Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ sáu, 22/11/2024 , 10:12 pm
Cập nhật : 07/01/2016 , 15:01(GMT +7)
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Một trong những nút thắt của Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia (CTPTSPQG) đến năm 2020 là tư duy và cơ chế quản lý chưa phù hợp với việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Khi phóng viên hỏi bà Trần Thị Oanh, Phó Cục trưởng Cục KHCN và Giáo dục (đơn vị phụ trách Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia của Bộ Y tế), là Việt Nam có cơ hội xuất khẩu vaccine sang thị trường quốc tế không, bà đã trả lời “như đinh đóng cột”: “Trước đây, khi Tổ chức Y tế Thế giới chưa công nhận tiêu chuẩn NRA1 thì mình đã xuất khẩu. Nay, mình đã đạt tiêu chuẩn NRA rồi thì thị trường [xuất khẩu] rất rộng mở. Nhất là Việt Nam lại là một trong số ít nước sản xuất được vaccine. Chỉ cần có vaccine là mình đi. Chắc chắn là xuất khẩu rồi”. 

Tuy nhiên, anh Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) lại nghĩ khác: “Nhà quản lí cho rằng đã tạo hết điều kiện, hệ thống quản lý cũng đã được tổ chức quốc tế công nhận rồi, doanh nghiệp chỉ cần sản xuất là xuất khẩu được thôi.                    

Tuy nhiên, để xuất khẩu được vaccine cần đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao của quốc tế về mặt nhà xưởng, con người. Nhìn ở góc độ nhà quản lý thì đúng là không khó gì nhưng về mặt kỹ thuật, con người và nhà xưởng thì cần đầu tư. Mà đầu tư làm sao để người ta [các tổ chức quốc tế] công nhận những điều kiện đó là tốt thì đấy là điều mà doanh nghiệp phải đối mặt.” Từ trước đến nay, việc xuất khẩu vaccine của Việt Nam chỉ theo hình thức song phương. Do hiện nay, chưa có sản phẩm vaccine nào của Việt Nam đạt các tiêu chuẩn về tiền thẩm định (Pre-qualification) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để được xuất khẩu rộng rãi trên thế giới.

Như vậy, mặc dù CTPTSPQG đến năm 2020 đã xác định lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nhưng có thể thấy các nhà quản lý vẫn chưa thực sự hiểu hết những trở ngại, khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt, mà việc sản xuất và xuất khẩu vaccine chỉ là một trong số các ví dụ.  “Cái khó nhất ở đây là thay đổi tư duy (về mặt quản lí)” – Anh Hà Minh Hiệp, Giám đốc Văn phòng các chương trình quốc gia của Bộ KH&CN cho biết. 

Kết quả chưa tương xứng với tham vọng

CTPTSPQG đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012 và Bộ KH&CN chủ trì, đã xác định tập trung cho chín sản phẩm gồm sáu sản phẩm chính thức và ba sản phẩm dự bị. Nhà nước sẽ hỗ trợ phát triển các sản phẩm này dưới dạng tài trợ cho các dự án khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Cụ thể, nhà nước và doanh nghiệp sẽ cùng đầu tư phát triển sản phẩm quốc gia, trong đó phần hỗ trợ của Nhà nước sẽ nằm ở giai đoạn đầu bao gồm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm ở lô số 0. 

Các doanh nghiệp có thể liên kết với viện nghiên cứu hoặc trường đại học để tiến hành nghiên cứu phát triển sản phẩm nhưng cách thức tiếp cận của chương trình chỉ hướng đến doanh nghiệp. Nói cách khác, đơn vị triển khai chương trình của Bộ KH&CN, văn phòng các chương trình quốc gia của Bộ KH&CN sẽ đi tìm doanh nghiệp để đầu tư thay vì tìm các đơn vị nghiên cứu. 

Sáu sản phẩm chính thức bao gồm: (1) Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; (2) Sản phẩm thiết bị siêu trường, siêu trọng; (3) Sản phẩm bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin; (4) Sản phẩm động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải; (5) Sản phẩm vaccine phòng bệnh cho người và vật nuôi của Việt Nam (6) Sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng. Ba sản phẩm dự bị gồm: (1) Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn; (2) Sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu; (3) Sản phẩm vi mạch điện tử.

Mặc dù là lần đầu tiên đưa ra một chương trình KH&CN mà kết quả đầu ra là sản phẩm thay vì đề tài, mục tiêu cụ thể của chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đặt ra khá tham vọng. Giai đoạn một từ 2011-2015 là hình thành và phát triển ít nhất 10 sản phẩm quốc gia đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có đủ năng lực làm chủ và tiến tới sáng tạo công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm quốc gia. Giai đoạn hai từ 2016 – 2020 là mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để mở rộng thị phần trong nước, tăng cường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế2. 

