Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Bình luận khoa học Thứ bảy, 21/12/2024 , 06:52 pm
Cập nhật : 30/08/2017 , 16:08(GMT +7)
Vấn nạn tập san khoa học "dởm"
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Một trong những vấn đề lớn của công bố khoa học hiện nay là sự ra đời các tập san mạo danh khoa học. Nhiều nhà khoa học coi đây là sự “khủng hoảng” đang làm tổn hại đến tính liêm chính của nghiên cứu khoa học toàn cầu. Một số nhà khoa học Việt Nam cũng đã trở thành nạn nhân của kỹ nghệ công bố khoa học "dởm". Trong bài viết, tác giả phân tích về sự ra đời, phát triển của những "tập san dởm" và các đặc điểm để nhận dạng. Qua đó góp phần vào việc nâng cao chất lượng công tác quản lý khoa học.

Tập san khoa học có bình duyệt (peer-reviewed journals) (1) là một trong những yếu tố định hình khoa học hiện đại, nhưng có một lịch sử khá lâu đời. Có thể xem tờ Philosophical Transactions of the Royal Society của Vương quốc Anh, xuất bản lần đầu năm 1665, là tập san khoa học đầu tiên trên thế giới. Từ truyền thống đó, tập san khoa học được xem là một diễn đàn, nơi mà các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu, chia sẻ ý tưởng và phương pháp. Vì tính liên tục trong xuất bản, tập san khoa học là một phương tiện chuyển tải thông tin từ thế hệ này sang thế hệ tiếp nối. Gerard Piel (người đầu tiên xuất bản tạp chí Scientific American) từng nói một câu chí lý rằng: “Nền khoa học sẽ chết nếu không có công bố”.

Bối cảnh ra đời của kỹ nghệ xuất bản khoa học "dởm"

Kỹ nghệ xuất bản khoa học "dởm" (tạm dịch từ "predatory publication") ra đời trong bối cảnh: Sự lỗi thời của mô thức xuất bản truyền thống, sự phát triển của internet và lợi nhuận.

Mô thức xuất bản khoa học tính từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XX chưa có những thay đổi đáng kể. Theo mô thức này: Nhà khoa học nộp bản thảo bài báo → bài báo được gửi cho vài chuyên gia bình duyệt → dựa trên đề nghị của các chuyên gia, ban biên tập quyết định chấp nhận hay từ chối đăng bài báo. Trong quy trình đó, nhà xuất bản hầu như chẳng làm gì nhiều: Đầu tiên, nhà khoa học tốn tiền và thời gian để làm nghiên cứu, khi có kết quả, viết thành bản thảo và gửi đến tập san. Các chuyên gia (hầu hết làm việc miễn phí) sẽ giúp bình duyệt. Khi bài báo được chấp nhận cho công bố, nhà xuất bản gửi hoá đơn cho tác giả! Mỗi bài báo tác giả có thể phải trả từ 600 đến 2.000 USD. Điều trớ trêu là sau khi xuất bản thì bản quyền thuộc về nhà xuất bản. Bất cứ ai trên thế giới muốn đọc bài báo đều phải trả phí. Ngay cả khi tác giả muốn in lại một bảng số liệu hay biểu đồ cũng phải xin phép nhà xuất bản. Trong vài trường hợp, phải tốn tiền để sử dụng các bảng biểu đó. Do đó, một số nhà khoa học đã đòi tẩy chay các nhà xuất bản lớn như Elsevier. Nhưng một điều trớ trêu là ngay cả những người ký tên đòi tẩy chay Elsevier vẫn tiếp tục công bố trên những tập san do Elsevier quản lý.

Hầu như bất cứ ai cũng thấy sự vô lý của mô thức xuất bản khoa học truyền thống. Chính vì vậy, cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, một nhóm nhà khoa học Mỹ đã đứng ra kêu gọi thiết lập mô thức công bố mới mà họ gọi là Open Access (truy cập mở). Theo mô thức này, nhà khoa học chỉ cần trả phí cho nhà xuất bản chính thống, bản quyền bài báo đó thuộc về nhà khoa học và bất cứ ai trên thế giới cũng có thể truy cập. Một trong những nhóm thành công nhất là Public Library of Science, với nhiều tập san nổi tiếng như PLoS Medicine, PLoS Biology, PLoS ONE... Hàng loạt các nhà xuất bản khác như BioMedCentral cũng theo mô thức của PLoS và rất thành công (sau này BioMedCentral bị Springer mua lại). Đến nay, ngay cả các nhà xuất bản truyền thống cũng đã có lựa chọn Open Access cho tác giả. Có thể nói rằng, mô thức xuất bản mở cùng sự phát triển của internet đã làm một cuộc cách mạng trong xuất bản khoa học hiện đại.

