Ngày 20/9/2021, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố trực tuyến Báo cáo về xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021. Theo công bố của WIPO, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Thực hiện nhiệm vụ đầu mối hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương cải thiện chỉ số GII như Chính phủ đã phân công tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, chiều ngày 21/9/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) năm 2021 và Kết quả của Việt Nam
Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của các chuyên gia từ Tổ chức WIPO, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế và đại diện KH&CN Việt Nam tại Geneva, Thụy Sĩ; đại diện các Bộ, Cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cải thiện chỉ số GII. Tại hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp những thông tin mới nhất về kết quả Chỉ số GII của Việt Nam năm 2021, các điều chỉnh về phương pháp luận, ý nghĩa của chỉ số và các vấn đề đặt ra. Theo nhận xét của các chuyên gia WIPO, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vô cùng phức tạp và có nhiều tác động khó lường đoán, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và ĐMST trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ, trong hai năm qua, Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới đã trải qua đại dịch Covid-19 toàn cầu, với ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, từ sản xuất kinh doanh, nghiên cứu, phát triển tới mọi mặt của đời sống, chắc chắn hoạt động ĐMST cũng bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên Tổ chức WIPO đánh giá đầu tư cho ĐMST vẫn được duy trì trong suốt 2 năm vừa qua cho thấy chỉ có đầu tư vào ĐMST là một trong những hướng đi bền vững cho thế giới cũng như Việt Nam chống chọi lại với đại dịch Covid-19. Thứ trưởng nêu dẫn chứng, điều này cũng đã thể hiện qua các kết quả nghiên cứu phát triển của Việt Nam đầu tư cho ĐMST trong nhiều năm qua và kịp thời đưa vào ứng phó với đại dịch Covid-19 như bộ kit test do Việt Nam tự nghiên cứu, chế tạo và phát triển đã xuất hiện đúng lúc và đưa vào sản xuất, sử dụng trong hai năm qua.
Ông Marco M. Aleman - Trưởng cơ quan Hệ sinh thái ĐMST và SHTT, Trợ lý - Đặc phái viên Tổng Giám đốc WIPO ghi nhận: “Việt Nam tiếp tục là tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi ĐMST là một ưu tiên quốc gia. Việc Chính phủ sử dụng GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST của quốc gia là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển quốc gia. Các quốc gia khác đang học hỏi từ Việt Nam về cách sử dụng GII một cách có hệ thống để đánh giá những thay đổi về kết quả hoạt động ĐMST ở cấp độ cao nhất”.
Bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết, có thể khẳng định trong bảng xếp hạng GII, vị trí 44/132 quốc gia là nỗ lực to lớn của Việt Nam. Việc tiếp tục giữ vững vị trí của Việt Nam về ĐMST trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu từ năm 2017 đến nay cho thấy những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, của Chính phủ đã được chuyển thành hành động cụ thể của các Bộ, các cơ quan trung ương và địa phương trong việc cải thiện năng lực ĐMST của Việt Nam. Những nỗ lực này đã được đền đáp bởi chính kết quả xếp hạng GII trong những năm qua và đặc biệt từ năm 2017 trở lại đây.
Ông Andrew Micheal Ong, đại diện Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương của WIPO cho rằng, Việt Nam cần có mục tiêu chiến lược trong việc thúc đẩy đa dạng các đổi mới sáng tạo.
Ông Andrew Micheal Ong cũng nhắc tới sản phẩm Mũ cách ly di động phòng dịch Covid-19 Vihelm" có hệ thống thông khí cho bác sĩ của nhóm tác giả gồm các bạn học sinh : Đỗ Trọng Minh Đức (sinh năm 2003, học sinh Monvertde Academy, Florida, Mỹ), Trần Nguyễn Khánh An (sinh năm 2006, học sinh Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội) và Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 2007, học sinh Trường quốc tế Pháp Lfay Hà Nội) và cho rằng đây chính là sản phẩm giải pháp thể hiện sự đổi mới sáng tạo vượt qua những thách thức, giới hạn và nguồn lực.
Ông Sacha Wunsch - Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO đánh giá Việt Nam đứng trong nhóm 4 quốc gia xuất sắc bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc. "Đây là nhóm xuất sắc, quốc gia góp phần thay đổi bối cảnh sáng tạo lâu bền", ông Sacha nói và nhận xét việc sụt giảm thứ hạng không có ý nghĩa nhiều về mặt thống kê bởi nó không phải sự tụt hạng mà là phản ánh sự cải thiện nhưng chưa đủ nhanh. Theo ông việc cải thiện thứ hạng đầu vào của đổi mới sáng tạo của Việt Nam là hiện tượng thú vị.
PV