Sắp kết thúc năm 2015 nhưng chưa có sản phẩm nào hình thành như mục tiêu đã định sẵn. Các dự án KH&CN mới qua bước phê duyệt tài chính và một số mới được cấp kinh phí vào năm nay. Đó còn chưa kể, một số sản phẩm đưa ra không khả thi vì không có doanh nghiệp đủ năng lực và dám mạnh dạn đầu tư lớn. Hiện tại, chỉ có ba sản phẩm “trụ lại” trong chương trình bao gồm: lúa gạo, thiết bị siêu trường, siêu trọng và vaccine (cho người và vật nuôi). 

Nhiều Bộ - một chương trình

Những người xây dựng chương trình đã không lường trước được rằng, cần tới hai năm (2012-2014) để “tìm cách” vận hành chương trình và thẩm định, phê duyệt các đề tài. 

“Tìm cách” ở đây, là đưa ra các văn bản, khung pháp lý để các đơn vị liên quan thực hiện. “Lần đầu tiên mình triển khai chương trình này. Làm thế nào để đưa các sản phẩm nghiên cứu mang thương hiệu Việt Nam là một ý tưởng tuyệt vời và đúng đắn nhưng triển khai cũng có những khó khăn nhất định bởi vì nó mới. Hệ thống văn bản cũng là mới, cứ làm đến chỗ nào chưa phù hợp thì điều chỉnh đến đấy. Có những văn bản phải điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi hai, ba lần.” – Bà Trần Thị Oanh cho biết. 

“Cả năm 2013 [các nhà quản lý] chỉ tranh luận quanh quẩn những vấn đề về cơ chế như thế nào, triển khai ra sao” – Anh Đỗ Tuấn Đạt, người tham gia vào chương trình ngay từ trước khi được phê duyệt cho biết. 

Cách thức thực hiện chương trình đã không giống như dự định ban đầu. “Lúc đầu là Nhà nước chỉ định, lựa chọn và giao thẳng cho doanh nghiệp vì chỉ có họ mới làm ra sản phẩm. Khi đó, Văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia của Bộ KH&CN sẽ đứng ra làm đầu mối điều phối các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau đó, một số bộ chủ quản như Bộ Y tế đã tham gia vào vai trò phối hợp nhiều đơn vị trong cùng lĩnh vực hoạt động vì họ cho rằng một doanh nghiệp không đủ sức tập hợp những đơn vị còn lại” – Anh Đỗ Tuấn Đạt lý giải. Hiện đang có bốn đơn vị nghiên cứu và sản xuất vaccine cho người trên cả nước tham gia chương trình sản phẩm quốc gia. 

Hiện nay, tất cả các dự án đều phải “đi vòng” qua bộ chủ quản thẩm định và phê duyệt trước khi đến Bộ KH&CN. Cụ thể, sản phẩm giàn khoan Dầu khí (thiết bị siêu trường, siêu trọng) do Bộ Công Thương phụ trách, sản phẩm lúa gạo do Bộ NN&PTNTphụ trách, sản phẩm vaccine cho người và thú y lần lượt do Bộ Y tế và Bộ KH&CN phụ trách. Quá trình từ lúc “giao” nhiệm vụ của dự án sản phẩm quốc gia cho đến khi phê duyệt xong sẽ diễn ra theo ba bước với ba hội đồng khác nhau: Hội đồng của cơ quan chủ quản sẽ thông qua đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia và hình thành các nhiệm vụ hay chính là các đề tài và dự án KH&CN. Sau đó, một hội đồng khác sẽ đánh giá các nhiệm vụ và chỉ định các đơn vị thực hiện. Các đơn vị này sẽ nộp hồ sơ về Bộ chủ quản và Bộ KH&CN để hai bên cùng lập ra một hội đồng khác để thẩm định các nội dung tương ứng với khối lượng kinh phí đề xuất. Kinh phí từ ngân sách do Bộ Tài chính sau đó cấp sẽ không được chuyển tới doanh nghiệp mà phải thông qua bộ chủ quản. 

Quy trình này diễn ra trong vòng từ một đến hai năm. “Thực hiện cũng không dễ dàng gì, nhiều khâu và đặc biệt là lựa chọn chuyên gia, rất nhiều người bận công tác nên phải mất hàng tháng trời mới họp được một lần. Xong rồi đơn vị về sửa chữa và trình lên làm thuyết minh, lại mất hàng tháng trời. Rồi phải lựa chọn ai làm chủ nhiệm đề tài cũng mất nhiều thời gian.” – Ông Nguyễn Thiên Lương, Chuyên viên cao cấp của Vụ KHCN, Bộ NN&PTNT nói.