Chỉ hơn 2 thập niên trước đây, tuyệt đại đa số tập san khoa học còn xuất bản dưới dạng bản in. Với mô thức xuất bản mới, các bài báo được xuất bản trực tuyến. Đây đang trở thành một xu thế chung, tất yếu. Với xuất bản trực tuyến, những chi tiết như số báo, số trang, thậm chí tên tập san, không còn quan trọng nữa. Thật vậy, có nhiều tập san mới ra đời dùng mô thức xuất bản trực tuyến đã chủ trương công bố kết quả nghiên cứu của tất cả các chuyên ngành khoa học. Tiêu biểu là PLoS ONE (của Public Library of Science), Scientific Reports (của Springer-Nature). Đây là những tập san rất lớn, mỗi năm công bố trên 30.000 bài báo khoa học. Những tập san này cũng có thu nhập và lợi nhuận rất cao. Nếu tính trung bình mỗi bài báo các nhóm xuất bản này lấy ấn phí 1.500 USD, thì mỗi năm chỉ một tập san có thể có thu nhập trên 45 triệu USD! Nhà xuất bản, như đã nêu trên, không cần có nhiều nhân sự và chỉ cần đầu tư cho máy tính và công nghệ thông tin là có được một cơ sở xuất bản khoa học. Với mô thức mới (không cần bản in) thì chi phí lại càng thấp. Có thể nói rằng kỹ nghệ xuất bản khoa học là một mô hình kinh doanh có lời rất cao, có thể phần trăm lợi nhuận còn cao hơn cả những công ty lừng danh như Apple và IBM!

Chính vì siêu lợi nhuận từ mô thức xuất bản trực tuyến mà nhiều nhóm và nhiều cá nhân trên thế giới đã “đua nhau” thành lập nhà xuất bản và tập san khoa học. Bên cạnh những nhà xuất bản chính thống, xuất hiện rất nhiều các cơ sở kinh doanh xuất bản dưới danh nghĩa "xuất bản khoa học". Để thu hút sự quan tâm, họ lấy  những danh xưng mang tính khoa học như "Journal", "Archive", "Trends", "Proceedings"... Tất cả đều tự xưng là Open Access và tất cả đều in bài trực tuyến. Đây hầu hết là những tập san "dởm", đúng theo nghĩa của nó, tức là không có tính chất học thuật, mà chỉ là các cơ sở “làm tiền”.

Thuật ngữ “tập san khoa học dởm - predatory journal” do ông Jeffrey Beall (thủ thư của Đại học Colorado, Mỹ) dùng lần đầu vào năm 2010, sau khi thấy có nhiều email mời ông tham gia vào ban biên tập của những "tập san" mà ông chưa bao giờ nghe đến. Sau đó, ông Beall lập một trang blog nổi tiếng với danh sách các "nhà xuất bản" và "tập san" mà ông xếp vào nhóm predatory hoặc nghi ngờ thuộc vào nhóm predatory. Danh sách này đã giúp cho rất nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới phân biệt thật và dởm. Nhưng vào đầu năm 2017, ông Beall đã phải đóng cửa trang blog, vì những đe dọa liên tục từ các trạm xuất bản dởm trên thế giới. Ngoài ra, ông còn chịu áp lực từ ngay tại trường đại học nơi ông công tác, vì trường không muốn dính dáng vào những phiền phức liên quan đến các trạm xuất bản dởm.  

Quy mô kỹ nghệ xuất bản khoa học dởm

Kỹ nghệ xuất bản khoa học dởm đã và đang làm vẩn đục khoa học, vì quy mô lớn và ngày càng mở rộng. Trong một bài phân tích mới công bố trên BMC Medicine (2), qua dùng hệ thống "Directory of Open Access Journals", hai tác giả Phần Lan ước tính rằng hiện nay thế giới có đến 11.873 tập san dởm, xuất bản bởi 996 "nhà xuất bản". Con số này tương đương với số tập san khoa học chính thống. Trong những trạm xuất bản này, có một trạm ấn hành đến 447 tập san dởm! Trong số gần 12.000 tập san dởm, có khoảng 8.000 vẫn hoạt động tích cực, số còn lại hoặc là không hoạt động, hoặc là không có bài mới thường xuyên. Khoảng 27% những tập san dởm này có trụ sở ở Ấn Độ, kế đến là các nước châu Á khác (ngoài Ấn Độ): 12%, Bắc Mỹ: 18%, châu Phi: 5,5%, không thể xác định địa điểm: 27%. Cần nói thêm rằng, mặc dù “văn phòng” của những trạm này có thể chỉ là một nhà để xe hay một căn phòng nhỏ ở những nước vừa nêu, nhưng khi gửi email mời tác giả nộp bài báo họ thường lấy địa chỉ văn phòng ở Mỹ, Canada, Úc và châu Âu.

