Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) như trong y tế, thương mại điện tử, giao thông,... Để phát triển AI nói chung và ở Việt Nam nói riêng cần có ba yếu tố cốt lõi là dữ liệu, khả năng tính toán và nguồn nhân lực.
TS. Trần Việt Hùng (Hùng Trần) – người sáng lập công cụ tìm kiếm và trả lời câu hỏi Got It - doanh nghiệp start up có ứng dụng về giáo dục nằm trong số 10 ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ chia sẻ với phóng viên như vậy khi nói về xu hướng ứng dụng, phát triển AI tại Việt Nam.
PV: Theo ông, đâu là điều kiện chung để thực sự phát triển và ứng dụng AI hiệu quả?
- TS. Trần Việt Hùng: Môi trường hay quốc gia nào cũng vậy, việc ứng dụng AI phải có ba yếu tố cốt lõi. Thứ nhất là dữ liệu. Dữ liệu rất quan trọng, máy móc, thiết bị có thể được “dạy” với càng nhiều dữ liệu càng tốt, càng nhiều dữ liệu sẽ giúp cho việc ứng dụng thông minh hơn trong phạm vi nhất định. Thứ 2, khả năng tính toán, xử lý dữ liệu phải tốt. Thứ 3 là con người, nguồn nhân lực. AI phụ thuộc vào nhiều các giải thuật được thiết kế bởi con người và đào tạo các hệ thống AI do con người.
Đó là ba yếu tố quan trọng nhất để có thể làm ra được sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo thành công. Chúng ta cần xem xét đã có đủ các yếu tố đó hay chưa, chưa có đủ phải bổ sung mới có thể có được hệ thống như mong muốn.
PV: Với điều kiện của Việt Nam hiện nay, theo ông trong lĩnh vực nào chúng ta có tiềm năng ứng dụng và phát triển AI khả thi nhất?
- Việt Nam có nhiều tiềm năng ứng dụng, phát triển AI. Ví dụ trong lĩnh vực thương mại điện tử, ứng dụng đã đem lại nhiều lợi ích, kể cả cho người tiêu dùng và các công ty thương mại điện tử. Người ta có thể dựa vào dữ liệu người dùng, thói quen mua bán, sử dụng, và các thói quen tiêu dùng khác để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bán được sản phẩm như mong muốn, không bị tồn kho nhiều. Về phía người dùng, họ biết được mình có thể mua bán được những mặt hàng gì, giá cả tốt và phù hợp với từng thời điểm.
Lĩnh vực giao thông vận tải cũng khá tiềm năng. Ví dụ những dịch vụ như chia sẻ (share) địa điểm, hay với dịch vụ gọi xe qua Grab người ta có thể tận dụng dữ liệu lớn để biết được khách hàng đang ở đâu, lựa chọn xe như thế nào, hoặc các vấn đề khác về giao thông như tắc đường, cập nhật tình hình giao thông,… Chẳng hạn muốn tránh tắc đường, hệ thống AI có thể biết được nơi nào đường tắc, nơi nào nhiều xe và hướng dẫn những xe khác không đi vào hướng đó nữa. Máy hoàn toàn có thể thay thế được con người. Và đặc biệt, với hệ thống này, việc cá nhân hóa cho từng người dùng cụ thể hoàn toàn có thể làm được, hiệu quả sẽ tăng lên gấp nhiều lần thay vì một chương trình (ví dụ chương trình VOV giao thông hiện nay).
Một lĩnh vực khác là giáo dục. AI có thể giúp hệ thống phần mềm, công cụ hiểu được học sinh, sinh viên một cách chi tiết. Khi đi học, mình thích một giáo viên nào đó hơn, không hẳn giáo viên đó giỏi mà do cách dạy của người đó phù hợp với mình hơn. Hoặc trong một lớp học, một bạn nào đó không theo kịp mạch giảng của giáo viên, chưa chắc đã phải bạn đó không thông minh, mà do cách học của học sinh và cách dạy của giáo viên. AI có thể biết được cùng một khái niệm, với từng sinh viên khác nhau thì đưa ra các chiến lược giảng dạy khác nhau.
