Tuổi thơ hạnh phúc, và bất hạnh
Sinh năm 1958 trong một gia đình nghèo mồ côi cha từ nhỏ ở Hội An giữa thời kỳ đất nước còn chiến tranh, Huỳnh Phước Đương có hai em trai và một em gái. Là anh cả trong nhà, từ nhỏ cậu bé Huỳnh Phước Đương đã phải đi chăn trâu giúp gia đình. Dù vậy, theo anh, tuổi thơ anh vẫn là "những ngày vui nhất, hạnh phúc nhất!". "Khoảng năm 1965, lính Mỹ lùa người từ Cẩm Thanh lên Cẩm Châu để cô lập Việt Cộng", Tiến sĩ Đương nhớ lại. Cậu bé Đương và gia đình nằm trong nhóm người bị lùa đi ấy. "Tôi còn nhớ, ngày nào cũng xảy ra đánh nhau", anh kể tiếp.
Năm 1968, trong một đêm chiến tranh kinh hoàng nơi ngoại ô Hội An, khi đang ngủ, nghe có tiếng súng nổ, cậu bé Huỳnh Phước Đương ngồi nhỏm dậy. Không may, vì hành động ấy mà cậu bị một viên đạn xuyên vào cột sống. Cái vết thương nơi cột sống ấy đã khiến cậu bé chăn trâu Huỳnh Phước Đương trở thành người khuyết tật và thay đổi cả cuộc đời anh. "Tôi được đưa vào một nhà thương của quân đội Mỹ tại Non Nước, Đà Nẵng", Tiến sĩ Đương kể lại. Anh nằm tại bệnh viện này trong ba tháng. Sợ trở về nhà sẽ thành gánh nặng cho mẹ, nên Huỳnh Phước Đương đành phải khai không có gia đình để các tổ chức y tế nhận nuôi. Anh được đưa vào Sài Gòn vì không có thân nhân đi cùng. Tại Sài Gòn, vết thương của anh bắt đầu lành sau một tháng chữa chạy tại Bệnh viện Nhi đồng Quốc tế.
Lúc đó là năm 1974, cậu bé Đương bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành, nhưng chỉ mới học lớp... một. "Tại mấy năm liền nằm bệnh viện có học hành gì đâu!", Tiến sĩ Huỳnh Phước Đương cho biết. Tại Sài Gòn, anh bắt đầu đi học nghề tại một trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật. Huỳnh Phước Đương chọn học nghề thêu.
Cậu học trò lớp một 17 tuổi ngồi xe lăn trên đất Mỹ
Khi chiến tranh chấm dứt vào tháng 4/1975, Huỳnh Phước Đương cũng từ bỏ giấc "mộng thêu đan" sau hai tháng học nghề. Huỳnh Phước Đương theo một linh mục lên đường sang Mỹ. "Tôi vẫn khẳng định với họ rằng tôi không có gia đình", Tiến sĩ ương kể lại.
Đến định cư ở Mỹ, ở tuổi 17, là thời gian khó khăn nhất của Huỳnh Phước Đương. Với kiến thức tương đương lớp một, lại phải di chuyển trên chiếc xe lăn dành cho người khuyết tật, Huỳnh Phước Đương bắt đầu đi học lại.
Tự nhủ rằng mình cần phải cố gắng hết sức học thành tài để có một tương lai thật sáng sủa, cậu học trò của một trường dành cho trẻ chậm phát triển Huỳnh Phước Đương bắt đầu cuộc chạy đua để giành lại thời gian đã mất. Thời gian này, Đương được giáo sư người Việt nhận dạy toán và một cô giáo dạy tiếng Anh. Không ngờ chàng thiếu niên khuyết tật với tố chất thông minh đã nhanh chóng hoàn tất chương trình bậc tiểu học chỉ trong vòng 6 tháng. Chỉ trong một năm, sau khi hoàn tất chương trình tiểu học, với học lực xuất sắc, cậu bé "chậm phát triển" ấy đã được miễn các năm học tiếp theo để vào thẳng lớp 10. "Năm ấy tôi 19 tuổi, và tiết kiệm được năm năm học", Tiến sĩ Đương cười thú vị.