Chỉ trong năm 2014, các trạm xuất bản dởm này đã công bố 420.000 bài báo khoa học. Đây là một sự tăng trưởng rất nhanh, vì năm 2010 họ chỉ công bố được 53.000 bài. Khoảng 38% những bài báo thuộc nhóm "đa ngành", 23% thuộc ngành kỹ thuật, 17% là những bài liên quan đến y sinh học, 12% là kinh tế và khoa học xã hội. Đa số tác giả của những bài báo này tập trung ở châu Á. Gần 35% tác giả công bố trên các tập san dởm là từ Ấn Độ. Phần còn lại là 26% từ các nước châu Á khác, châu Phi: 16%, Bắc Mỹ: 9%, châu Âu: 9%.

Thời gian cần thiết để đăng một bài báo ở các tập san dởm là bao lâu? Theo phân tích của hai tác giả thì khá ngắn. Tính trung bình, những bài công bố trong năm 2014 có thời gian từ lúc nộp đến công bố trực tuyến là 2,7 tháng. Các tập san có bình duyệt nghiêm chỉnh thì thời gian (nếu bình duyệt êm xuôi) từ lúc nộp đến công bố thường là 6 đến 12 tháng; nếu bình duyệt khó khăn thì có thể kéo dài đến 2 năm. Tính bình quân, chi phí xuất bản mà các trạm xuất bản dởm lấy từ tác giả là 178 USD đến gần 800 USD. Những trạm xuất bản dởm có nhiều tập san thường tính phí càng cao. Như vậy, hai tác giả ước tính rằng thị trường tập san dởm trên thế giới có giá trị 74 triệu USD. Các tập san mở chính thống có thị trường khoảng 244 triệu USD. Cần nói thêm là thị trường của các tập san in (chính thống) là khoảng 10,5 tỷ USD.

Không chỉ số tập san, mà sự tăng trưởng số bài báo mới cũng đáng ngại. Hiện nay, mỗi năm các tập san chính thống công bố khoảng 1,2-1,5 triệu bài. Nhưng các tập san dởm công bố đến 420 nghìn bài thì quả là đáng lo ngại. Chỉ cần vào google tìm tài liệu, chúng ta dễ bắt gặp những công trình nghiên cứu trên những tập san có tên “quen quen”, nhưng chất lượng thì rất thấp. Đối với người trong chuyên ngành, có khả năng thẩm định chất lượng, thì có thể phân biệt dởm - thật dễ dàng, nhưng đối với những người mới vào ngành học thì rất khó phân biệt được công trình dởm và công trình thật. Do đó, sự xuất hiện và tăng trưởng của các tập san dởm là hết sức đáng lo ngại, vì nó sẽ làm trắng đen lẫn lộn và gây ra nhiều nhầm lẫn về thông tin khoa học trong tương lai.

Phân biệt tập san dởm và chính thống

Đối với nhiều người chưa quen hay mới làm quen với công bố khoa học, việc phân biệt tập san chính thống và tập san dởm rất khó khăn. Phần lớn những trạm xuất bản dởm rất tinh ranh, họ đặt tên tập san nhái theo tập san chính thống. Chẳng hạn như tập san chính thống là Journal of Biological Chemistry thì họ nhái là "Journal of Biological Sciences"! Ngoài ra, tiếng Anh của họ rất kém, sai sót về văn phạm và ngữ pháp rất nhiều. Tuy nhiên, những ai từng có kinh nghiệm công bố quốc tế thì việc nhận dạng tập san dởm không quá khó khăn. Xin đề cập vài nhóm tiêu chí giúp nhận dạng tập san dởm: Đặc điểm nhà xuất bản, ban biên tập và các khía cạnh khác.

- Thứ nhất, tập san dởm thường được xuất bản bởi những "nhà xuất bản" đáng ngờ, như không có danh tiếng, không nằm trong hiệp hội xuất bản nào, không có địa chỉ đất (đường phố và thành phố rõ ràng) mà chỉ là trực tuyến, thường có địa chỉ ở một nước phương Tây nhưng toàn công bố bài ở các nước đang phát triển.