Ngoài ra, các hệ thống hành chính công cũng có thể dùng AI hiệu quả để tăng thêm thời gian, máy móc, thiết bị có thể thay thế con người làm một số công việc thủ công ở văn phòng.
Tôi nghĩ về ứng dụng và phát triển AI, Việt Nam không ở khoảng cách quá xa so với thế giới. Chỉ có điều, hiện tại cần có những cuộc vận động như thế nào để ngày càng nhiều người đầu tư vào AI theo ba yếu tố là dữ liệu, khả năng tính toán và nguồn nhân lực.
Hơn nữa, cũng không cần quá quan tâm đến việc phải làm cái gì đó hoành tráng, phải “khủng” mới so sánh được với các nước khác, mà cần phân tích, tính toán, chia nhỏ những thứ mình đang làm hàng ngày, phần nào có thể ứng dụng được AI để có thể tăng hiệu suất lên 5 lần, 10 lần thì áp dụng. Như thế cũng đã là thành công rồi không cần phải làm cái gì đó mới. Phải làm được thứ mình cần, thực sự giúp tăng hiệu quả, năng suất lao động chứ không nên chạy đua, người ta làm được con robot mình cũng phải làm con robot.
Thiết bị đo sóng điện não đồ BrainWear của Công ty Emotiv phục vụ giải trí, nghiên cứu khoa học, khám và chữa bệnh về não,…
PV: Ông đánh giá thế nào về xu hướng ứng dụng AI hiện nay?
- Các kết quả nhìn thấy hiện nay tương đối tốt. Ví dụ như, ô tô đã có thể tự lái. Trong lĩnh vực ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác, nhiều hệ thống AI có thể thay thế được các giao dịch viên. Tại nhiều lớp học ứng dụng AI có thể làm công việc giảng dạy tốt hơn cả giáo viên,… Thực tế, còn rất nhiều những ứng dụng khác nữa và vẫn trong quá trình nghiên cứu, phát triển không ngừng. Với tốc độ nhanh như vậy, cũng không biết trước 3 đến 5 năm nữa AI sẽ phát triển nhanh, mạnh như thế nào.
PV: Vâng, có thể hình dung AI đang theo xu hướng phát triển nhanh, mạnh, xuất hiện trong mọi mặt của đời sống. Tuy nhiên, ở trong nước, nhiều người dân cũng chưa hiểu rõ về AI, chưa thấy được sự gần gũi. Hoặc cũng có người lo ngại nguy cơ “mất việc” vì máy móc sẽ thay thế con người. Ông có chia sẻ gì về điều này?
- AI hiện hữu quanh cuộc sống của con người. Chiếc điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh tự động lấy nét khuôn mặt đó chính là AI. Hay khi đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội, facebook. Facebook tự tag – nhận diện, đánh dấu khuôn mặt bạn bè, người thân có mặt trong bức ảnh đó. AI đôi khi là những thứ đơn giản như vậy chứ không phải là gì đó lớn lao.
Có những thứ máy tính làm nhanh và nhiều kết quả tốt hơn con người. Để có được điều đó là do con người cung cấp dữ liệu cho máy móc chứ không phải tự nhiên sinh ra.
Nói chung một số ngành nghề cũng cần xem xét lại nếu không máy sẽ làm tốt hơn. Nếu bi quan sẽ nghĩ mình mất việc, còn lạc quan sẽ nghĩ mình có thời gian nhiều hơn và mình làm được những việc khác tạo ra nhiều giá trị hơn. Mình có thời gian nhiều hơn sẽ học được các kỹ năng còn thiếu cao cấp hơn và làm được những việc khác giá trị hơn mà máy chưa làm được, còn việc gì máy làm được nên để máy làm.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên