Bộ TN&MT đã tiến hành kiểm kê khí nhà kính và xác định ba lĩnh vực: năng lượng; nông nghiệp; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) là nguồn phát thải chính tại Việt Nam. Ước tính, 3 lĩnh vực này sẽ phát thải 300,4 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2020 (gấp 2 lần hiện nay) và 515,8 triệu tấn vào năm 2030.
Ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Thư ký Chương trình mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu, cho biết, trong quá trình thực hiện Thông báo Quốc gia, chúng ta đã xây dựng và đánh giá 28 phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Lĩnh vực năng lượng có 15 phương án, 5 phương án cho nông nghiệp và 8 phương án cho lĩnh vực LULUCF.
Dự kiến, với 28 phương án này, tổng tiềm năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khoảng 3.270 triệu tấn CO2 tương đương. 11 phương án được xem là không mấy tốn kém, thậm chí chi phí giảm phát thải là dưới 0 USD/ tấn CO2, như sử dụng lò gạch cải tiến, thiết bị đung nước nóng mặt trời, đèn compact…
Việc giảm phát thải được Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trong lĩnh vực này, trong chuyển giao công nghệ cũng như hỗ trợ tài chính. Đến tháng 2/2010, Việt Nam đã có 52 dự án được Ban chấp hành quốc tế về Cơ chế phát triển sạch (EB) công nhận là dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) với tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính khoảng 24,2 triệu tấn CO2 tương đương. Một số công nghệ đã được ứng dụng như thu hồi khí đồng hành từ hoạt động khai thác dầu, khí mêtan từ xử lý chất thải, thu hồi nhiệt dư trong sản xuất xi măng để phát điện, khai thác năng lượng gió, mặt trời… Việc áp dụng những công nghệ này góp phần giảm nhẹ phát thải và phục vụ phát triển bền vững.
Hoàng Anh (Tổng hợp)