Đây là mức phạt cao nhất nếu có hành vi vi phạm về dán nhãn năng lượng theo quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thông qua năm 2011.
Theo đó, bắt đầu từ năm 2013 sẽ thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc với một số phương tiện, thiết bị tiêu thụ điện. Đối tượng của chương trình dán nhãn bao gồm 4 nhóm chính: nhóm thiết bị gia dụng; nhóm thiết bị văn phòng và thương mại; nhóm thiết bị công nghiệp và nhóm phương tiện giao thông vận tải. Vi phạm về dán nhãn năng lượng sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng.
Được biết, giai đoạn 2006 - 2011, hoạt động dãn nhãn năng lượng thí điểm đã được triển khai cho một số sản phẩm như đèn tuyp, đèn compact, balast, quạt điện…
Tuy nhiên, việc hiện nay thủ tục để được chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng đang còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng áp dụng cho các phương tiện, thiết bị chưa đáp ứng được cho tất cả các dòng sản phẩm cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khi thực hiện dán nhãn năng lượng. Đây cũng là kiến nghị tại hội thảo “Quản lý nhà nước đối với nhãn năng lượng và xúc tiến dán nhãn năng lượng bắt buộc” do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 19/6.
Chính vì vậy, các ý kiến tại hội thảo đề xuất các cơ quan quản lý cần nhanh chóng hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý, trình tự để được dán nhãn năng lượng được thuận tiện và nhanh chóng.
Tin, ảnh: Mai Chi