Trong thời gian qua, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về đất, phân bón và vi sinh vật (VSV), góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông thôn.
Nghiên cứu theo nhu cầu thực tế
TS. Lê Như Kiểu, Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho biết, có thể nói trong những năm qua, Viện đã tiến hành đánh giá mức độ thích hợp đất đai cho nhiều địa phương trong cả nước. Đến nay đã tiến hành nghiên cứu được 6/13 nhóm đất chính, bao gồm: đất xám, đất đỏ, đất phù sa, đất mặn, đất phèn và đất cát biển. Xây dựng các bộ bản đồ đất, đơn vị đất đai, mức độ thích hợp đất đai, định hướng sử dụng đất (tỷ lệ từ 1/5.000-1/50.000) cho các địa phương như: Bắc Ninh, Hà Giang, Yên Bái…, vùng trồng cao su ở Việt Nam và Cămpuchia; xây dựng bản đồ đất mặn và đất phèn tỷ lệ 1/100.000 cho vùng Đồng bằng sông Hồng và tỷ lệ 1/250.000 cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Xác định được thực trạng của đất mặn và đất phèn sau 30 năm khai thác sử dụng; xác định được thực trạng về số lượng và chất lượng về đất xám bạc màu miền Bắc Việt Nam, từ đó đã xây dựng được các giải pháp khoa học và công nghệ để sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất này.
Bên cạnh đó, Viện đã và đang nghiên cứu sự ảnh hưởng của các hình thức sử dụng đất đến xói mòn và mất chất dinh dưỡng trên đất dốc. Ứng dụng đồng vị phóng xạ Cs137, Be7 để đánh giá mức độ xói mòn đất và khả năng bồi lắng đất, tái phân bố các chất dinh dưỡng trong đất. Nghiên cứu sử dụng có hiệu quả vùng đất bán ngập thủy điện Yali nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế cộng đồng người dân tái định cư.
Từ các kết quả nghiên cứu, Viện đã sản xuất thành công và cung ứng cho thị trường phân bón lá A2, A4, Amin, RQ, CQ dùng cho rau, hoa và cây cảnh; giá thể dinh dưỡng GT05 ươm giống cây lâm nghiệp (bạch đàn, keo, thông) và cây ăn quả (xoài, nhãn, bưởi) theo hướng công nghiệp (năm 2009 tiêu thụ 600 tấn); phân bón hữu cơ sinh học PB05 (62 tấn), góp phần tạo nên những vụ mùa thành công cho người dân.
Đặc biệt, Viện đã ứng dụng VSV để sản xuất phân bón đang dần trở thành xu hướng tất yếu trong nền nông nghiệp hữu cơ. Một bước đột phá trong nghiên cứu VSV của Viện là sản xuất các chế phẩm hoặc phân bón vi sinh đa chức năng. Thay vì sử dụng đơn chủng như trước đây, nhiều chủng VSV được phối hợp trong cùng một sản phẩm mang đồng thời các chức năng như: phân giải xenlulo, cố định đạm, phân giải lân..., nhờ đó hiệu quả sản phẩm được cải thiện rõ rệt, làm tăng năng suất cây trồng 10-15%, giảm được phân khoáng bón cho cây, tăng lợi nhuận từ 15 đến 30% tùy từng loại cây trồng.
Điển hình như chế phẩm VSV đối kháng bệnh héo xanh lạc và vừng làm giảm tỷ lệ bị bệnh 60%, tăng năng suất và nhờ đó tăng lợi nhuận trên 7 triệu đồng/ha; chế phẩm VSV dùng cho cây ớt có tác dụng giảm tỷ lệ bệnh héo rũ 40-50%, bệnh thối quả 20-30%, đồng thời giảm được 20% lượng phân bón N, P mà năng suất vẫn tăng 6% và lợi nhuận tăng 11-17 triệu đồng/ha.
Kết quả thực tiễn cho thấy, sử dụng 1 tấn phân hữu cơ VSV chức năng có thể thay thế được 10 tấn phân chuồng và có tác dụng giảm bệnh héo xanh vi khuẩn trên lạc, cà chua, khoai tây 37-78%, giảm tỷ lệ bệnh vùng rễ cây hồ tiêu 25-34%, đồng thời tăng năng suất 10-20% đối với đậu tương, lạc, cà chua, khoai tây, rau, lúa, hồ tiêu, cà phê và bông. Sử dụng chế phẩm cố định đạm có thể thay thế được 75% lượng N mà vẫn tăng năng suất 20-35% đối với đậu tương và 13-26% đối với lạc.
Chuyển giao vào sản xuất
Trong thời gian qua, thông qua mạng lưới khuyến nông và hợp tác với các địa phương, các thành quả nghiên cứu của Viện đã được áp dụng rộng rãi trên nhiều vùng khác nhau. Nhiều mô hình trình diễn đã để lại kết quả cao như: mô hình sản xuất phân bón hữu cơ VSV từ phế phụ phẩm nông nghiệp quy mô 1.000 tấn/năm, sản phẩm phân bón đạt TCVN và quy trình sản xuất được chuyển giao cho nhiều cơ sở sản xuất phân bón trên cả nước; mô hình áp dụng các công thức luân canh cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao tại một số xã thuộc huyện Hiệp Hoà và huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đạt thu nhập 90-135 triệu đồng/ha/năm.
Đó là mô hình sản xuất hàng hoá áp dụng kỹ thuật thâm canh tổng hợp đạt mức thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ha/năm ở Lương Tài và Quế Võ (Bắc Ninh); mô hình phát triển nông thôn miền núi tại huyện K’Bang (Gia Lai); mô hình cải tạo vườn tạp tại huyện Ea H’leo (Đăk Lăk); mô hình thâm canh cà phê và lúa lai tại Cư Kuin (Đăk Lăk); mô hình bón phân đạm cho cà phê ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đăk Lăk; mô hình phát triển nông nghiệp toàn diện vùng gò đồi hoang hóa cho đồng bào dân tộc huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận)...
Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2006-2010 trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây trồng bản địa, thời gian qua, Viện đã tích cực tham gia việc xác định cơ sở khoa học và thực tiễn để đăng ký chỉ dẫn địa lý cho nhiều loại cây trồng và vật nuôi ở các địa phương trong cả nước như: cam Vinh, bưởi Đoan Hùng, bưởi Tân Triều, vải thiều Lục Ngạn, xoài Yên Châu, nho Ninh Thuận, dẻ Trùng Khánh, thuốc lào Tiên Lãng, cói Nga Sơn, sâm Ngọc Linh, tiêu Quảng Trị, quế Văn Yên và quế Trà My, dê núi Ninh Bình... Hầu hết các sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Với các thành tựu và đóng góp cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông thôn của đất nước, Viện đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì và đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa sẽ tăng cường các nghiên cứu ứng dụng gắn liền với thực tiễn sản xuất, lấy yêu cầu của sản xuất làm mục tiêu và định hướng cho những nghiên cứu tiếp theo.
Bài, ảnh: Bảo Anh