Đảng, Nhà nước ngày càng quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN). Đặc biệt, đã có sự xoay trục, dịch chuyển rõ nét về cơ chế chính sách, coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Nhân Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, TS. Đỗ Tuấn Đạt – Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã chia sẻ về định hướng nghiên cứu của Công ty cũng như những cảm nhận, mong muốn về cơ chế, chính sách phát triển KH&CN.
Nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa biến chủng mới của virus SARS-CoV-2
PV: Thưa ông, được biết thời gian qua VABIOTECH đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, nghiên cứu vắc xin, trong đó có vắc xin phòng Covid-19. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
- TS. Đỗ Tuấn Đạt: Các sản phẩm được thương mại hoá hiện nay của VABIOTECH đều xuất phát từ các đề tài KH&CN cấp Nhà nước. Thời gian qua, VABIOTECH cũng vừa hoàn thành các đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia Vắc xin phòng bệnh cho người. Sản phẩm vắc xin viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero hy vọng cũng sẽ là một sản phẩm mới sớm được thương mại hoá của Công ty. Sản phẩm vắc xin Hib cộng hợp sẽ tiếp tục được nghiên cứu để trở thành một thành phần quan trọng trong các vắc xin phối hợp tại Việt Nam sau này.
PV: Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, VABIOTECH đã rất nhanh chóng vào cuộc triển khai các hoạt động nghiên cứu, hợp tác sản xuất và thử nghiệm vắc xin. Ông chia sẻ về những hoạt động cũng như kết quả VABIOTECH đã, đang và sẽ triển khai nhằm góp phần phòng, chống đại dịch?
- Ngay từ những ngày đầu tiên khi dịch bệnh xảy ra, nhóm nghiên cứu của Công ty đã phối hợp cùng đối tác quốc tế của Trường đại học Bristol (Anh) nghiên cứu phát triển vắc xin Covid-19. Cho đến nay, các kết quả nghiên cứu trên chủng SARS-CoV-2 gốc đã cho thấy hiệu quả của vắc xin trên các động vật thí nghiệm. Vắc xin có tính an toàn và tính sinh miễn dịch tốt trên chuột và khỉ. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục phát triển các vắc xin ngừa biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 và chuẩn bị các bước tiếp theo cho thử nghiệm lâm sàng vắc xin trên người.
PV: Xin ông chia sẻ rõ hơn về các hoạt động hợp tác quốc tế của VABIOTECH để giải quyết các vấn đề liên quan đến vắc - xin Covid-19?
- Hợp tác quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh của đại dịch. Yêu cầu của một vắc xin đại dịch là cần có nhanh, nhiều và hiệu quả. Do vậy việc tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất vắc xin là hết sức cần thiết. Việc ứng dụng và triển khai sớm được các công nghệ mới không có gì tốt hơn là thông qua hợp tác quốc tế. VABIOTECH đã sớm có các trao đổi với các đối tác quốc tế về việc phối hợp phát triển và sản xuất vắc xin Covid-19 theo các công nghệ virus vector và công nghệ gen ngay từ khi đại dịch mới xảy ra. Các công nghệ này hiện đã được nhiều quốc gia và hãng dược phẩm lớn trên thế giới sản xuất và thương mại hoá thành công đối với vắc xin Covid-19. Đây cũng sẽ là các công nghệ của tương lai đối với ngành sản xuất vắc xin trên thế giới. Hiệu quả của việc hợp tác với các đối tác quốc tế đã giúp ích rất nhiều cho việc phát triển đội ngũ các nhà khoa học trong nghiên cứu vắc xin tại Việt Nam cũng như rút ngắn thời gian để sản xuất và đưa ra sử dụng một vắc xin Covid-19 mới, giúp nhanh chóng có được vắc xin phục vụ cộng đồng.
Hoạt động sản xuất vắc xin tại VABIOTECH (Ảnh: Quỳnh Chi)
Cần truyền thông về lợi ích tiêm vắc xin Covid-19
PV: Hiện nay, có nhiều thông tin khác nhau về vắc-xin Covid-19 sau khi có trường hợp bị sốc phản vệ, tử vong khi tiêm vắc xin Covid-19 theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Ông có chia sẻ gì về kỳ vọng đối với văc xin Covid-19 do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất, đang được thử nghiệm trên người tình nguyện và những lợi ích của việc tiêm vắc xin Covid-19?
- Vắc xin là một sản phẩm dược phẩm do vậy đều sẽ có những rủi ro khi sử dụng trên người. Sản phẩm vắc xin sẽ góp phần phòng và ngăn ngừa dịch bệnh cho một cộng đồng lớn nên luôn cần cân nhắc giữa lợi ích có được và các rủi ro có thể gặp phải. Các vắc xin trước khi được sử dụng đều cần qua các bước thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, trên động vật và trên người. Các vắc xin của Việt Nam cũng được nghiên cứu và phát triển theo các bước như vậy. Điểm lợi ở đây là vắc xin đã được theo dõi và đánh giá trên chính cộng đồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi làm thí nghiệm và sử dụng trên một số lương mẫu nhỏ thì chưa thể thấy hết được các rủi ro có thể gặp phải mà cần có các đánh giá và theo dõi tiếp theo trên một cộng đồng lớn. Do vậy, việc thông tin cũng như tuyên truyền về lợi ích của tiêm phòng vắc xin đặc biệt là với vắc xin Covid-19 là điều hết sức cần thiết để người dân hiểu và tin tưởng vào việc tiêm phòng vắc xin trong đó có vắc xin nội địa của Việt Nam.
PV: Ý kiến của ông về vai trò và đóng góp của KH&CN trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19?
- Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Bộ KH&CN đã sớm huy động lực lượng lớn các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp tham gia vào việc nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch. Sự vào cuộc sớm của Bộ KH&CN đã tạo ra nguồn động lực và thúc đẩy các nghiên cứu trong nước trong giai đoạn đại dịch này. Kết quả áp dụng nhanh chóng của các sản phẩm KH&CN đã góp phần rất lớn giúp Việt Nam trở thành một tấm gương sáng trên thế giới trong việc khống chế và đẩy lùi các đợt bùng phát của đại dịch Covid-19.
PV: Ngày 18/5 đã được công nhận là Ngày KH&CN Việt Nam. Ở góc độ doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ cảm nghĩ cũng như mong muốn, đề xuất về cơ chế, chính sách để phát triển KH&CN nước nhà?
- Ngày 18/5 là ngày KH&CN Việt Nam. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng KH&CN Việt Nam nói chung cũng như những người tham gia hoạt động KH&CN tại các doanh nghiệp. Mong muốn của tôi cũng như nhiều đồng nghiệp hiện làm việc trong các doanh nghiệp là Nhà nước cần nhiều hơn các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu và kết quả của KH&CN vào việc phát triển sản phẩm cũng như phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp KH&CN. Có như thế mới thể hiện rõ được quan điểm của Đảng và Nhà nước - KH&CN là đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Quỳnh Chi (thực hiện)