Cùng với sự tăng nhanh dân số và quá trình đô thị hóa là sự gia tăng các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường, đe dọa nghiêm trọng tới hệ sinh thái. Việc sử dụng các chủng vi sinh vật môi trường được coi là biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải mà các công nghệ trước đây như kỹ thuật kỵ khí, hiếu khí chưa làm được. Tuy nhiên, việc ứng dụng các chủng vi sinh vật trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn chưa được đầu tư đúng mức nên không ít các mô hình hiệu quả chưa được nhân rộng.
Công nghệ không có hóa chất
Công nghệ sinh học đã được ứng dụng từ khá lâu trong chế biến và bảo quản nông, lâm, thuỷ sản và lai tạo mới giống cây trồng. Những năm gần đây, việc sử dụng các chủng vi sinh vật được tuyển chọn, phân lập từ tự nhiên hoặc tạo ra từ các chủng giống vi sinh vật mới, có khả năng nuôi dưỡng tạo thành các chế phẩm sinh học đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, mang hiệu quả rõ rệt trong quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lí và phòng chống ô nhiễm, góp phần giải quyết triệt để vấn đề chất ô nhiễm trong nước thải, rác thải.
Từ nguồn phế phẩm của các nhà máy sản xuất mía đường, các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện KH&CN Việt Nam) đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất chế phẩm sinh học đa năng Hudavil (HUD 5) để xử lí môi trường ở các hồ nuôi thủy sản, đặc biệt là hồ nuôi tôm sú, cá tra. Từ các chủng vi sinh vật hữu ích, các nhà khoa học tạo ra các chế phẩm vi sinh và kỹ thuật sản xuất dịch men vi sinh đạt mật độ cao hơn, giúp chuyển hóa các chất gây ô nhiễm sang dạng dinh dưỡng hữu ích, không độc hại với con người, vật nuôi và cây trồng, tạo sự cân bằng sinh thái cho hồ nuôi với sự có mặt của tôm (cá), tảo, thức ăn thừa, phân của tôm cá.
Thử nghiệm sử dụng HUD 5 trên đồng ruộng 3 năm liền ở Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau cho thấy, tỷ lệ tôm, cá nuôi thành công đạt hơn 90%. Các hộ nuôi mật độ 25-30 tôm/m3 cho sản lượng từ 3,5-6,5 tấn/ha/vụ, vượt 58,3% so với năng suất của các lô đối chứng. Đến nay, hơn 30 nhà máy, doanh nghiệp đã tiếp nhận thành công công nghệ sản xuất HUD 5 của Viện Hóa học các hợp chết thiên nhiên để sản xuất các chế phẩm vi sinh, vi lượng hoạt lực cao cho vùng nhiễm phèn nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Phòng vi sinh vật môi trường, Viện Công nghệ Môi trường (Viện KH-CN Việt Nam) cũng thành công với chế phẩm sinh học xử lí nguồn nước ô nhiễm. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân lập và tuyển chọn được 30 chủng xạ khuẩn và 20 chủng vi khuẩn ưa nhiệt, có ưu điểm phân hủy mạnh các chất hữu cơ trong nước thải.
Chế phẩm đã được sử dụng kết hợp với thực vật thủy sinh (bèo Nhật Bản) để xử lí ô nhiễm nguồn nước tại làng nghề tái chế nhựa Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau 1 tháng, nước ao từ loại bị ô nhiễm nặng đã đạt nước mặt loại B (theo QCVN 08:2008/BTNMT). Không những thế, chế phẩm vi sinh còn được áp dụng để xử nước thải chăn nuôi và nước thải làm bún, bánh đa tại các rãnh thoát nước tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đều cho kết quả xử lí rất tốt, về cảm quan giảm được mùi hôi thối, các chỉ tiêu ô nhiễm như COD, BOD, vi sinh vật gây bệnh giảm được 5- 6 lần so với khi không sử dụng chế phẩm.
Có hiệu quả nhưng khó nhân rộng
TS Tăng Thị Chính, Viện Công nghệ môi trường đánh giá, công nghệ vi sinh vật đang được nghiên cứu, áp dụng trong xử lí nước thải công nghiệp, sản xuất các sản phẩm tự nhiên thân thiện môi trường, cải tạo, phục hồi các hệ sinh thái, các vùng đất bị ô nhiễm. Đồng thời, công nghệ vi sinh vật còn được coi là một công nghệ sạch, tạo đà cho sự phát triển bền vững. Sản phẩm thu được sau quá trình xử lí bằng công nghệ sinh học rất thân thiện với môi trường...
Ảnh nghiên cứu vi sinh vật tại Viện Công nghệ sinh học
Giảm chi phí so với các phương pháp khác bên cạnh tính hiệu quả và tiết kiệm năng lượng cũng là một trong những ưu điểm nổi bật của công nghệ sử dụng vi sinh vật trong xử lí ô nhiễm môi trường. Theo Th.S Phạm Hương Quỳnh, Giảng viên khoa Quản lí Công nghiệp và Môi trường (Đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, nếu xử lí nước thải bằng phương pháp hoá học có ưu điểm hiệu quả rất nhanh, chi phí ban đầu thấp, nhưng nguồn nước sau xử lí lại có những tác dụng phụ không mong muốn và phải xử lí lại nhiều lần, như vậy chi phí sẽ tăng lên rất nhiều. Trong khi xử lí bằng vi sinh vật chỉ phải đầu tư một lần nhưng hiệu quả kéo dài, bền vững.
Vai trò của việc ứng dụng công nghệ vi sinh vật trong bảo vệ môi trường đã rõ. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vi sinh vật trong xử lý ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Công nghệ sinh học nói chung là một ngành tương đối mới nên tiềm lực nghiên cứu của ngành này còn khá yếu, ít kinh nghiệm. Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về công nghệ sinh học môi trường còn thiếu.
Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thí nghiệm cho công tác nghiên cứu còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ. Theo TS Tăng Thị Chính, phần lớn các thiết bị nghiên cứu hiện đại tại Viện đều do các tổ chức nước ngoài tài trợ, còn nguồn kinh phí của Nhà nước cấp rất eo hẹp chỉ đủ mua những thiết bị nhỏ, đơn giản. “Các trang thiết bị nghiên cứu ở các viện nghiên cứu, trường đại học chỉ là các thiết bị nghiên cứu cơ bản, còn các trang thiết bị nghiên cứu chuyên sâu thì chưa được đầu tư nhiều. Kinh phí phục vụ nghiên cứu còn thấp nên không thể thực hiện được những đề tài nghiên cứu mang tính quy mô lớn” TS Chính nói.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường chưa cao. ThS Phạm Hương Quỳnh cho hay, nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp là rất cần thiết. Có làm được điều đó, trong tương lai chúng ta mới có một môi trường sống trong lành, phục hồi trái đất trả lại màu xanh vốn có, tránh những hậu quả nặng nề mà bản thân chúng ta và thế hệ mai sau phải gánh chịu.
Bài, ảnh: Thanh Tú