- Thứ hai là ban biên tập. Một tập san nghiêm chỉnh thường (không phải tất cả) là do các hiệp hội chuyên môn điều hành hay bảo trợ. Chẳng hạn như tập san Osteoporosis International là do Hội loãng xương quốc tế chủ trương, hay JAMA là của Hiệp hội y khoa Hoa Kỳ sáng lập và xuất bản. Do đó, ban biên tập là các thành viên của hiệp hội và họ chỉ phục vụ theo nhiệm kỳ. Mỗi nhiệm kỳ từ 2-5 năm. Sau nhiệm kỳ, ban biên tập có thành viên mới và dĩ nhiên là tổng biên tập mới. Ngược lại, các tập san dởm thường chẳng có hiệp hội nào bảo trợ cả. Họ cũng có ban biên tập, nhưng thành viên ban biên tập là những người "vô danh", hoặc không có địa chỉ cụ thể, hoặc chưa bao giờ công bố nghiên cứu trên các tập san có uy tín cao. Có tập san dởm có tổng biên tập cũng là chủ nhà xuất bản vì "nhà xuất bản" chỉ có… 1 người.

Ngoài ra, một số tín hiệu chung cũng có thể nâng cao mức độ nghi ngờ tập san dởm (3). Đó là những tín hiệu như:

- Tên tập san chung chung hay nhái theo tập san chính thống;

- Không có trong danh mục ISI, Scopus;

- Tổng biên tập/Hội đồng biên tập không có thành tích khoa học tốt;

- Bài báo kém chất lượng, tiếng Anh sai nhiều;

- Có trong danh sách Cabell (cabell.com) hoặc beallslist.weebly.com.

Nhưng nguy hiểm nhất là những tập san nằm ở biên giới của dởm và thật. Đây là những tập san có trong danh mục ISI do họ biết cách khai thác kẽ hở của tiêu chuẩn ISI. Những tập san loại này cũng có những người có tiếng trong ban biên tập, nhưng họ không công bố trên các tập san đó. Chính vì những đặc điểm này mà những người công bố trên các “tập san mờ mờ tỏ tỏ” có lý do để biện minh cho sự chính thống của tập san hay bài báo của họ. Đây là những trường hợp làm cho giới quản lý khoa học rất nhức đầu để đối phó với những ngụy biện.

Vấn nạn ở các nước phát triển

Sự ra đời của các tập san dởm có tác động nhất định đến nền khoa học của các nước đang phát triển như Việt Nam. Đối với những nước có nền khoa học lâu đời và đã định hình, thì giới khoa học dễ dàng phân biệt dởm với thật, nên các tập san dởm khó có thể gây tác động lớn. Nhưng với các nước đang phát triển, áp lực công bố lớn, thì các tập san dởm là một sự nan giải cho giới quản lý khoa học, vì họ thiếu kỹ năng và kinh nghiệm để phân biệt dởm và thật. Trong thực tế, có khá nhiều nhà khoa học Việt Nam đã trở thành nạn nhân của kỹ nghệ xuất bản dởm. Một số không biết mình là nạn nhân, nhưng một số khác thì có thể muốn trở thành "nạn nhân". Người viết bài này đã từng đứng ra hoà giải cho một trường hợp ở trong nước: Tác giả thì nói tập san là thật và đòi tiền thưởng, còn người quản lý thì nói là tập san dởm và không đồng ý thưởng.

Kỹ nghệ xuất bản dởm tiến hóa rất nhanh, và càng ngày càng khó nhận dạng tất cả những tập san mạo danh khoa học. Trước đây có danh sách Beall, nhưng vẫn không đủ, và do áp lực chính trị và pháp lý nên đã đóng cửa (dù có nhiều đại học vẫn dùng danh sách này). Mới đây, một công ty thương mại Corbell tuyên bố sẽ khôi phục lại và mở rộng danh sách Beall, nhưng người sử dụng phải trả phí để truy cập. Ở Việt Nam, với người thiếu kinh nghiệm khoa học, khi đọc lý lịch với danh sách bài báo khoa học trên các tập san tiếng Anh sẽ rất khó có thể biết bài nào công bố trên tập san chính thống, bài nào trên tập san dởm. Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan quản lý khoa học cần đặt điều kiện về công bố quốc tế cho giới khoa học, với một danh sách những tập san cụ thể cần phải tránh và những tập san được công nhận. Làm được như thế sẽ góp phần giảm tình trạng ô nhiễm khoa học.

Nguyễn Văn Tuấn

Viện Nghiên cứu y khoa Garvan, Úc

Ghi chú:

1. Tiếng Anh gọi là “peer-reviewed journals” - tập san có bình duyệt để phân biệt với các tạp chí (magazine) thường không có bình duyệt. Để đăng bài trên các tập san có bình duyệt, các bài phải trải qua một quy trình phê bình và xét duyệt trước khi được chấp nhận cho công bố.

2. Cenyu Shen and Bo Christer Björk, (2015): ‘Predatory’ open access: a longitudinal study of article volumes and market characteristics, BMC Medicine ,13:230.

3. http://scholarlyoa.com/2012/11/30/criteria-for-determining-predatory-open-access-publishers-2nd-edition/

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner