Việt Nam – Nhật Bản: Chia sẻ kinh nghiệm hướng tới sự phát triển bền vững
Thứ trưởng Nguyễn Quân tiếp ngài Osamu Sato
Ngày 14/02, tại Hà Nội, Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân đã tiếp đoàn Hiệp hội kỹ sư công nghệ Nhật Bản do ngài Osamu Sato – Phó ban hỗ trợ hoạt động hợp tác quốc tế của Hiệp hội kỹ sư công nghệ Nhật Bản làm trưởng đoàn.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao sự hợp tác của Nhật Bản nói chung cũng như Hiệp hội kỹ sư công nghệ nói riêng đối với sự phát triển KH&CN Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác chiến lược trong hợp tác kinh tế và KH&CN. Trong nhiều năm qua Nhật Bản đã cùng với Việt Nam có những chương trình hợp tác có kết quả tốt như: Nhật Bản đã giúp Bộ KH&CN trong việc xây dựng quy hoạch Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; mới đây, đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định hợp tác với Nhật Bản về phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình”, Thứ trưởng Nguyễn Quân cho biết.
Ngài Osamu Sato cho biết, Hiệp hội kĩ sư công nghệ Nhật Bản tập hợp các kỹ sư đã đỗ kỳ thi sát hạch Kỹ sư công nghệ do chính phủ Nhật Bản tổ chức. Hiệp hội hiện có 13.000 thành viên, hoạt động trên 21 lĩnh vực, tiêu biểu như: kĩ thuật hàng không, công nghệ môi trường, kĩ thuật công nghiệp …. Những năm gần đây, Hiệp hội có nhiều thành viên hoạt động hợp tác chủ yếu với các nước vùng Đông Á, Đông Nam Á, Đông Âu…
Nhật Bản là nước có nền kinh tế phát triển trước Việt Nam, tuy nhiên từ những năm 70 Nhật Bản đã phải hứng chịu hậu quả về môi trường, xã hội... Với những kinh nghiệm, những người bước những bước đi đầu tiên trong quá trình phát triển đó, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, đoàn mong muốn tìm hiểu nhu cầu và các vấn đề có thể hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam hướng tới sự phát triển bền vững.
Thứ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Trong nhiều năm qua, Bộ KH&CN Việt Nam luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu. Việt Nam đã cử rất nhiều cán bộ sang học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản. Ngay từ những năm 60 khi đất nước đang còn chiến tranh, Việt Nam đã cử chuyên gia sang học tập về nông nghiệp, sau này nghiên cứu những lĩnh vực công nghệ cao giúp cho phát triển công nghệ của đất nước. Hiện nay, Việt Nam đang quan tâm đến 4 lĩnh vực công nghệ cao gồm: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, cơ khí tự động hóa.
Bên cạnh 4 lĩnh vực ưu tiên trên, gần đây chính phủ Việt Nam tập trung vào phát triển công nghệ năng lượng (bao gồm cả năng lượng nguyên tử) và công nghệ vũ trụ. Việt Nam phóng thành công vệ tinh Vinasat 1 vào năm 2008, tới năm 2012 sẽ phóng vệ tinh Vinasat 2. Năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã quyết định xây dựng Nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam và sẽ đi vào vận hành vào năm 2020.
“Trong quá trình phát triển tương đối nhanh như vậy, Việt Nam rất cần đội ngũ nhân lực trong đó có đội ngũ kỹ sư công nghệ. Số kỹ sư của Việt Nam được đào tạo ở các trường đại học kỹ thuật tương đối nhiều, nhưng Việt Nam còn thiếu các kỹ sư trưởng ở nhà máy, các tổng công trình sư để có thể xây dựng được những công trình lớn”, Thứ trưởng Nguyễn Quân cho biết.
“Việt Nam sẽ nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của Hiệp hội kỹ sư công nghệ Nhật Bản về đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch kỹ sư để làm sao có được kỹ sư giỏi, kỹ sư trưởng, các tổng công trình sư. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản là một nước công nghiệp cho nên vai trò của kỹ sư công nghệ trong nền kinh tế Việt Nam rất quan trọng và chúng tôi rất mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ Hiệp hội kỹ sư công nghệ Nhật Bản”, Thứ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.
Được biết, trước mắt Bộ KH&CN hợp tác với Nhật Bản thực hiện chương trình về vũ trụ, chương trình điện hạt nhân của Việt Nam. Hiện nay, Bộ KHCN đã có cơ quan đại diện tại Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Osaka. Thông qua các đầu mối này Hiệp hội kỹ sư công nghệ Nhật Bản sẽ có những trao đổi, hỗ trợ, cung cấp thông tin để hai nước có thể hợp tác tốt hơn
Tại buổi tiếp, hai bên cùng bày tỏ hi vọng sự hợp tác giữa giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ có nhiều kết quả tốt đẹp trong tương lai.