Việt Nam và Liên Bang Nga có mối quan hệ hợp tác hữu nghị gắn bó từ lâu trong lịch sử. Tháng 11/2013, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược lên mức toàn diện. Trong các lĩnh vực hợp tác Việt – Nga, khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện đang đặc biệt thu hút sự quan tâm của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước. Đây cũng là lĩnh vực mũi nhọn góp phần cụ thể hóa quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam – Liên Bang Nga.
Trong chương trình "Việt Nam và Thế giới", mới đây Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã có buổi trả lời phỏng vấn phóng viên Ban truyền hình đối ngoại - Đài truyền hình Việt Nam về kết quả hợp tác KH&CN của hai nước. Dưới đây là toàn bộ nội dung thông tin.
Xin ông cho biết đánh giá của ông về tiềm năng KH&CN của Liên bang Nga?
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân: Có thể nói Liên bang Nga là một nước có tiềm lực rất mạnh về KH&CN nói riêng và tiềm lực kinh tế nói chung. Trong quá khứ, quan hệ hợp tác về KH&CN giữa hai nước đã có một quá trình lịch sử rất lâu dài. Hiện nước Nga đang trên đà phục hồi và vẫn có một tiềm lực về KH&CN và kinh tế rất mạnh. Chúng ta có thể hợp tác với Liên bang Nga trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực KH&CN.
Việt Nam có một số lượng lớn các nhà khoa học, kỹ sư được đào tạo tại các trường đại học của Liên bang Nga, giữa viện Hàn lâm khoa học hai nước đã có sự hợp tác và mối quan hệ mật thiết lâu dài. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Liên bang Nga hiện nay và trong thời gian tới?
Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới trong sự hợp tác KH&CN giữa 2 nước sau một thời gian có sự chững lại do có sự biến động về mặt chính trị rất lớn ở Liên Xô cũ. Chúng ta có thuận lợi là rất nhiều người Việt Nam đã được đào tạo tại nước Nga và có trình độ rất cao. Rất nhiều nhà khoa học của Việt Nam được đào tạo tại Nga hiện đang giữ cương vị chủ chốt tại các đơn vị như 2 viện hàn lâm quốc gia, cũng như tại viện nghiên cứu của các Bộ. Vì thế, thuận lợi lớn nhất trong hợp tác về KH&CN giữa 2 nước được phát triển chính từ nguồn nhân lực được đào tạo tại Liên bang Nga. Chúng tôi cho rằng, tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực KH&CN thời gian tới sẽ rất tốt đẹp.
Khi nhìn lại mối quan hệ hợp tác KH&CN Việt Nam và Liên bang Nga, có thể thấy vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước đã có hàng nghìn cán bộ KH&CN của Việt Nam được học tập, làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu của Liên bang Nga (Liên Xô trước đây). Cùng thời điểm đó, Nga đã giúp đỡ và cùng Việt Nam phối hợp triển khai nhiều chương trình nghiên cứu khoa học. Qua gần nửa thế kỷ, mặc dù trải qua một số biến động lịch sử nhưng hiện nay quan hệ hợp tác khoa học kỹ thuật công nghệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga vẫn phát triển rất tích cực.
|
Theo ông, vì sao cho đến nay hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Liên bang Nga vẫn chưa phát triển nhiều, chưa đáp ứng được tiềm năng của 2 nước?
Có một số nguyên nhân khiến sự hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Liên bang Nga hiện còn chưa đáp ứng được lòng mong đợi của cả 2 phía. Như tôi đã nói, Nga đã trải qua những biến động rất lớn về mặt chính trị, sau một thời gian dài giờ đã quay lại đà tăng trưởng, phục hồi. Chúng tôi tin chẳng bao lâu nữa họ sẽ quay trở lại vị trí của một cường quốc.
Sự hợp tác giữa hai nước còn hạn chế bởi một số năm gần đây, những thế hệ người Việt Nam được đào tạo ở Nga trước đây đều đã có tuổi, dần dần đã phải rời bỏ công tác quản lý, vị trí chủ chốt trong các đơn vị. Trong khi thế hệ trẻ rất ít người được đào tạo ở Nga, chủ yếu đào tạo ở phương Tây, nên số người biết tiếng Nga ở Việt Nam giảm nhanh, vì thế việc giao lưu giữa hai nước cũng bị hạn chế
Về tài chính, cả 2 phía đều chưa dành nguồn tín dụng lớn cho hợp tác về KH&CN. Các dự án nghiên cứu chung giữa 2 nước còn khiêm tốn. Vì thế, thời gian tới phải đẩy mạnh hợp tác về KH&CN, đây là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế hai nước.
Hiện Việt Nam đang làm gì để đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và Liên Bang Nga, thưa ông?
Hiện nay, Bộ KH&CN Việt Nam thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang cùng phía Nga rà soát tất cả các vấn đề liên quan đến hợp tác về KH&CN giữa 2 nước từ trước đến nay, đặc biệt từ năm 1992 khi 2 nước ký hiệp định hợp tác về KH&CN. Chúng tôi đã rà soát và thấy rằng đã đến lúc cần thực hiện một hiệp định mới cho sự hợp tác giữa 2 nước về KH&CN. Hiện các cơ quan hữu quan của 2 nước đang chuẩn bị các nội dung của hiệp định mới. Phía Việt Nam, Bộ KH&CN được giao chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo hiệp định hợp tác về KH&CN và giáo dục và đào tạo với Liên bang Nga. Trong lúc các hiệp định vẫn đang được xây dựng thì trong chuyến thăm Việt Nam vừa rồi của Tổng thống Nga Vladimir Putin, 2 bên cũng đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác KH&CN. Trong đó thể hiện một số nội dung chúng ta có thể tiếp tục hợp tác ở lĩnh vực này.
Hạnh Nguyên (lược ghi)