Ngày 17/11/2023, UBND tỉnh An Giang phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Châu Á". Tại Hội thảo, UBND tỉnh An Giang cho biết, phấn đấu đến năm 2026 sẽ hoàn thành và bảo vệ hồ sơ di sản chính thức trước UNESCO tại Pháp để công nhận khu di tích Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới.
Đây là Hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên về “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á”. Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Hồng Thái; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước; Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Phan Chí Hiếu; cùng gần 200 đại biểu đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương (TW), Bộ KH&CN, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử… và các đại biểu quốc tế đến từ Pháp, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, đây là hội thảo quốc tế đầu tiên về văn hóa Óc Eo được tổ chức tại Việt Nam, không chỉ công bố những kết quả và thành tựu nghiên cứu khoa học mới về Văn hóa Óc Eo mà còn là cơ hội để trao đổi học thuật mang tính quốc tế; góp phần tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến giới khoa học trong nước, quốc tế và công chúng về những giá trị nổi bật của di sản văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam.
Theo ông Phan Chí Hiếu, Hội thảo làm sáng tỏ hơn những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa Óc Eo, vương quốc Phù Nam nói chung, khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê nói riêng, góp phần thiết thực và hiệu quả cho quá trình nghiên cứu xây dựng Hồ sơ di sản đề cử Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, đến nay An Giang đã hoàn thành hồ sơ đề cử Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới giai đoạn 1 (trong quy trình 2 giai đoạn của UNESCO). An Giang phấn đấu đến năm 2026, sẽ hoàn thành và bảo vệ hồ sơ chính thức trước UNESCO tại Pháp.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, dân chủ và tích cực cung cấp thông tin trong quá trình trao đổi để làm sâu sắc thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn về những giá trị lịch sử, văn hóa và mối quan hệ của đô thị Óc Eo trong giao lưu kinh tế - văn hóa với khu vực và thế giới; góp phần thiết thực vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Khu Di tích Óc Eo - Ba Thê.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Hội thảo.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi về: Tổng kết, đánh giá kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang) năm 2017-2020; Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam trong bối cảnh lịch sử, văn hóa Đông Nam Á và châu Á; Mạng lưới hải thương quốc tế và vai trò của đô thị cổ Óc Eo trong bối cảnh đô thị cổ ở Đông Nam Á và châu Á trước thế kỷ X; Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích Óc Eo - Ba Thê; Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo - Ba Thê.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo.
Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa khảo cổ, hình thành và phát triển từ thế kỷ I-VII hoặc có thể kéo dài đến đầu thế kỷ thứ VIII sau Công nguyên ở vùng Đồng bằng hạ lưu sông Mê Kông, thuộc vùng đất Nam Bộ, Việt Nam ngày nay. Đây là nền văn hóa vật chất của vương quốc Phù Nam, một nhà nước sớm ở Đông Nam Á, có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở khu vực và châu Á từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Nền văn hóa này có nguồn gốc bản địa, được hình thành trên nền tảng văn hóa Tiền Óc Eo ở vùng đất miền Trung và Nam Bộ, Việt Nam.
Tin, ảnh: Thùy Linh