Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Viện trưởng Viện Thuỷ công- Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự trang trải kinh phí (Nghị định 115/2005/NĐ-CP), Viện đã tăng cường tính tự chủ, phát huy nguồn lực sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa kết quả nghiên cứu của Viện được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chuyển biến tích cực
Từ tháng 9/2009 sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, Viện đã có sự chuyển biến tích cực. Viện được giao tư vấn thiết kế 7/13 công trình cống ngăn thủy triều thuộc dự án chống úng ngập TP.HCM theo kết cấu cống - đập Trụ đỡ, mỗi cống có tổng mức đầu tư 1000 – 2000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Viện được giao thiết kế 63 cống theo công nghệ cống đập Xà lan thuộc hệ thống phân ranh mặn ngọt thuộc ba tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cần Thơ.
Trong đề tài nghiên cứu về “Cống dưới đê”, Viện đã thiết kế ứng dụng công nghệ Jet – Grouting không chỉ trong ngành thuỷ lợi mà còn sang các lĩnh vực xây dựng khác, góp phần giải quyết sự cố đê điều, hồ đập và một số công trình kỹ thuật phức tạp khác. Doanh thu từ các hợp đồng chuyển giao công nghệ này mỗi năm đạt khoảng 10 tỷ đồng.
Lần đầu tiên trong xây dựng công trình thuỷ lợi, Viện đã được giao đứng đầu Liên danh nhận thầu EPC cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè với giá trị 290 tỷ đồng. Ngoài ra, Viện đã trúng thầu tư vấn thiết kế đê biển Nam Đĩnh Vũ (đây là tuyến đê ngoài biển dài nhất, kỹ thuật phức tạp nhất hiện nay ở Việt Nam).
Rào cản về cơ chế chính sách
Trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động của Viện sang hoạt động theo chế độ tự chủ, Viện cũng gặp nhiều khó khăn đặc biệt là những rào cản về cơ chế chính sách. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định, Viện đã xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cơ chế quản lý nhưng đến nay vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.
Hoàn thiện cống xà lan (Ảnh: TH)
Những vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách trong Đề án được thể hiện trong tờ trình 2412/TTr-BNN-KH&CN ngày 12/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện. Đơn cử như cho các nhà khoa học vay vốn để nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, cho phép các tổ chức KH&CN được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng theo dự án, xây dựng quỹ ủy thác từ các nhà tài trợ, thuê người làm nhiệm vụ lãnh đạo về chuyên môn,…hiện chưa có quy định ở văn bản pháp quy nào nên đã gây khó khăn cho hoạt động của Viện.
Một số nhà khoa thuộc Viện thủy công cho rằng, với cách tổ chức các đề tài theo chương trình hiện nay, mặc dù hàng chục chương trình nghiên cứu cấp nhà nước dành cho khoa học nhưng Viện thủy công hầu như không vào được chương trình nào. Vì sao có tình trạng đó là do các đề tài của Viện thời gian qua đều xuất phát từ nhu cầu bức xúc của thực tiễn và gắn với các chương trình lớn của ngành.
Ví dụ như, chương trình xây dựng đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam đến, Chương trình nước sạch cho miền núi…nhưng tất cả đều không “lọt” vào nội dung, mục tiêu của chương trình nào. Với cách tập trung cho các Chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước như hiện nay thì rất nhiều đơn vị sẽ không có đề tài. Thực tế cho thấy có rất ít các tổ chức KH&CN tham gia trong các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước. Vì vậy, ngoài ưu tiên cho các chương trình vẫn rất cần các đề tài độc lập. Các đề tài độc lập không nhất thiết phải có nhiều kinh phí mà nên mở rộng diện để tạo nhiều cơ hội cho các nhà khoa học.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cơ chế giao đề tài cho các nhà khoa học, tức là mua sản phẩm nghiên cứu của họ sau khi nghiên cứu thành công. Điều này có thể rút ngắn rất nhiều thời gian thực hiện đề tài, đảm bảo tính thời sự, cấp thiết. Hoặc có thể chỉ đáp ứng 50% kinh phí đề tài, tổ chức KH&CN phải bỏ 50%, nếu đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu mới cấp hết.
Đối với các dự án sản xuất thử nghiệm, nhiều ý kiến các nhà khoa học cũng bày tỏ, đây là hình thức đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trực tiếp và chứng minh được hiệu quả của KH&CN ngay. Tuy nhiên, như hiện nay nhiều nhà khoa học ngại làm dự án vì quy trình thanh toán còn quá phức tạp, cần phải có sự cải tiến kịp thời, phù hợp.
PGS.TS Hoàng Phó Uyên - Phó Viện trưởng cho biết, doanh thu từ hoạt động sản xuất dịch vụ của Viện thủy công có thể tăng gấp 2 đến 3 lần so với hiện nay nếu có được nguồn tài chính hỗ trợ. Viện có 2 phòng thí nghiệm, thiết bị từ năm 1960, khi tham gia một gói thầu để kiểm định giám sát chất lượng thì số máy móc này đã quá cũ không thể đáp ứng tốt công việc mà muốn tìm nguồn vốn để hiện đại hóa máy móc thì đó là điều cực kỳ khó khăn.
Các công ty hoạt động theo mô hình NĐ 68/CP giờ cũng không còn phù hợp với tình hình thực tế nên đã tự thành lập các công ty cổ phần và khi “trưởng thành” thì lại xin “ly khai” khỏi Viện. Đây là một thực tế bất cập trong cách quản lý, PGS.TS Hoàng Phó Uyên khẳng định.
Ánh Tuyết – Phương Hoàn