Vừa qua, Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ, Narendra Damodardas Modi và đoàn công tác đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Nhân dịp này, các cơ quan, đối tác của hai nước đã ký kết 12 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có Bản ghi nhớ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp. Xung quanh sự kiện trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Vinh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ.
PV: Xin ông có thể chia sẻ những nội dung cơ bản của việc ký kết này?
Ông Trần Văn Vinh: Bản ghi nhớ giữa Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng và Ấn Độ về việc hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp là văn bản hợp tác giữa hai cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia của Việt Nam và Ấn Độ nhằm trao đổi chuyên môn, tăng cường năng lực của hai cơ quan và góp phần thuận lợi hóa thương mại giữa hai quốc gia. Các hoạt động hợp tác được triển khai chủ yếu thông qua hình thức trao đổi thông tin, kinh nghiệm, chuyên môn và đào tạo.
Cụ thể, các Bên, trong phạm vi thẩm quyền và nhiệm vụ của mỗi Bên, tuân thủ các quy định và luật liên quan của mỗi nước, sẽ khuyến khích và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực:
Trong lĩnh vực Tiêu chuẩn hóa, các Bên sẽ trao đổi thông tin và tài liệu bao gồm: chính sách và chiến lược tiêu chuẩn hóa, cơ cấu tổ chức về tiêu chuẩn hóa, quy định và quy trình xây dựng tiêu chuẩn, chương trình xây dựng tiêu chuẩn, ý kiến góp ý về các tiêu chuẩn quốc tế tại các giai đoạn xây dựng khác nhau, v.v… Các Bên sẽ trao đổi thông tin khoa học và kỹ thuật về các vấn đề/lĩnh vực tiêu chuẩn hóa do các Bên thống nhất.
Trong lĩnh vực Đánh giá sự phù hợp, các Bên sẽ nghiên cứu cơ cấu tổ chức của mỗi Bên, các quy định và cơ sở hạ tầng về đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm được quản lý ở mức độ phù hợp nhằm có những thỏa thuận hợp tác song phương về việc thừa nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp. Các Bên, trong phạm vi thẩm quyền phù hợp, sẽ trao đổi kinh nghiệm, thông tin và quy trình đánh giá sự phù hợp kể cả việc chứng nhận sản phẩm và hệ thống quản lý và thử nghiệm ở mức độ phù hợp.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thông tin kỹ thuật, các Bên sẽ trao đổi thông tin liên quan đến việc thu thập, lưu trữ, truy vấn, áp dụng và phổ biến các thông tin khoa học và kỹ thuật về tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp.
Cuối cùng trong lĩnh vực Đào tạo, mỗi Bên sẽ đào tạo cho nhân sự của Bên kia trong lĩnh vực Tiêu chuẩn hóa và Đánh giá sự phù hợp trên cơ sở vì lợi ích của hai Bên và trong các lĩnh vực khác mà các Bên cùng quan tâm nếu thấy phù hợp.
PV: Việt Nam cần có sự chuẩn bị như thế nào về cơ sở hạ tầng đánh giá sự phù hợp với các sản phẩm để có thể vào thị trường các nước nói chung và vào Ấn Độ nói riêng, thưa ông?
Ông Trần Văn Vinh: Tùy theo từng sản phẩm nhập khẩu mà Ấn Độ có những yêu cầu khác nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, chứng nhận). Do đó, để xuất khẩu được hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ nói riêng và các nước nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu các quy định, yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm, phương thức đánh giá sự phù hợp, chính sách của các nước liên quan đến sản phẩm, hàng hóa mà doanh nghiệp sẽ xuất khẩu.
Ngoài ra, việc xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp cũng cần được đẩy mạnh để qua đó lựa chọn, chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp có năng lực thực hiện thử nghiệm, chứng nhận đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
PV: Trong bối cảnh hội nhập hiện nay việc ký kết hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp có ý nghĩa như thế nào, nhất là với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, thưa ông?
Ông Trần Văn Vinh: Bản ghi nhớ giữa hai cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia của Việt Nam và Ấn Độ là cơ sở để hai Bên trao đổi thông tin và tìm hiểu về tiêu chuẩn và các quy trình Đánh giá sự phù hợp bao gồm thử nghiệm và chứng nhận đối với những sản phẩm, hàng hóaxuất nhập khẩu giữa hai quốc gia. Qua đó cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu của hai nước biết để chủ động đáp ứng những yêu cầu của mỗi quốc gia khi muốn xuất, nhập khẩu vào Ấn Độ hoặc ngược lại vào Việt Nam. Đây chính là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp thuận lợi hóa trong thương mại.
PV: Khi Việt Nam và Ấn Độ hợp tác về Tiêu chuẩn hóa và Đánh giá sự phù hợp người dân sẽ được hưởng lợi gì, thưa ông?
Ông Trần Văn Vinh: Việc hợp tác này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm thời gian và chi phí nhập khẩu hàng hóa khi đã thực hiện cơ chế thừa nhận lẫn nhau kết quả Đánh giá sự phù hợp; giảm thiểu các hàng rào kỹ thuật trong thương mại và đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Người tiêu dùng Việt Nam sẽ được lựa chọn và sử dụng sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Ấn Độ (Made in India) và ngược lại người tiêu dùng Ấn Độ cũng sẽ được lựa chọn và sử dụng sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam) có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với giá thành thấp hơn do chi phí thử nghiệm, chứng nhận được giảm thiểu khi đã thực hiện cơ chế thừa nhận lẫn nhau kết quả Đánh giá sự phù hợp.
Bài, ảnh: Đăng Minh