Bên cạnh khó khăn về thống nhất giữa bộ chủ quản và bộ chủ trì chương trình, trong một số trường hợp, việc giải ngân cũng bị chậm trễ vì lại thêm những tầng nấc: “Mặc dù Bộ Y tế đã thành lập văn phòng [quản lý chương trình sản phẩm quốc gia] nhưng tiền ngân sách khi về Bộ Y tế sẽ lại được đánh giá và sử dụng ngân sách theo đúng quy định của Bộ Y tế. Chắc là khoảng nửa năm. Rồi việc làm chứng từ, thanh quyết toán rất khó khăn. Cấp phát thì đã chậm rồi nhưng để tiêu được cũng khó.” – Anh Đỗ Tuấn Đạt chia sẻ.

Vậy, có nhất thiết bộ chủ quản phải đứng ra phụ trách các sản phẩm? Có ý kiến cho rằng, chỉ có bộ chủ quản mới đủ chuyên môn để đánh giá năng lực và phân bố hợp lí kinh phí cho các đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, với sản phẩm vaccine cho vật nuôi, mặc dù do Bộ KH&CN chủ trì nhưng về chuyên môn, các chuyên gia của Bộ vẫn tham gia xét duyệt đề tài và sau này, khi sản phẩm ra đời, chính Bộ NN&PTNT vẫn là đơn vị kiểm định và cho phép lưu hành. Bên cạnh đó, vì chỉ do một bộ phụ trách duy nhất nên việc cấp phát kinh phí diễn ra nhanh hơn. “Sau khi mình ký hợp đồng mấy hôm là được ứng tiền ngay” – Ông Cao Việt Hùng, Phó giám đốc công ty RTD – doanh nghiệp tham gia hai dự án trong chương trình sản phẩm vaccine phòng bệnh cho vật nuôi nói. 

Nhìn phát triển một sản phẩm như là phát triển một ngành

Hiện nay, tỉ lệ ngân sách cho CTPTSPQG hỗ trợ chỉ chiếm dưới 25%, còn lại là tiền doanh nghiệp tự đầu tư. Anh Hà Minh Hiệp cho rằng, doanh nghiệp thực ra không cần nhiều tiền từ ngân sách, cái họ cần là cơ chế. 

Trong đó, quan trọng nhất là các cơ chế về tài chính. Chẳng hạn như cơ chế cho vay, lấy ví dụ như công ty PVShipyard là đơn vị triển khai sản phẩm giàn khoan Dầu khí di động (sản phẩm nằm trong thiết bị siêu trường, diêu trọng). Họ sẵn sàng chi trả 95% tổng số tiền của dự án vì sản phẩm của họ đã có nhà thầu Ấn Độ đặt hàng. Tuy nhiên, cái khó ở đây là họ phải tự chi trả toàn bộ chi phí nghiên cứu và thiết kế, chế tạo trước khi bàn giao cho chủ đầu tư. Đây là lúc họ cần đi vay nhưng vẫn chưa có cơ chế bảo lãnh cho vay khi chủ đầu tư là người nước ngoài.

Ngoài cơ chế cho vay, doanh nghiệp cũng cần cả cơ chế quỹ, cho phép họ nhận được một khoản hỗ trợ đổi mới công nghệ để tự do mua sắm thiết bị, thuê chuyên gia nước ngoài, mua bản quyền…Nhưng nhu cầu này bị cản trở do tư duy của Bộ Tài chính: “Thông tư Tài chính chưa thực sự phù hợp với doanh nghiệp. Mặc dù mình đặt ra mục tiêu là hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cơ chế quỹ, họ không chấp nhận, cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng họ cũng không chấp nhận.” – Anh Hà Minh Hiệp cho biết. 

Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ KHCN và các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, đơn vị quản lí CTPTSPQG của Bộ KH&CN cũng thừa nhận rằng, xây dựng thông tư liên tịch (giữa Bộ KH&CN và Bộ Tài chính) về quản lý tài chính của Chương trình là thông tư khó khăn nhất. 

Đầu ra của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia là sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp không chỉ cần một cơ chế tài chính thông thoáng từ Bộ Tài chính cho khâu R&D, mà còn cần được bộ chủ trì và các cơ quan chủ quản tiếp tục hỗ trợ sau khi sản xuất thử nghiệm, nhất là trong việc cấp phát giấy phép, đồng hành cùng doanh nghiệp tìm kiếm thị trường…

“Khó khăn lớn nhất là sau khi triển khai xong rồi thì liệu rằng chất lượng sản phẩm của mình có đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu hay không và tỉ lệ xuất khẩu gạo của nước mình so với thế giới có giữ vững được không? Còn nữa là lượng gạo nội tiêu thụ ở trong nước là rất lớn, mình vẫn nhập gạo Thái và gạo Campuchia về mặc dù giống của mình cũng không kém gì họ về chất lượng. Mình chưa có chính sách, cách tiếp cận cụ thể đối với người tiêu dùng.” – Ông Nguyễn Thiên Lương cho biết. Bộ NN&PTNT là đơn vị chịu trách nhiệm trong việc triển khai dự án xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia đến năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. 

Bên cạnh đó, đơn vị quản lý cũng phải hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cấp phép lưu hành sản phẩm. Hiện nay, Các nhà sản xuất vaccine của Việt Nam với kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách eo hẹp, khó có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất vaccine lớn trên thế giới với ưu thế về vốn, thương hiệu, chiến lược quảng bá... Chính vì vậy, nếu sản phẩm trong nước đã đảm bảo được về chất lượng thì các cơ quan hữu quan cần thúc đẩy để sản phẩm sớm được đăng kí và thương mại hóa. “Họ phải đi tiếp cùng với nhà sản xuất để sản phẩm trong nước có thể đăng kí được. Từ đó mới có thể đi ra thị trường quốc tế.” - Anh Đạt nói.

Hiện nay, CTPTSPQG đang có hai loại dự án, thứ nhất là dự án KHCN (được hỗ trợ 100% vốn ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu và phát triển) và thứ hai là dự án đầu tư (được hỗ trợ từ 50-70% cho việc sản xuất và thương mại hóa). “Đến nay mới chỉ có các dự án KHCN phát triển sản phẩm quốc gia được thực hiện. Hầu như cơ quan quản lý Chương trình chưa nhận được các đề xuất nào về hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển sản phẩm quốc gia” – Ông Nguyễn Văn Liễu cho biết. Doanh nghiệp trông đợi từ dự án đầu tư với những cách thức huy động vốn mới nhưng trên thực tế, cả hai dự án này đều sử dụng chủ yếu từ vốn ngân sách. Như vậy thì quá ít ỏi để thực hiện mục tiêu “mang thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế”. Đơn cử như với vaccine, để sản phẩm thương mại hóa được, xuất khẩu được thì doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu rất gắt gao của WHO về nhà xưởng và con người. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn ban đầu “nếu chỉ sử dụng vốn ngân sách thì sẽ rất lớn”, còn nếu dựa vào nguồn lực tự có của doanh nghiệp hiện tại là điều bất khả thi, bởi “hiện nay sản phẩm vaccine chủ yếu mang tính chất công ích, bán cho nhà nước với giá rẻ để người dân có thể sử dụng miễn phí hằng năm, nên việc tái đầu tư đối với các sản phẩm thương mại hóa rồi còn khó chứ chưa nói đến đưa những sản phẩm mới ra đời”, anh Đỗ Tuấn Đạt chia sẻ.

Điều đó có nghĩa là phải có cơ chế huy động vốn ngoài nhà nước đối với các sản phẩm quốc gia, đặc biệt là chính sách cổ phần hóa, để giúp doanh nghiệp có được nguồn vốn ban đầu ở quy mô cần thiết. Hiện nay, VABIOTECH may mắn được Tổng công ty vốn nhà nước SCIC đầu tư vào 2016. Tuy nhiên POLYVAC, IVAC (là hai nơi cũng tham gia vào CTPTSPQG) là đơn vị hành chính sự nghiệp, vẫn hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách.  

Với những thực trạng nêu trên, nếu Nhà nước không kịp thời có chính sách giải quyết các vướng mắc, tồn tại một cách toàn diện, thì sản phẩm ra đời nhưng không thể “mở rộng thị phần trong nước, tăng cường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế” như tham vọng của chương trình.

“Nếu tạo áp lực cho Bộ KH&CN, Bộ Y tế phải ra sản phẩm với ngân sách ít ỏi thì chương trình sẽ thất bại; [các nhà quản lí] cần cách nghĩ lớn hơn, đó là phát triển cho cả một ngành thì sản phẩm mới thành hiện thực được”, anh Đạt nhận định. 

------------------------

1.NRA (National Regulatory Authorities) là tiêu chuẩn WHO chứng nhận cho các hệ thống quản lý và kiểm định vaccine của Quốc gia trước khi đưa ra thị trường. Đây mới chỉ là điều kiện đầu tiên để Việt Nam có thể xuất khẩu vaccine rộng rãi.    

2.Theo Quyết định 1441 của Thủ tướng Chính phủ năm 2010.

 

Nguồn tin: Tạp chí Tia sáng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner