Việt Nam và Liên bang Nga hợp tác triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) hạt nhân (Center of Nuclear Science and Technology - CNST) với lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MW cũng như hoạt động hợp tác đào tào nguồn nhân lực.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tới Việt Nam từ ngày 19-20/6/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Putin đã chứng kiến Lễ trao đổi bản ghi nhớ giữa Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM) Alexey Likhachev và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt về kế hoạch triển khai Dự án xây dựng CNST tại Việt Nam.
CNST được thực hiện theo Hiệp định Liên Chính phủ ký năm 2011. Dự án đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018. CNST dự kiến đặt tại Thành phố Long Khánh, Đồng Nai. Trung tâm sẽ có lò phản ứng hạt nhân dạng bể, công suất 10 MW, sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp do Liên bang Nga chế tạo. CNST tập trung lĩnh vực vật liệu chiếu xạ, khoa học sinh học, đồng vị phóng xạ, kỹ thuật lò phản ứng, an toàn bức xạ; nghiên cứu điều chế dược chất mới trong điều trị ung thư, nghiên cứu chiếu xạ silic - vật liệu bán dẫn, tán xạ góc nhỏ...
Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một dự án về xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất lớn. Để triển khai Dự án CNST, Bộ KH&CN đã có những phương án chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý và triển khai ở các giai đoạn khác nhau. Bộ cũng đưa ra kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho vận hành đảm bảo an toàn, khai thác hiệu quả Trung tâm sau khi đi vào hoạt động.
Để hỗ trợ thẩm tra, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ thiết kế, Bộ KH&CN đề nghị ROSATOM tạo điều kiện cho một số cán bộ Việt Nam tham gia thực hiện thiết kế cơ sở của lò phản ứng và các tính toán, phân tích an toàn đi kèm. ROSATOM cũng giúp Việt Nam trong đào tạo cán bộ vận hành lò phản ứng nghiên cứu.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng xây dựng các nhóm chuyên môn sâu về vật lý lò, thiết kế sử dụng kênh ngang, sản xuất đồng vị phóng xạ trên lò nghiên cứu, nghiên cứu vật liệu, chiếu xạ silic làm bán dẫn, nghiên cứu phân tích kích hoạt, bảo vệ môi trường, an toàn hạt nhân. Điều này nhằm xây dựng nguồn cán bộ nghiên cứu, ứng dụng khai thác hiệu quả lò nghiên cứu mới, đảm bảo an toàn khi CNST đi vào hoạt động
Trước đó tháng 10/2017, Viện ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học nghiên cứu Bách khoa Tomsk và Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPhI) vào tháng 12/2023, về hợp tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ trong các lĩnh vực năng lượng nguyên tử có liên quan.
Viện trưởng Trần Chí Thành cho biết, trước mắt Việt Nam và Liên bang Nga sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả, tuân thủ các quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Theo Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, hướng nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử sẽ tập trung cả khoa học cơ bản (vật lý hạt nhân, vật lý lò, an toàn và thủy nhiệt, tự động điều khiển, vật liệu, hóa học...) và ứng dụng trong y tế (y học bức xạ) nông nghiệp; công nghiệp; tài nguyên môi trường (nước ngầm, ô nhiễm, phát tán phóng xạ, xói mòn đất, chất thải phóng xạ, đuôi quặng)...
Ngoài ra, trong quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử giai đoạn tới sẽ nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tổ hợp máy gia tốc lớn đặt tại miền Bắc, xây dựng các phòng thí nghiệm công nghệ và an toàn hạt nhân...
Tin: PV
Ảnh: VNE