Nói về bí quyết để kết thúc chương trình học phổ thông một cách xuất sắc, Tiến sĩ Đương cho biết: "Có lẽ lúc đó mình đã lớn tuổi nên phải cố gắng. Lúc đầu cũng khó khăn, nhưng mình chỉ có việc học, không phải lo nghĩ điều gì nên tiếp thu nhanh. Nhưng lý do để mình quyết tâm nhiều nhất là vì mình nghĩ chỉ có cố gắng học thật giỏi mới có điều kiện để trở về Việt Nam sau này". Lá thư đầu tiên mà gia đình Huỳnh Phước Đương nhận được tại Quảng Nam được anh gửi đi vào năm 1977. Trong khi đó, ở quê nhà, gia đình đã lập bàn thờ anh. "Tôi không nhớ địa chỉ. Cứ ghi làng, thôn, xã là tới thôi... Lúc ấy gia đình đã lập bàn thờ tôi. Tại vì cũng lâu quá rồi...", Tiến sĩ Đương bùi ngùi.
Đến vị Giáo sư - Tiến sĩ người Việt nặng tình với quê hương
Với sự nỗ lực không ngừng, trong những ngày tháng đi học anh luôn là học sinh ưu tú với những thứ hạng cao để được nhận vào trường Đại học California, khoa Công nghệ sinh học. Giải thích cho việc chọn ngành học của mình, Huỳnh Phước Đương cho biết: "Có lẽ hình ảnh ruộng lúa, con trâu hồi trẻ thơ đã ăn sâu trong đầu nên tôi đã chọn ngành học này để sau này trở về Việt Nam, có điều kiện giúp đỡ cho quê hương. Nhưng sau đó thấy ngành học này không phù hợp với hoàn cảnh của mình nên tôi chuyển hướng sang nghiên cứu về thần kinh học".
Học xong cao học, Huỳnh Phước Đương theo học tiếp chương trình Tiến sĩ ngành Sinh hóa, Thần kinh tại Đại học University of California, Riverside. Theo anh Huỳnh Phước Đương, thật ra, chương trình cao học chuyển tiếp vào tiến sĩ là giai đoạn "thử thách" mà trường đại học đặt ra cho Huỳnh Phước Đương trước khi anh học lên tiến sĩ. Vượt lên mọi khó khăn, Huỳnh Phước Đương đã hoàn tất xuất sắc chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Thần kinh học vào năm 1992 và trở thành Giáo sư tại Đại học UCLA California.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, Huỳnh Phước Đương về Việt Nam lần đầu tiên thăm gia đình. "Tôi đi từ Sài Gòn ra Hội An bằng xe chứ không phải bằng máy bay. Trên đường đi, tôi đã nhìn thấy những người khuyết tật không có xe lăn, không có phương tiện di chuyển. Họ rất khó khăn. Trong làng tôi cũng có người khuyết tật. Người dân Việt còn nghèo quá", Tiến sĩ Đương nhớ lại lần đầu về thăm quê.
Trên đường trở lại Mỹ, anh quyết định phải làm "một cái gì đó" để giúp người khuyết tật trong nước. Thế rồi vị Tiến sĩ nặng tình với quê hương Huỳnh Phước Đương đã tham gia vào hội đồng quản trị của tổ chức từ thiện Chương trình Trợ giúp Xã hội cho Việt Nam (Social Assistance Program for Vietnam - SAP-VN), được thành lập năm 1992 bởi những sinh viên và chuyên gia ở Mỹ. Mục tiêu chính của SAP-VN là cung cấp, cứu trợ trực tiếp cho người nghèo, đặc biệt là trẻ mồ côi và trẻ em khuyết tật.
Tiến sĩ Huỳnh Phước Đương đã đi đến nhiều quốc gia để tham gia hội thảo, thuyết trình khoa học nhưng vui nhất, hạnh phúc nhất với anh là được trở về Việt Nam để tham gia các chương trình từ thiện.
Ngồi trên chiếc xe lăn, Tiến sĩ Huỳnh Phước Đương tất bật cùng các chuyên gia y tế của SAP-VN trong các chuyến đi về Việt Nam tổ chức những chương trình Dự Án Chăm sóc Sức khỏe Lưu động Miễn phí (Free Mobile Health Care Project) tập trung giúp khám chữa bệnh, phát thuốc, xe lăn, và tư vấn cho trẻ em khuyết tật ở vùng quê. "Nhìn sự vui mừng của các em khi có xe lăn để di chuyển tôi cảm thấy vui. Rất vui. Cứ vậy rồi tiếp tục làm thôi", nói về lý do gắn bó với tổ chức SAP-VN, Tiến sĩ Huỳnh Phước Đương cho biết.