đã thành công, cây sinh trưởng, phát triển tốt, các thành phần của sâm đều tương tự như trồng tại núi Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam. Trong quá trình phát triển, Vĩnh Phúc ưu tiên thu hút đầu tư những dự án công nghệ cao.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì cho rằng, công tác quản lý Nhà nước về KH&CN, ứng dụng, chuyển giao KH&CN còn một số khó khăn, hạn chế như đào tạo nhân lực để cập nhật với công nghệ hiện đại; việc quản lý ứng dụng công nghệ, thẩm định công nghệ, giám sát CGCN, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nước ngoài còn khó khăn; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng còn hạn chế;…
Tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị, Luật CGCN sửa đổi cần theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong việc tiếp nhận cũng như CGCN, thuận lợi cho phát triển thị trường công nghệ; quy định việc CGCN là một yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời phải đi tắt, đón đầu, ứng dụng vào sản xuất để mỗi sản phẩm phải có một hàm lượng công nghệ nhất định; cần có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy CGCN trong nước, khuyến khích chuyển giao, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên