Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 04:17 pm
Cập nhật : 29/03/2013 , 16:03(GMT +7)
VNREDSat-1, bước đột phá cho công nghệ vũ trụ Việt Nam
Giáo sư Châu Văn Minh.
Giáo sư Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam cho biết, tháng 4 tới đây, dự kiến VNREDSat-1, vệ tinh quan sát Trái Đất đầu tiên của Việt Nam sẽ được phóng lên quỹ đạo.

Như vậy, sau sự kiện vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 thì vệ tinh VNREDSat-1 như lực đẩy quan trọng để những người làm khoa học, công nghệ trong nước từng bước hiện thực hóa nhiệm vụ quan trọng trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” .

Sắp tới VNREDSat-1 sẽ được phóng lên quỹ đạo, Giáo sư có thể cho biết về mục đích của việc phóng vệ tinh này? 

Giáo sư Châu Văn Minh: Mục tiêu chính của việc phóng vệ tinh quan sát Trái Đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 là chụp ảnh và cung cấp một số lượng lớn ảnh vệ tinh quang học có độ phân giải cao một cách chủ động và kịp thời cho các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, cơ quan nghiên cứu khoa học và các trường đại học có nhu cầu giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh-quốc phòng. Với vệ tinh VNREDSat-1, Việt Nam hoàn toàn chủ động về thời gian và vị trí trong việc chụp ảnh các vùng trên Trái Đất, đây là điều khác biệt cơ bản giữa việc có hay không có vệ tinh quan sát Trái Đất riêng.

Dự án VNREDSat-1 nhằm thực hiện một nhiệm vụ quan trọng trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu nhận chuyển giao công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất và đào tạo được một nhóm chuyên gia, kỹ sư nòng cốt của Việt Nam tiến tới thiết kế lắp ráp các vệ tinh nhỏ tại Việt Nam; xây dựng cơ sở hạ tầng bước đầu cho công nghệ vũ trụ; góp phần xác định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới nói chung và trong lĩnh vực khai thác vũ trụ phục vụ cho lợi ích của con người nói riêng.

Thực hiện dự án VNREDSat-1 là bước đi đầu tiên trong việc xây dựng hệ thống vệ tinh quan sát Trái Đất của Việt Nam.

Việc chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh đã được Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chuẩn bị như thế nào thưa Giáo sư?

Giáo sư Châu Văn Minh: Vệ tinh VNREDSat-1 được chế tạo ở nhà máy của EADS Astrium tại Toulouse (Pháp) đã hoàn thành tất cả các công đoạn kiểm tra, đáp ứng mọi tiêu chí và đưa đến bãi phóng vào ngày 8-3 vừa qua. Tại Việt Nam, trong khuôn khổ của Dự án chúng ta đã triển khai 3 trung tâm để điều hành, tiếp nhận và xử lý dữ liệu ảnh của vệ tinh VNREDSat-1 gồm Trung tâm điều hành (đặt tại khuôn viên của Viện Hàn lâm KH& CN Việt Nam); Trung tâm thu phát tín hiệu điều khiển vệ tinh (đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc); Trạm thu nhận ảnh vệ tinh (đặt tại Trung tâm Viễn thám Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường). Hiện tại, công tác lắp đặt, kiểm tra và hiệu chỉnh các hệ thống thiết bị tại 3 trung tâm này đã hoàn tất, việc xây dựng mạng thông tin liên lạc kết nối 3 địa điểm trên cũng đã hoàn thành.

Phối cảnh vệ tinh VNREDSat-1

Về nhân lực, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã cử 15 cán bộ, kỹ sư sang học tập tại cơ sở của EADS Astrium ở Toulouse, Pháp. Nhóm này có 2 nhiệm vụ là làm chủ quá trình điều khiển, khai thác vệ tinh và bước đầu tiếp cận với các công đoạn trong quá trình thiết kế, chế tạo vệ tinh. Các cán bộ trẻ được thực tập từ 1 đến 1,5 năm tùy vị trí và đã hoàn thành xuất sắc đợt đào tạo này. Bên cạnh đó, đội kỹ sư (5 người) vận hành trạm thu nhận và xử lý tín hiệu ảnh đặt tại Trung tâm Viễn thám Quốc gia cũng đã tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn nâng cao tại Pháp. Về nước, các nhóm kỹ sư này tiếp tục được các chuyên gia của Pháp tập huấn đến nay hoàn toàn có thể đảm nhiệm được việc điều khiển và vận hành khai thác vệ tinh ngay sau khi phóng thành công lên quỹ đạo.

Có thể nói, các công tác chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh VNREDSat-1 đã hoàn tất.

Công ty nào đã trúng thầu dự án trên thưa Giáo sư? Phía Việt Nam đã chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất như thế nào?  

Giáo sư Châu Văn Minh: Công ty Astrium (Pháp) thuộc tập đoàn EADS đã trúng thầu dự án. EADS Astrium là một trong những công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực vệ tinh nói chung cũng như các hệ thống vệ tinh quan sát Trái Đất. Thêm vào đó, công ty EADS Astrium cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo và chuyển giao công nghệ cho các nước khi mới bắt đầu phát triển công nghệ vệ tinh như Hàn Quốc, An-giê-ri, Thái Lan, Chi-lê...

Một đặc điểm quan trọng nữa của dự án VNREDSat-1 là việc tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có, đó là hệ thống thu nhận, lưu trữ và xử lý ảnh các vệ tinh viễn thám của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm tạo ra một hệ thống giám sát hoàn chỉnh, độc lập từ vệ tinh đến trạm thu mặt đất và trung tâm xử lý phân phối dữ liệu ảnh viễn thám tại Việt Nam. 

PV: Giáo sư có thể cho biết sự khác biệt giữa Vinasat 1, Vinasat 2 với VNREDSat-1 sắp được phóng lên quỹ đạo?

Giáo sư Châu Văn Minh:  Các vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2 là vệ tinh viễn thông có chức năng truyền dẫn tín hiệu phục vụ thông tin liên lạc, phát thanh truyền hình… Về quỹ đạo, vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 làm việc trên quỹ đạo địa tĩnh ở độ cao khoảng 36.000km. Còn vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quan sát Trái Đất (hay còn gọi là vệ tinh viễn thám) với chức năng chụp ảnh các vùng trên bề mặt Trái Đất làm việc ở độ cao khoảng 663km.

Dự kiến VNREDSat-1 được phóng lên quỹ đạo từ đâu thưa Giáo sư? 

Giáo sư Châu Văn Minh: Vệ tinh VNREDSat-1 sẽ được phóng lên quỹ đạo từ sân bay vũ trụ Kourou (Guyana thuộc Pháp). Đây cũng là nơi công ty ArianeSpace đã phóng thành công hai vệ tinh viễn thông của Việt Nam Vinasat 1 và Vinasat 2. Thời gian phóng vệ tinh VNREDSat-1 dự kiến là khoảng 9 giờ (giờ Hà Nội) ngày 19-4-2013.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Dự án VNREDSat-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu ơ-rô bằng nguồn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Pháp và có 64.820 triệu đồng từ nguồn vốn đối ứng của Việt Nam. Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quang học quan sát Trái Đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt Trái Đất. Vệ tinh nặng khoảng 120kg. Tuổi thọ theo thiết kế là 5 năm. (Nguồn Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).

 

Nguồn tin: Quân đội nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner