Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 11:40 am
Cập nhật : 06/06/2011 , 09:06(GMT +7)
Việt Nam rút ngắn khoảng cách trình độ khoa học với thế giới
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 735/QĐ- TTg ngày 18/5 phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ đến năm 2020. Đề án nhằm mục tiêu đưa Việt Nam đến năm 2020, rút ngắn khoảng cách về trình độ khoa học – công nghệ của nước ta với khu vực và thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh, có cơ sở để tin tưởng đến năm 2020 Việt Nam sẽ có đội ngũ khoa học – công nghệ (KH-CN) đủ năng lực để có thể hội nhập với khu vực và thế giới trên một số lĩnh vực ưu tiên trọng điểm. Lý do chính là: Vào năm 2020, Việt Nam sẽ đạt đến một ngưỡng mới trong quá trình phát triển, cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Mười năm tới, Việt Nam sẽ “chào đón” một thế hệ các nhà khoa học được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn ngoại ngữ giỏi và có tinh thần doanh nghiệp cao, trong số đó sẽ có nhiều người được đào tạo ở trường đại học danh tiếng trên thế giới, hoặc được tích lũy kinh nghiệm ở các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có sở hữu hàm lượng tri thức to lớn của nước ngoài, và có sự kết nối rộng rãi với cộng đồng KH-CN toàn cầu.

Trong đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam, 10 năm tới sẽ có các doanh nghiệp KH-CN, những doanh nghiệp kinh doanh và phát triển dựa trên công nghệ. Đây sẽ là “đội quân” tiên phong, và chủ động trong các hoạt động hợp tác với đối tác nước ngoài, tiếp thu, làm chủ, đổi mới và sáng tạo công nghệ.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt của Israel tại Techmart Quảng Ninh 2010. )Ảnh: Nguyễn Hạnh)

- Thưa ông, đó là cách nhìn nhận lạc quan... Hiện tại, đa số các tổ chức nghiên cứu KH-CN, các trường đại học chưa đủ năng lực và điều kiện xúc tiến mở rộng các hoạt động hội nhập quốc tế về KH-CN?
 
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh: Trên cơ sở nhận thức rõ thực trạng, thách thức và đặc biệt là xác định rõ mục tiêu của hội nhập KH-CN Việt Nam đến năm 2020, Đề án đã chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ KH-CN, cán bộ quản lý theo hướng liên kết với các đối tác có tiềm lực mạnh về KH-CN, đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu chung trong khuôn khổ các thỏa thuận song phương, đa phương, khu vực, liên khu vực và quốc tế; thu hút các chuyên gia, nhà KH-CN Việt Nam ở nước ngoài; khuyến khích cán bộ KH-CN Việt Nam tham gia các chương trình nghiên cứu quốc tế…

Nhà nước sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số sản phẩm quốc gia, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mua bản quyền sáng chế trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; tổ chức các chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam về quản trị công nghệ; mua bí quyết công nghệ và chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam…  Đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, Đề án cũng đã quy định 3 Chương trình chính bao gồm: Chương trình hợp tác nghiên cứu chung song phương và đa phương về KH-CN; Chương trình tăng cường nguồn lực thông tin phục vụ hội nhập quốc tế về KH-CN; Chương trình tìm kiếm, giải mã và chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

Tôi xin khẳng định rằng, việc thực hiện một cách đồng bộ 6 gói nhiệm vụ và 3 Chương trình được đề ra trong Đề án sẽ đem lại một diện mạo mới cho các hoạt động hội nhập KH-CN quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới theo hướng chủ động hơn, thiết thực hơn, đi vào chiều sâu và thực sự đem lại giá trị gia tăng quan trọng cho các hoạt động KH-CN trong nước, góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ KH-CN của nước ta với khu vực và thế giới.

- Có phải hiện tại đang có tình trạng mối quan hệ hợp tác “một chiều”, trong đó các đối tác Việt Nam thường là “bên nhận, bên được hỗ trợ”, các đối tác nước ngoài là “bên cho, bên hỗ trợ”. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc vào đối tác và không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi bên…?

Hợp tác quốc tế là một quá trình có tính liên tục, theo đó các quốc gia đang phát triển thường xuất phát từ các hoạt động như thiết lập và mở rộng quan hệ; xây dựng lòng tin; đi đến làm việc với nhau (hay còn gọi là hợp tác). Và trong làm việc với nhau như vậy, sẽ có giai đoạn ta học hỏi bạn, bạn giúp đỡ ta rồi dần đi đến hợp tác bình đẳng căn cứ trên nhu cầu và lợi ích của cả hai bên. Hội nhập quốc tế cũng đi theo lộ trình gần tương tự như vậy.

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, chúng ta đã chọn phương thức ‘chủ động’; tuy nhiên cũng phải tuần tự theo các bước nâng tầm năng lực KH-CN trong nước, rồi đến từng bước tham gia vào các hoạt động KH-CN quốc tế (còn gọi là hội nhập một phần) và cao nhất là hội nhập toàn bộ trở thành một bộ phận của nền KH-CN quốc tế.

Cùng với sự trưởng thành và lớn mạnh về năng lực KH-CN của các tổ chức KH-CN trong nước, sự hỗ trợ từ nhà nước thông qua các cơ chế khuyến khích cụ thể. Và đặc biệt là xuất phát từ nhu cầu phát triển nội thân của các tổ chức KH-CN Việt Nam, các hoạt động hợp tác và hội nhập KH-CN quốc tế của Việt Nam đã dần theo hướng chủ động hơn. Cụ thể là chủ động trong việc nêu các vấn đề để hợp tác, đây thường là các vấn đề xuất phát từ nhu cầu từ trong nước; chủ động trong việc tìm kiếm đối tác quốc tế để hợp tác giải quyết vấn đề; chủ động trong việc chia sẻ các nguồn lực cần thiết (ví dụ tài chính) để mục tiêu cuối cùng là giải quyết được các vấn đề do ta đặt ra. Sự chuyển biến này thể hiện ở ngay cách dùng ngôn ngữ, từ ‘quan hệ’, thành ‘hợp tác’ và phổ biến hiện nay là ‘đối tác’.

- Nguyên nhân nào khiến cho nhiều hoạt động chuyển giao công nghệ ở các doanh nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp thường kêu thiếu thông tin về KH-CN trong nước và ngoài nước?

Có 3 nguyên nhân chính,  đó là do các doanh nghiệp còn thiếu thông tin về KH-CN trong và ngoài nước; sự gắn kết giữa các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với hoạt động đào tạo nhân lực KH-CN theo các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế; và đối với các doanh nghiệp, nhận thức về tính sống còn cùng giá trị của hội nhập, hay hiểu biết về những cách thức để chủ động và khai thác được các cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại còn chưa cao.

Ngoài ra, năng lực tiếp thu, giải mã, sáng tạo và đổi mới công nghệ trong nước cũng đang ở mức độ khiêm tốn cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. Đấy là những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng là nhiều doanh nghiệp thường ‘trông chờ’ vào các hợp đồng chuyển giao công nghệ trọn gói với sự hỗ trợ tài chính thông qua các ‘gói viện trợ’ hoặc các dự án FDI.

Vấn đề trên đang được Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-CN tập trung tháo gỡ với tinh thần lấy doanh nghiệp là trung tâm của tiếp thu, giải mã, sáng tạo, đổi mới và cuối cùng là làm chủ được công nghệ. Do vậy, bên cạnh việc hoàn thiện một hệ thống văn bản tương đối đồng bộ trong nước, hình thành các chương trình mục tiêu quốc gia có trọng tâm (điển hình như Chương trình phát triển doanh nghiệp KH-CN và thị trường, hay Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia), Đề án hội nhập KH-CN quốc tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo ra những xung lực mới để giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.

-Xin cảm ơn ông!

 

Mai Hà (thực hiện)


Nguồn tin: Đất Việt

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner